Phần lớn bà con người Tày ở xã Cốc Đán (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) đều trồng cả hai loại lúa nếp Khẩu Nua Lếch và lúa tẻ. Lúa tẻ để nhà ăn hay làm thức ăn chăn nuôi, dùng quanh năm suốt tháng, còn lúa nếp chủ yếu để bán lấy tiền. Bà con có thói quen chỉ trồng lúa một vụ lúa còn một vụ trồng thuốc lá. Và đã từ lâu phân họ đã dùng phân NPK Lâm Thao 2 lần lót và thúc cho cây lúa và cho cả cây thuốc lá.
Chính nhờ thói quen luân canh giữa lúa và thuốc lá này giúp cho cắt đứt được sâu, bệnh của mỗi loại cây, rất ít khi phải dùng đến các loại thuốc BVTV hóa học độc hại. Môi trường sạch nên nhiều hộ nếu không trồng thuốc lá vụ còn lại thì tranh thủ thả cá vào tháng hai, khi chúng chỉ nhỏ cỡ 2 ngón tay, đến tháng bảy mới thu, hoàn toàn không cho ăn thêm bất kỳ thứ gì ngoài sâu bọ trên đồng ruộng sẵn có cùng những hạt thóc rơi, thóc rụng.
Lúc đó cá chép ruộng to cỡ lắm cũng bằng bàn tay nhưng thơm, ngon, đậm đà hơn hẳn cá chép sông, chép suối, ăn một lần là vị mãi vấn vương trong tâm trí. Đám ruộng mỗi nhà mỗi vụ thu được 70-80 kg cá chép như thế. Ngoài nguồn thu từ cá chép, sau khi gặt chị còn thu được vài chục kg ốc ruộng nữa.
Xế trưa rồi mà hai chị em bà Nông Thị Tâm và Nông Thị Lén đều đã hơn 60 tuổi ở bản Pàu xã Cốc Đán vẫn miệt mài với những cái cào đi lại trên thửa ruộng khô trải bạt để phơi đống lúa nếp Khẩu Nua Lếch. Dưới ánh nắng gắt, mặt họ đỏ bừng như người say rượu. Bà Lén kể mình có 10.000m2 đất lúa, còn bà Tâm-người cán bộ về hưu nhưng vẫn đam mê nông nghiệp nên vẫn cấy 4.000m2 ở cánh đồng Nà Trang.
Cũng như nhiều người dân Cốc Đán, họ canh tác chủ yếu một vụ lúa, một vụ thuốc lá và đều tin tưởng sử dụng các sản phẩm phân bón của Lâm Thao. “Cứ mỗi 1.000m2 ruộng lúa tôi dùng khoảng 25 kg phân Lâm Thao để bón lót, còn khi bón thúc dùng 25 kg lân và 25 kg NPK Lâm Thao. Lúa năm nay được mùa, được giá nên chúng tôi rất phấn khởi”.
Trên này tuy có chăn nuôi nhưng bà con vẫn chưa biết cách dùng phân chuồng để bón cho lúa. Tôi để ý mặt đất cũng có nhiều bèo hoa dâu, chúng tự mọc, uống nước khe, nước suối đầu nguồn từ trong rừng chảy ra, đến mùa mọc lan khắp ruộng. Bèo nhiều đến mức nông dân ở đây phải vớt đi, chất lên bờ để chết khô hoặc tháo cho chảy xuống suối vì sợ chúng ăn…hết phân của lúa mà không biết là chúng tạo ra dinh dưỡng. Bởi vậy mà cách bón phân cũng chưa thật cân đối lắm giữa hóa học và hữu cơ.
Với 10.000m2 ruộng bà Lén trồng 9.000m2 nếp đặc sản Khẩu Nua Lếch để làm hàng hóa, còn 1.000m2 tẻ để ăn quanh năm. Vụ này được mùa, bà thu tới hơn 4 tấn nếp. Không như người ta bán gạo bình thường chỉ được 26.000đ/kg, hai năm nay bà gửi tất cho cô con dâu ở TP Bắc Kạn, đóng bao bì, nhãn hiệu Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, bán được 30-35.000đ/kg. Khách hàng là các cơ quan lấy quen, người này truyền người kia, vụ sau lại lấy. Nhờ thế mà bà thu lãi cũng nhiều hơn hẳn, được tới mấy chục triệu đồng.
Theo chị Đồng Thị Thùy-Chủ tịch UBND xã Cốc Đán cho biết địa phương mình có 21 thôn bản, 633 hộ, 2.741 khẩu với 5 dân tộc Tày, Dao, Kinh, Mông, Nùng. Xã thuộc khu vực đặc biệt khó khăn với 64% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ 17,2 triệu/năm, có 7 thôn chưa có điện lưới, nhà dân sống rải rác cách nhau cả quả đồi, đường nhiều nơi vẫn chỉ là đất như vào đến Khuổi Slương phải trải qua 5km đường lầy lội vào mùa mưa, lầm bụi vào mùa khô. Xã có diện tích đất tự nhiên 6.596 ha trong đó 5.692 ha đất lâm nghiệp, gồm rừng sản xuất 3.595 ha và rừng phòng hộ 2.097 ha. Từ ngày chính phủ cấm cửa rừng cũng khó có thể làm kinh tế.
Những thôn vùng cao, đất, nước sản xuất thiếu, để đầu tư cần nguồn lực lớn về đường giao thông, về thủy lợi mà diện tích hưởng lợi thì nhỏ, hộ hưởng lợi thì ít. Đặc sản duy nhất là giống lúa nếp Khẩu Nua Lếch nhưng giá bán chỉ 30.000đ/kg. Lợi thế chỉ có chăn nuôi, trồng rừng. Bất lợi của Cốc Đán là địa hình biệt lập với xung quanh nhưng cũng là lợi thế vì rất hợp cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, du lịch. Vài thôn có thể làm du lịch được như Nà Cháo, Khuổi Diễn, Tát Lịa, Hợp Tiến với nhiều ruộng bậc thang, đẹp mê hồn và vẫn giữ được bản sắc dân tộc là thêu thùa.
Thiết nghĩ, nếu biết phát huy được nông nghiệp theo hướng đa giá trị, không chỉ là sản xuất thuần túy theo số lượng mà đi sâu vào chất lượng, cùng làm một quy trình an toàn, tạo dựng thương hiệu để nâng tầm nông sản và phát triển du lịch cộng đồng thì chắc chắn xã vùng cao Cốc Đán sẽ không còn là một địa danh lạ lẫm với nhiều người mà sẽ nằm trong lịch trình những chuyến đi của các công ty lữ hành. Qua đó, bà con nông dân ở đây sẽ không phải đi xa xuống tận thành phố để mà thoát nghèo nữa mà có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê mình.