| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 02/03/2022 , 09:36 (GMT+7)
Xích Lô

Xích Lô

09:36 - 02/03/2022

Câu chuyện hiệp hội

Thiết chế hiệp hội, đặc biệt là hiệp hội ngành hàng, ra đời theo triết lý 'Muốn đi nhanh, thì đi một mình; muốn đi xa, thì đi cùng nhau'.

Đó là một câu danh ngôn thường hay được trích dẫn. Đó cũng là thông điệp được nhiều lãnh đạo gửi gắm trong nhiều hội nghị, hội thảo, các cuộc gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đất nước mình. Một câu đơn giản, ngắn gọn thôi nhưng bao hàm cả một triết lý sống, sản xuất, kinh doanh, đầu tư của cả thế giới.

Người ta nói, thời đại ngày nay là thời đại của thiết chế hội, đoàn, liên minh. Những thiết chế như vậy được thành lập từ cấp độ địa phương, quốc gia, khu vực và đến cả cấp độ toàn cầu. Mà đâu phải đến thời đại ngày nay, hội đoàn, liên minh đã ra đời trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, phát huy vai trò quan trọng, nhất là khi diễn ra các xung đột, tranh chấp thương mại.

Các thiết chế đó được xem là nguồn lực vô hình, nhưng có sức mạnh vô hạn. Sức mạnh vô hạn đến từ tinh thần liên kết, hợp tác giữa những người cùng ngành nghề hoặc những ngành nghề có tính chất hỗ trợ lẫn nhau.

Tinh thần hợp tác là một triết lý sống được giáo dục từ trong nhà trường. Như câu ca dao “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” thân thuộc với mỗi người dân Việt Nam từ những lớp vỡ lòng.

Trong một quyển sách nước ngoài, người ta đúc kết rằng, không ai giàu có và thành công, nếu chọn cách sống lầm lũi một mình. Ngược lại, nhờ vào “vòng tròn các mối quan hệ xã hội” mới đảm bảo mức độ bền vững cho sự giàu có, thành công. Và, mức độ giàu có, thành công thường tỷ lệ thuận với độ rộng, độ mở của vòng tròn. Thiết chế hiệp hội chính là một “vòng tròn các mối quan hệ xã hội”.

Cũng như bất kỳ lĩnh vực nào khác, nông nghiệp nước nhà trong nhiều thập kỷ qua và trong tương lai có phát triển hay không, nhanh hay chậm, cao hay thấp, không thể tách rời với hoạt động của các thiết chế hiệp hội ngành hàng và những liên minh hợp tác khác.

Trong một thế giới rộng lớn, cùng những thay đổi nhanh chóng của các hoạt động kinh tế - xã hội, cơ quan công quyền thường bị giới hạn về thông tin thị trường, tri thức, công nghệ, năng lực thích ứng,... Những hạn chế, thiếu hụt sẽ được điều chỉnh, bổ sung, nhờ tương tác thường xuyên với các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Một tư duy mở sẽ giúp kéo dài tầm nhìn bao quát của bộ máy quản lý.

Ở chiều ngược lại, những quyết sách dài hạn của bộ máy quản lý, nhờ vào các mối quan hệ tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, sẽ là điều kiện đủ để định hình chiến lược phát triển ngành hàng kinh tế. Từ chiến lược một ngành hàng kinh tế sẽ dẫn dắt, định hướng chiến lược cho cộng đồng doanh nghiệp.

Như vậy, mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường chính là thông qua mối quan hệ giữa bộ máy quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Mối quan hệ này bền vững hay không, phụ thuộc vào sự thấu hiểu giá trị và sứ mạng của nhau, dựa trên niềm tin cậy lẫn nhau.

Cả hai đều cần hiểu rằng, nếu chỉ tồn tại một phía chắc chắn sẽ là không đủ tạo ra sức mạnh. Đó được xem là mối quan hệ hữu cơ không thể tách rời nhau nếu muốn tồn tại và phát triển. Niềm tin chỉ bền chặt khi đồng thuận tư duy “hợp tác” chứ không “phán xét”, đồng hành “cùng kiến tạo không gian phát triển” chức không phải “quản lý và chấp hành”.

Trong bất kỳ một tổ chức nào, mối quan hệ giữa các thành viên chỉ khắng khít với nhau, khi tất cả cùng nhìn về một hướng, cùng tạo ra giá trị và chia sẻ giá trị. Triết lý hình thành và hoạt động của các thiết chế hội đoàn, hiệp hội, liên minh đều là như vậy.

Ngược lại, một khi không tạo ra giá trị, không chia sẻ giá trị, không cân bằng giá trị, các thiết chế hợp tác sẽ bị rạn nứt, “vòng tròn các mối quan hệ” bị thu hẹp dần. Hệ quả tiếp theo là sẽ dần hình thành những nhóm lợi ích nhỏ trong liên minh lợi ích lớn. Và khi ấy, mỗi thành viên sẽ quan tâm, bảo vệ lợi ích riêng của mình, thay vì chăm lo cho lợi ích chung của một cộng đồng, một ngành hàng, một nền kinh tế của đất nước.

Cuối cùng, thay vì hợp tác để tạo sức mạnh dựa trên quy mô lớn, thì chấp nhận trở về ngồi trong con thuyền nhỏ đối mặt với những cơn sóng lớn của thị trường. Thị trường gắn với cạnh tranh, nếu không có cạnh tranh, thì không còn là thị trường đúng nghĩa. Nhưng ngày nay, triết lý cạnh tranh không còn là cạnh tranh có người thắng kẻ bại, mà là “win-win”, cả hai cùng thắng, tất cả cùng thắng. Cạnh tranh để phát triển, chứ không phải triệt tiêu lẫn nhau.

Muốn đánh giá tiềm lực một quốc gia, không chỉ nhìn vào các chỉ số tăng trưởng kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, trình độ khoa học công nghệ, mà có thể cảm nhận sức sống, sự năng động của quốc gia đó thông qua những “tác nhân kinh tế”. Đó là cộng đồng doanh nghiệp, là hiệp hội ngành hàng, là các thiết chế hợp tác. Sức mạnh của các thiết chế đó không chỉ thể hiện ở quy mô kinh doanh của từng thành viên, mà còn biểu hiện ở cấu trúc, tính gắn kết bền chặt, tinh thần hợp tác mạnh mẽ của các thành viên.

Nói rộng ra, không gian kinh tế nói chung và kinh tế từng ngành hàng nói riêng, không phải được tạo nên từ phép tính cộng, từ mảnh ghép của từng “tác nhân kinh tế”, mà bao hàm cả hệ sinh thái ngành hàng, bao gồm: bộ máy quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học,…

Trong không gian phát triển đó, những giá trị vượt bậc từ nghiên cứu phát triển dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số,… được khởi tạo, song song với tháo gỡ thể chế, khuyến nghị chính sách để khơi thông nguồn lực. Những tài nguyên vô hình, vô hạn đó cần được kích hoạt, thay vì chỉ tập trung vào tài nguyên hữu hình, hữu hạn.

Một doanh nhân đúc kết: “Điều căn bản ở đây chính là thông qua công việc, chúng ta tạo ra sự phát triển cho cộng đồng và trên con đường hoàn thành sứ mạng căn bản đó, chúng ta nhận được lợi ích… Và xét theo ý nghĩa đó, thì về bản chất kinh doanh không phải là việc tư mà là việc công…”. “Khi ta THAY ĐỔI, thế giới sẽ ĐỔI THAY”, đó là đề tựa của một quyển sách hay, có thể mỗi người ngẫm ra nhiều điều cho mình, cho cả chúng ta.

Mỗi doanh nghiệp đều có khát vọng nỗ lực vươn lên giàu có, đứng đầu ở tốp này tốp kia. Tuy nhiên, bên cạnh khát vọng đó, giờ là lúc các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp còn cần có khát vọng mạnh mẽ hơn nữa để góp phần tạo dựng một đất nước thịnh vượng. Muốn vậy, trước hết cùng nhau trăn trở để cùng kiến tạo không gian phát triển ngành hàng.

Bình luận mới nhất