| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 21/07/2021 , 07:13 (GMT+7)
Xích Lô

Xích Lô

07:13 - 21/07/2021

Câu chuyện 'Cánh đồng lớn'

Thẳng thắn nhìn lại, 'Cánh đồng lớn' dường như không thực sự 'lớn' như mong đợi, mà đây đó đang bị 'thu nhỏ dần', thậm chí rơi vào quên lãng.

Chủ trương xây dựng “Cánh đồng lớn” từng được xem là một trong những giải pháp tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo và một số ngành hàng nông sản khác. Cả doanh nghiệp, người nông dân và chính quyền đều háo hức với viễn cảnh những cánh đồng lớn. Đơn giản vì ai ai cũng nhận ra rằng, nếu không ở quy mô lớn thì vẫn còn nhỏ lẻ, không ở quy mô lớn thì vẫn còn manh mún, nếu không ở quy mô lớn thì vẫn còn tự phát.

“Nhỏ lẻ, manh mún, tự phát” được xem như “lời nguyền” mà nền nông nghiệp cần hóa giải, khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường hàng hóa lớn. “Nhỏ lẻ” làm cho chi phí sản xuất cao. “Manh mún” gây khó khăn cho cơ giới hóa. “Tự phát” khiến chất lượng nông sản không đồng đều. Nền nông nghiệp cần thoát khỏi những “cái bẫy” đó.

Nhưng thẳng thắn nhìn lại, “Cánh đồng lớn” dường như không thực sự “lớn” như mong đợi, mà đây đó đang bị “thu nhỏ dần”, thậm chí rơi vào quên lãng. Doanh nghiệp thì xoay xở bài toán khát vốn liên kết thu mua. Người nông dân thì loay hoay tìm kiếm đầu ra ổn định. Rồi cứ mỗi mùa vụ lại tái diễn tình trạng “lật kèo” - hợp đồng liên kết bị phá vỡ khi thì do bên bán, lúc thì tại bên mua.

Niềm tin vừa chớm gầy dựng được mùa trước, lại mất đi chóng vánh ở mùa vụ tiếp theo. Chính quyền đôi khi ở vào tình thế khó xử, bất lực. Và, lại có ý kiến cho rằng, các hợp đồng liên kết, tiêu thụ không đủ yếu tố pháp lý ràng buộc, mà cần chặt chẽ, đủ “sức nặng” để chế tài bên này, bên kia.

Thật phấn khởi khi đây đó vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương “Cánh đồng lớn” với nhiều hình thức sáng tạo, đi kèm những chính sách hỗ trợ cụ thể. Tất cả đều hướng đến việc gắn kết nhiều thửa ruộng nhỏ trở thành những cánh đồng lớn để đạt mục tiêu sản xuất hàng hóa.

Tuy nhiên, cần đến những cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với đặc điểm vùng miền đa dạng, và nhất quán quan điểm “chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”. Với cách tiếp cận như vậy, “Cánh đồng lớn” không chỉ là mảnh ghép cơ học từ những thửa ruộng nhỏ, không chỉ là giới hạn của những bờ thửa nhỏ dần được mở rộng ra.

Nếu chỉ là những mảnh ghép cơ học để cộng thêm chu vi, diện tích, thì vẫn cứ là tư duy sản xuất gắn liền với mục tiêu gia tăng sản lượng. Dù sản lượng ngày càng nhiều hơn từ những “Cánh đồng lớn” nhờ vào thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, nhờ vào nâng cao năng suất giống, nhờ vào cải tiến quy trình canh tác, cải thiện năng suất lao động, thì giá trị gia tăng của ngành hàng lúa gạo vẫn chưa thể chuyển đến tầng nấc cao hơn trong chuỗi giá trị.

Giá trị gia tăng của chuỗi ngành hàng nông sản chủ yếu ở khâu sau thu hoạch, bao gồm: bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói bao bì, xây dựng thương hiệu, tiếp thị, bán hàng, thương mại hóa qua đa dạng kênh phân phối. Để tích hợp mục tiêu kinh tế nông nghiệp trên những cánh đồng lớn, chuỗi giá trị phải được hình thành song song với tiến trình mở rộng cánh đồng lớn.

Trong đó, vai trò của kinh tế tập thể, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp, là một mắc xích quan trọng để liên kết với doanh nghiệp. Hợp tác xã đủ mạnh sẽ tham gia tích cực vào chuỗi giá trị ngành hàng cùng với doanh nghiệp.

Nhìn lại một số “Cánh đồng lớn”, sự liên kết với doanh nghiệp chưa được tổ chức một cách rõ ràng, việc hợp tác giữa những người sản xuất với nhau còn lỏng lẻo. Trước khi tính đến liên kết với doanh nghiệp, thì phải định hình được hình thức hợp tác giữa những người sản xuất với nhau. Hợp tác lỏng lẻo, thì liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp sẽ dễ đứt đoạn.

Đường anh anh đi, đường tôi tôi đi. Tất cả lại trở về tư duy mùa vụ, thương vụ. Được mùa nào hay mùa nấy, được vụ nào hay vụ nấy. Doanh nghiệp rất khó liên kết cùng lúc với hàng trăm nông hộ trong một “Cánh đồng lớn”, mà cần liên kết với những người đại diện thực thụ, có pháp nhân hẳn hoi. Đó là những hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới được dẫn dắt bởi những người chịu khó học hỏi, chịu khó tìm tòi, có đủ kiến thức thị trường, có kỹ năng quan hệ với doanh nghiệp.

Một khi “Cánh đồng lớn” chỉ hình thành nhằm một mục tiêu duy nhất là liên kết với doanh nghiệp, thì vẫn thiếu tính bền vững, vì ngay cả doanh nghiệp cũng có thể đối mặt với rủi ro thị trường, với diễn biến bất định, khó lường. Khi phác thảo được kế hoạch xây dựng chuỗi ngành hàng lúa gạo, cơ chế, chính sách về đầu tư hạ tầng, về tín dụng của nhà nước sẽ rõ ràng và cụ thể hơn, đáp ứng nhu cầu của các bên tham gia.

Tuy nhiên, quy mô “Cánh đồng lớn” vẫn luôn phụ thuộc vào quy mô và yêu cầu của thị trường. Nguyên lý kinh tế học nêu ra ba câu hỏi: “Sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai”. Trả lời thỏa đáng ba câu hỏi này mới định hình được quy mô thị trường, từ đó quyết định quy mô của “Cánh đồng lớn”.

Về bản chất, “Cánh đồng lớn”, trước hết, là một hình thức tổ chức lại sản xuất, rồi mới tính đến việc liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ và hướng đến phát triển thành các chuỗi ngành hàng. Từng bước đi đó cũng là quá trình tạo dựng niềm tin giữa các chủ thể, đầu tiên là nông dân và doanh nghiệp.

Niềm tin đó chỉ hiện hữu khi các bên tham gia cùng bắt tay xây dựng kế hoạch hợp tác dài hạn, chứ không dừng lại ở thỏa thuận mua bán trong từng mùa vụ, thương vụ.

“Cánh đồng lớn” là tiền đề giúp hình thành các chuỗi ngành hàng lúa gạo. Để tham gia tích cực và trách nhiệm vào chuỗi ngành hàng, người nông dân cần hình dung đầy đủ về các giá trị thiết thực, cụ thể. Ngoài việc thụ hưởng lợi nhuận từ khâu sản xuất, người nông dân còn có thể tham gia vào một hoặc một số công đoạn trong chuỗi ngành hàng.

“Cánh đồng lớn” khi vận hành hiệu quả theo chuỗi ngành hàng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho những nông dân góp đất, cho thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Khi ấy, càng có nhiều người dân nông thôn “ly nông bất ly hương”. Đó mới chính là yếu tố tiên quyết, cốt lõi cho sự hình thành, gắn kết và mở rộng các “Cánh đồng lớn”.

    Tags:

Bình luận mới nhất