Như nhiều vùng nông thôn khác, xã Đăk Cấm (TP. Kon Tum) hàng năm đến thời điểm mùa khô người dân gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Nhưng năm nay mọi chuyện đã thay đổi, nhiều hộ dân trong xã rất phấn khởi khi trạm cấp nước sinh hoạt xã Đăk Cấm chính thức đi vào hoạt động và cung cấp nguồn nước sạch cho cả vùng.
Công trình cấp nước sinh hoạt xã Đăk Cấm, TP. Kon Tum hoạt động từ cuối năm 2020 với công suất thiết kế 400 m3/ngày đêm, quy mô cấp nước 870 hộ, tương đương 3.930 nhân khẩu.
Vui mừng khi được sử dụng nguồn nước sạch, ông Trần Phú Trương (thôn 4, xã Đăk Cấm, TP. Kon Tum) cho biết, trước đây sinh hoạt của gia đình là nguồn nước giếng khoan. Tuy nhiên, vào mùa hè nước giếng cạn kiệt, không đủ nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Hiện có thêm nguồn nước sạch, gia đình tôi không lo thiếu hụt nguồn nước như trước nữa”, ông Trương cho biết.
Cũng được hưởng niềm vui khi được sử dụng nguồn nước sạch, hàng ngàn hộ dân tại xã xã Ia Chim và xã Hòa Bình (TP. Kon Tum) những ngày qua không phải lo cảnh thiếu nước cũng như sử dụng nước chưa đảm bảo an toàn vệ sinh.
Theo tìm hiểu được biết, các công trình cấp nước tập trung nông thôn do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Kon Tum đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng cuối năm 2020. Đây là các dự án được thực hiện theo chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn. Trong đó, công trình cấp nước sinh hoạt xã Ia Chim với công suất thiết kế 415 m3/ngày đêm, quy mô cấp nước 1.050 hộ, tương đương 4.725 nhân khẩu. Còn công trình cấp nước sinh hoạt xã xã Hòa Bình với công suất thiết kế 350 m3/ngày đêm, quy mô cấp nước 700 hộ, tương đương 3.150 nhân khẩu.
Hiện nay, 3 công trình cấp nước sinh hoạt xã Đăk Cấm, xã Hòa Bình và xã Ia đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng từ cuối năm 2020. Các công trình đang cấp nước sạch sinh hoạt ổn định cho hàng ngàn người dân nông thôn tại các xã, với chất lượng nước cấp đảm bảo theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Ngoài ra, công trình cấp nước xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô với công suất thiết kế 500 m3/ngày đêm, quy mô cấp nước 1.000 hộ, tương đương 4.500 nhân khẩu. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 12/2021.
Ông Đặng Trần Huân, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Kon Tum cho biết, việc xây dựng các dự án nước sạch nằm trong danh mục quy hoạch đầu tư của tỉnh Kon Tum và đặc biệt là dựa trên nhu cầu sinh hoạt cần thiết của người dân. Trước đây, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được thực hiện dựa trên nguồn vốn của nhà nước. Còn hiện tại, các dự án nước sạch được xây dựng bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) nên yêu cầu cũng khắt khe hơn.
Trước đó, 2 dự án tại xã Đăk La và cụm xã Diên Bình (huyện Đăk Tô), xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà) sau nhiều năm đi vào hoạt động, sức khỏe người dân đã được cải thiện hơn rất nhiều. Cụ thể, người dân không còn mặc chứng bệnh tiêu chảy, đau mắt như trước đây.
Mặc dù nước sạch đã được phủ sóng rộng khắp các vùng nông thôn, nhưng ông Huân thừa nhận, hiện văn hóa dùng nước sạch của người dân vẫn còn khiêm tốn. Nếu so với công suất thiết kế của các trạm nước và nhu cầu sử dụng của người dân vẫn chưa tương xứng.
Theo ông Huân, nguyên nhân là do người dân vẫn có thói quen dùng nước giếng trong sinh hoạt gia đình. “Cuộc sống người dân nơi đây vẫn còn nghèo nên họ chưa chấp nhận việc hàng tháng phải bỏ ra số tiền để trả cho việc dùng nước sạch”, ông Huân chia sẻ và cho biết, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động để người dân sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
"Mục đích của việc xây dựng dự án nước sạch vùng nông thôn chủ yếu phục vụ cho vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Hiện tại giá nước được áp dụng tại của công trình là 6.200 đồng/m3, trong đó tỉnh Kon Tum cũng có hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương hàng năm. Việc các dự án được xây dựng nhằm giúp người dân nâng cao văn hóa dùng nước sạch, đảm bảo sức khỏe hơn", ông Đặng Trần Huân, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Kon Tum.