Ở vùng nông thôn, vùng cao để xây dựng được công trình nước sạch bằng giải pháp khoan giếng lấy nước ngầm thì chi phí sẽ rất cao.
Phương án tối ưu nhất được cán bộ Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Tuyên Quang đưa ra là tìm nguồn nước trên những ngọn núi. Nhưng những hành trình ấy không phải khi nào cũng thuận lợi.
Nhiều năm nay, anh Nguyễn Đình Tâm, Trưởng Ban quản lý khai thác công trình cấp nước nông thôn, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Tuyên Quang gắn bó với các bản làng ở xứ Tuyên đi tìm nguồn nước sạch trên núi để xây dựng các trạm cung cấp nước sinh hoạt phục vụ bà con vùng cao.
Để tìm được nguồn nước, anh Tâm và các anh em trong đoàn phải đi bộ cả ngày đường. Nhưng không phải lần đi nào cũng thành công. Bởi chỗ thì không đủ nước đáp ứng xây trạm, chỗ đủ nước thì quá xa, lại gập ghềnh nếu xây dựng thì kinh phí độn lên rất cao và việc bảo dưỡng cũng khó khăn.
Như để có được công trình cấp nước sinh hoạt xã Yên Hoa – Đà Vị, huyện Na Hang cán bộ của Trung tâm nước đã phải đi bộ 12km mới tìm được nguồn nước đủ điều kiện cung cấp nước ổn định cho người dân 2 xã này.
Hay chuyện đi tìm nguồn nước ở xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa các anh phải đi từ sáng đến tối mịt mới về. Khi đi anh em trong đoàn chủ động mang theo nước, mỳ tôm, thức ăn để tìm nguồn nước. Đến nơi, nguồn nước đảm bảo về trữ lượng nhưng lại quá xa, đường đi lại hiểm trở, nếu thi công sẽ rất khó khăn cho quá trình vận hành và bảo dưỡng hệ thống cơ sở vật chất của công trình nên đành phải bỏ.
Anh Tâm chia sẻ, những năm gần đây, hạn hán kéo dài nên việc tìm nguồn nước mặt để xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh khó khăn hơn.
Nếu xây dựng nhà trạm từ nguồn nước giếng khoan thường thu không đủ chi. Mỗi công trình nước giếng khoan ít nhất 1 tháng phải mất khoảng 2 triệu tiền điện, những công trình lớn lên đến cả 10 triệu đồng. Do vậy khó khăn trong công tác quản lý vận hành. Đấy là chưa kể các khoản chi phí khi thi công xây dựng nhà trạm và các hạng mục phụ trợ.
Từ năm 2013 đến hết năm 2021, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn được đầu tư xây dựng 6 công trình cấp nước sinh hoạt, đảm bảo cung cấp nước hợp vệ sinh cho 80% số hộ dân trên địa bàn.
Chị Sùng Thị Phương, thôn Lè, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn cho biết, khi chưa có công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh, bà con phải dùng nước giếng đào hoặc chứa nước mưa vào các bể xây, chum vại. Thế nhưng chỉ đủ nước vào mùa mưa, còn mua khô thì rất thiếu nước vì các giếng đều cạn.
Từ ngày có nước sinh hoạt hợp vệ sinh cấp về tận nhà, người dân như chị rất phấn khởi. Chị mong muốn cán bộ Trung tâm duy tu bảo dưỡng tốt công trình cấp nước, để công trình hoạt động được hiệu quả, lâu dài.
Đảm bảo nâng cấp tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, giai đoạn 2016-2021, tỉnh Tuyên Quang được đầu tư 27 công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho bà con vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các công trình đã và đang được hoàn thiện đi vào sử dụng đã nâng tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 93%.
Anh Phạm Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Tuyên Quang cho biết, một trong những khó khăn hiệu nay trong việc xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tại vùng nông thôn, vùng cao là việc tìm nguồn nước và duy tu bảo dưỡng. Bởi hầu hết các nơi có nguồn nước ổn định đều ở khá xa khu dân cư, việc duy tu bảo dưỡng và bảo vệ hệ thống đường ống cũng như nhà trạm sẽ gặp nhiều khó khăn.
Để giải quyết khó khăn này, Trung tâm tích cực vận động người dân phối hợp với cán bộ của đơn vị cùng chính quyền bảo vệ các công trình và nguồn nước đầu nguồn để các công trình được hoạt động ổn định lâu dài.