Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu: Hiệu quả phát triển cho 2 địa phương
Với chiều dài gần 85km, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu có tổng mức đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng, được Thủ tướng Chính phủ nhất trí bổ sung vào quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (theo Công văn số 1313 ngày 1/9/2017).
Thời gian qua, lãnh đạo hai tỉnh Hoà Bình và Sơn La đã tích cực trao đổi, đề ra các giải pháp nhằm xây dựng nguồn lực phù hợp, đảm bảo dự án sớm được triển khai, mang lại hiệu quả kinh tế cho cả hai tỉnh.
Khi khởi công, tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu sẽ trở thành tuyến đường kết nối Hòa Bình, Sơn La với thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, sau khi hoàn tất, đây sẽ là trục giao thông nối vùng Tây Bắc với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, kết nối đến cửa khẩu biên giới Đông Bắc và cảng biển quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), giúp giảm tải đáng kể cho tuyến Quốc lộ 6 đoạn Hòa Bình - Sơn La.
Kéo theo đó là quá trình mở rộng phát triển du lịch, thương mại từ các khu vực dọc theo tuyến đường, điển hình là huyện Cao Phong (Hoà Bình). Với tiềm năng về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và du lịch, Cao Phong sẽ được tiếp thêm động lực để thúc đẩy các hoạt động về kinh tế, giao thương, du lịch, thương mại.
“Các tuyến cao tốc đã tác động rõ nét đến phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, nhất là các địa phương ven tuyến”, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định.
Điều này đã được minh chứng qua các thống kê, điển hình như tỉnh Lào Cai – cửa ngõ vùng Tây Bắc, sau khi tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi vào hoạt động, chỉ số giao thương tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai tăng trưởng mạnh, tổng doanh thu vận tải và dịch vụ vận tải do tỉnh Lào Cai quản lý đạt gần 2.000 tỷ đồng/năm (tăng 60%) so với trước khi có tuyến cao tốc. Bên cạnh đó, ngành du lịch Lào Cai cũng tăng trưởng đột phá, chỉ tính riêng du lịch Sa Pa đã tăng trưởng hơn 40%.
Bất động sản Cao Phong sẽ sớm bật tăng
Huyện Cao Phong nói chung và thị trấn Cao Phong – trung tâm hành chính – kinh tế mới của huyện được các chuyên gia dự báo sẽ là địa bàn được hưởng lợi nhiều từ tuyến cao tốc Hòa Bình – Sơn La. Sau hoàn thành, hoạt động giao thương từ Cao Phong đến các tỉnh và cửa khẩu sẽ trở nên dễ dàng, trái cam – nông sản đặc trưng của Cao Phong sẽ mở rộng thị trường, tăng sản lượng tiêu thụ khi việc vận chuyển nông sản thuận lợi hơn.
Du lịch Cao Phong cũng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh nhờ các tiềm năng về du lịch di sản, văn hoá và du lịch sinh thái như trải nghiệm tour du lịch vườn cam, từ đó đóng góp đáng kể vào chỉ số GDP của tỉnh.
Đồng thời, thị trường bất động sản nơi đây cũng trở thành điểm sáng về đầu tư cho các doanh nghiệp địa ốc và nhà đầu tư thứ cấp. Điều này được tham chiếu trong thực tế tại những địa phương khi có tuyến cao tốc đi qua, giá bất động sản tại Cao Phong, nhất là khu vực thị trấn được dự đoán sẽ tăng tỉ lệ thuận với tiến độ thi công tuyến cao tốc hơn 21.000 tỷ đồng nói trên.
Một yếu tố khác chi phối mặt bằng giá bất động sản tại Cao Phong là chủ trương đưa thị trấn Cao Phong thành trung tâm hành chính - kinh tế của huyện nhằm tạo nhân tố cho phát triển thương mại và du lịch chung của tỉnh. Điều này đồng nghĩa Cao Phong sẽ sớm được đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng cũng như chính sách thu hút nhà đầu tư từ bên ngoài.
Cao Phong hiện đang đứng trước nhiều cơ hội tăng trưởng và khởi sắc về kinh tế, đây chính là tiền đề để bất động sản Cao Phong sớm sôi động, trở thành điểm “nóng” đầu tư cho doanh nghiệp địa ốc và nhà đầu tư thứ cấp.