Anh Nguyễn Trung Kiên-Trưởng xóm Yên Sở, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang kể 93 hộ trong xóm gốc từ tỉnh Hà Tây cũ di cư kinh tế mới từ năm 1960. Bởi vậy, trình độ dân trí khá cao, sau này họ mang những giống cây ăn quả như bưởi Diễn, cam đường Canh, cam Vinh, cam V2 từ quê lên để trồng thay cây mía, trung bình mỗi hộ có 1 ha, một số có đến 2-3 ha. Nhờ đó mà kinh tế của xóm thuộc vào loại khá nhất xã, nhà gác, nhà tầng mọc lên rất nhiều.
“Trước đây khi còn trồng lúa, trồng mía dân chúng tôi chỉ quen dùng phân bón Lâm Thao, giai đoạn đầu trồng cây ăn quả cũng thế nhưng 2 năm gần đây thì lại dùng sang loại phân khác. Các công ty phân bón lớn ít chào hàng lắm nhưng các công ty phân bón nhỏ hay chào hàng, họ còn mượn nhà văn hóa thôn để mở hội thảo, giới thiệu sản phẩm, khuyến mãi mua 5-7 tạ được tặng 1 bao, cấp đến tận nhà, khuyến mãi chậu bón phân, quần áo bảo hộ, có đợt còn mời cả cơm bà con. Đại lý lớn ở đây còn mở cả giải thưởng bằng hiện vật là xe máy để nông dân bốc thăm, trúng nữa.
Mới đầu bà con chú ý đến giá, đến khuyến mãi khi mua phân nhưng sau vài vụ bón đã rút ra kinh nghiệm, rẻ hóa đắt lại quay về dùng hàng của những công ty lớn như Lâm Thao, Đầu Trâu, Văn Điển nhưng hiện nay Đầu Trâu đang chiếm thị phần nhiều hơn hẳn. Trong bón cây ăn quả bà con thường kết hợp phân lót của Lâm Thao với phân thúc của Đầu Trâu, còn bón cho ngô, lúa, sắn thường kết hợp Lâm Thao với Văn Điển”.
Khác với bố mẹ còn gắn bó với nghề nông, lớp trẻ giờ không còn mấy hứng thú nữa bởi nghề nông vất vả, thu nhập cả vụ có khi chỉ bằng lương công nhân 1 tháng nên bỏ đi làm công nhân hay cán bộ, thoát ly hết lượt. Bởi thế cặp vợ chồng Nam-Hương là người trẻ nhất trong xóm còn làm nông, dù đã trên 30 tuổi. Kinh nghiệm của anh chị trong việc chăm sóc cho vườn cam như sau, cuối năm sau khi thu hoạch sẽ bón lót để cây dưỡng sức, đến tháng hai năm sau thì bón thúc để cây ra hoa, đậu quả. Tháng sáu, tháng bảy mỗi tháng bón thúc 1 lần, tháng tám, tháng chín ngừng bón NPK chỉ bón kali cho quả ngọt. Ngoài phân hóa học, anh chị kết hợp cả bón phân gà, phân lợn. Trước khi cây còn nhỏ thì đào rãnh bón, nhưng khi cây to thì rải luôn phân lên trên đất vì tốn công đào và sợ đào sẽ chạm phải rễ cây.
Theo tìm hiểu của tôi thì sở dĩ phân bón Lâm Thao bị mất thị phần ở tỉnh Tuyên Quang là bởi 2-3 năm trước, có một thời gian bị mắc lỗi cứng, vón cục, nhạt màu. Khi nhà phân phối lấy về phải dùng chày để đập nhỏ ra nên ngại nhập. Khi nông dân mua về dùng thấy hiện tượng bất thường nên cũng ngại bón. Chị Đỗ Thị Thu là một trong những nông dân hiếm hoi của xóm Yên Sở còn dùng phân Lâm Thao để bón cho 200 gốc cam Vinh, 50 gốc bưởi Diễn, 400 gốc na. Chị kể: “Trải qua nhiều loại phân tôi thấy NPK 12.5.10 của Lâm Thao vẫn chất lượng. Hiệu quả của nó từ từ chứ không bốc nhanh như phân của các hãng khác nhưng nhờ đó mà cây phát triển rất bền vững. Mỗi năm tôi dùng 2-3 tấn phân, vừa rồi giá cả tăng cao, Lâm Thao cũng tăng nhưng không bằng các hãng khác nên vẫn chấp nhận được”.
Anh Nguyễn Đình Quang-nhân viên kinh doanh của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao phụ trách thị trường 3 tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên cho biết phân bón hàm lượng cao đã có từ hàng chục năm nay, một số công ty đã chiếm lĩnh thị trường rồi thì Lâm Thao mới sản xuất nên vừa rồi đơn vị mới tung ra chương trình khuyến mãi vàng để nông dân biết đến: “Tôi tin 1-2 năm tới, NPK hàm lượng cao của Lâm Thao sẽ chiếm lĩnh thị trường bởi thứ nhất là hầu hết các cửa hàng đều đang lấy phân Lâm Thao làm chất dẫn để bán các sản phẩm phân khác, có Lâm Thao mới bán được các sản phẩm khác; Thứ nữa là người nông dân đã quen dùng hàng NPK hàm lượng thấp trước đây của Lâm Thao rồi, giờ NPK hàm lượng cao của Lâm Thao sẽ dễ dàng được chấp nhận.
Trong mấy năm gần đây, sau khi khắc phục hiện tượng vón cục, bay màu, hàng đi đến đâu nông dân đều thích vì sự ổn định, không phải trả lại nữa. Lúc nào rỗi chú đi với tôi đến các cửa hàng, ngồi nghe dân hỏi, bao giờ câu đầu tiên cũng là hỏi phân Lâm Thao trước. Lòng tin vào phân bón Lâm Thao đã ăn vào tiềm thức của nông dân rồi, giờ đây lòng tin ấy đang dần được phục hồi”.