| Hotline: 0983.970.780

Cao Bằng tập trung nguồn lực đưa nước sạch về bản

Thứ Hai 31/05/2021 , 13:40 (GMT+7)

Tỉnh Cao Bằng nhiều năm qua đã tận dụng nhiều nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng công trình cấp nước, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số về nước sinh hoạt.

Giải khát nước sạch vùng cao

Nhiều năm trước đây, người dân xóm Đoỏng Giài, xã Cao Chương, huyện Trùng Khánh thường xuyên thiếu nước sinh hoạt. Người dân chủ yếu sử dụng nước mưa và giếng khoan nhưng vẫn không đủ dùng, thường xuyên thiếu nước nhiều tháng khi vào mùa khô.

Từ hơn 10 năm trở về đây, huyện đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung, xây dựng bể trữ nước loại hơn 30m3 nên 90 hộ dân trong xóm không còn lo thiếu nước sinh hoạt.

Ông Lã Văn Hợp, xóm Đoỏng Giài, chia sẻ: Gia đình tôi trước đào giếng khoan nhưng mạch nước ngầm nhỏ nên giếng thường cạn nước vào mùa khô. Từ khi có công trình nước sinh hoạt tập trung, tôi đầu tư xây bể chứa, mua téc nước để bơm nước về sử dụng. Hiện nay, nước sinh hoạt có đầy đủ quanh năm nên cuộc sống cũng đỡ khó khăn hơn nhiều.

Người dân xóm Đoỏng Giài, xã Cao Chương, huyện Trùng Khánh có đủ nước sinh hoạt để sử dụng hàng ngày. Ảnh: Công Hải.

Người dân xóm Đoỏng Giài, xã Cao Chương, huyện Trùng Khánh có đủ nước sinh hoạt để sử dụng hàng ngày. Ảnh: Công Hải.

Từ các nguồn vốn như chương trình 135, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chương trình nước sạch… nhiều năm qua, các địa phương đã tập trung nguồn lực để đầu tư nhiều công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân, nhất là ở các xóm vùng cao, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Từ những bể lu loại 1m3 đến những bể vuông từ vài m3 trở lên được đầu tư nhiều năm qua đã góp phần cung cấp, giải quyết phần nào nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân.

Đến hết năm 2020, tỉnh Cao Bằng có 955 công trình cấp nước tập trung. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90,6%; 16,2% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế; tỷ lệ thất thoát nước sạch dưới 20%. Năm 2020 - 2021, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Cao Bằng triển khai 38 công trình nước sinh hoạt tập trung với tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng.

Cao Bằng giải bài toán "để nước sạch luôn chảy"

Các công trình nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện nay đều là công trình cấp nước tự chảy và bơm dẫn, một số công trình không có người quản lý trực tiếp. Trong khi cộng đồng người hưởng lợi không nắm được nguyên lý hoạt động, không được hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật nên khi công trình bị sự cố không kịp thời sửa chữa khắc phục, dẫn đến các công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng, hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động.

Ngoài ra, thiên tai, bão lũ thường xuyên đã làm hư hỏng, cuốn trôi các hạng mục của công trình cấp nước tự chảy như: đập dâng, đường ống dẫn nước, mố đỡ ống… nhưng việc khắc phục chưa kịp thời và do khó khăn về tài chính dẫn đến công trình bị hư hỏng lớn và dần dần công trình ngừng hoạt động.

Người dân vùng cao xã Quang Trung, huyện Hòa An tự dẫn nước từ nguồn về sử dụng. Ảnh: T.N.

Người dân vùng cao xã Quang Trung, huyện Hòa An tự dẫn nước từ nguồn về sử dụng. Ảnh: T.N.

Ông Hoàng Đình Đà, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Cao Bằng cho biết: Hiện nay, nguồn nước sử dụng để cấp cho các công trình nước sinh hoạt ở Cao Bằng chủ yếu là các mạch xuất lộ, các mỏ nước và một số lấy tại các hồ thẩm thấu, thiết kế theo hình thức lọc thô đảm bảo nước hợp vệ sinh, cơ bản các công trình chưa được đầu tư hệ thống khử khuẩn để đảm bảo theo Quy chuẩn nước sạch do Bộ Y tế ban hành. Trừ các dự án thuộc Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả" vốn vay ngân hàng Thế giới, do Trung tâm Nước đang triển khai (Chất nước nước đầu ra đảm bảo nước sạch theo QC 02 của Bộ Y tế).

“Để nâng cao hiệu quả đầu tư các công trình cấp nước nông thôn cũng như bảo toàn nguồn vốn đầu tư và đảm bảo hoạt động bền vững các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, tỉnh cần giao cho các tổ chức đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, cá nhân có đủ năng lực quản lý, khai thác các công trình cấp nước nông thôn. Ngoài ra, truyền thông đến người dân về lợi ích của việc sử dụng nước sạch, nâng cao tinh thần bảo vệ các công trình cấp nước”. Ông Đà cho biết thêm.

 Lục khu Hà Quảng đã hết khát nước sạch

Lục Khu là vùng cao ở huyện Hà Quảng gồm 7 xã: Cải Viên, Hồng Sỹ, Lũng Nặm, Thượng Thôn, Mã Ba, Tổng Cọt, Nội Thôn.

Người dân xã Mã Ba, huyện Hà Quảng sử dụng nước sinh hoạt tại công trình hồ vải địa. Ảnh: T.N.

Người dân xã Mã Ba, huyện Hà Quảng sử dụng nước sinh hoạt tại công trình hồ vải địa. Ảnh: T.N.

Lục khu với dân số cơ bản là người đồng bào dân tộc thiểu số, do ở trên cao cả vùng gần như không có sông suối chảy qua, nên trước đây người dân thường xuyên phải đối mặt với thiếu nước sinh hoạt.

Những năm qua, huyện đã sử dụng nhiều nguồn để đầu tư xây dựng hồ vải địa, bể nước tập trung cho các địa phương, nên người dân Lục Khu đã cơ bản không còn tình trạng thiếu nước sinh hoạt kéo dài.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.