| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 15/03/2021 , 15:08 (GMT+7)
Xích Lô

Xích Lô

15:08 - 15/03/2021

Câu chuyện phát triển

Đảm nhận vị trí lãnh đạo một ngành, một lĩnh vực, một địa phương nào đó, thì đều có nhiệm vụ hoạch định chiến lược phát triển cho ngành, lĩnh vực, địa phương của mình.

Muốn hoạch định chiến lược, thì trước hết phải kiểm đếm coi trong tay mình đang có những nguồn lực gì để nhân lên, làm cho tốt hơn, điều gì chưa có, còn thiếu thì phải tìm đến các giải pháp phù hợp, khả thi.

Tất cả đều mong muốn mang lại giá trị cao hơn, để vượt lên phía trước, để vươn lên cao hơn, để sánh vai cùng những ngành, lĩnh vực, địa phương khác. Đó là trách nhiệm, là khát vọng của mỗi người lãnh đạo.

Điều đó cũng đúng nhưng hình như chưa đủ thì phải. Không ai có thể đứng một mình trong vòng quay của sự phát triển. Không gian phát triển càng hạn hẹp, thì cơ hội càng hạn hẹp. Không gian phát triển rộng mở, thì cơ hội cũng rộng mở theo. Không gian phát triển, không nên hiểu một cách giản đơn chỉ là giới hạn trong một ngành, lĩnh vực, một đơn vị hành chính.

Quan điểm “đóng cửa”“chủ nghĩa bảo hộ” dù có cực đoan đến đâu, thì xu thế hợp tác vẫn là chủ đạo. Không ai, dù giàu có đến đâu, tiềm năng dồi dào như thế nào, tài giỏi đến mức nào, có thể một mình làm tất cả mà không cần đến sự hợp tác với người khác.

Như vậy, mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm cơ hội hợp tác là điều cần đặt ra khi hoạch định chiến lược phát triển của người lãnh đạo, đội ngũ lãnh đạo. Đó là tư duy lãnh đạo rộng mở, là tầm nhìn lãnh đạo mang tính chiến lược.

Tư duy hợp tác trong đội ngũ lãnh đạo sẽ lan toả tinh thần hợp tác đến người dân và cả xã hội. Đất đai của mình thì manh mún. Sản xuất của mình thì nhỏ lẻ. Canh tác thì tự phát.

Cái bẫy “manh mún - nhỏ lẻ - tự phát” rình rập trong từng mùa vụ như một lời nguyền. Nông sản “giải cứu”, nông nghiệp “từ thiện” cũng từ cái bẫy đó.

Thu nhập của người dân không cao cũng từ lời nguyền đó. Một hệ sinh thái có nguy cơ bị bào mòn cũng từ thực trạng đó. Thương hiệu nông sản đang loay hoay phương hướng khởi dựng và phát triển cũng từ câu chuyện thiếu tính hợp tác.

Hãy nhìn vào lĩnh vực nông nghiệp mà xem. Xã mình có truyền thống trồng dứa, thì xã bên cạnh người ta cũng bao đời trồng dứa. Huyện mình trồng xoài, thì huyện bên cạnh cũng rợp bóng xoài. Tỉnh mình trồng cam, thì tỉnh bạn cũng bạt ngàn vườn cam.

Nếu địa phương nào cũng trồng một loại cây cùng một thời vụ như nhau, cùng trúng mùa như nhau, thì lượng nông sản sẽ dễ bị dư thừa, dẫn đến “được mùa mất giá”.

Nếu mỗi địa phương tự kêu gọi nhà đầu tư đến mở nhà máy chế biến nông sản, thì không đủ số lượng lớn nông sản để cung ứng thường xuyên, chỉ hoạt động quãng thời gian ngắn trong năm, hết mùa vụ lại hết nguyên liệu đầu vào, nhà máy đóng cửa, thị trường đứt gãy.

Nói là nói vậy, bởi có một thời, tư duy “mỗi huyện là một pháo đài” đã ăn sâu vào tiềm thức. Cách nghĩ “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm” không chỉ là lối nghĩ đâu đó trong xã hội, mà còn tác động tận những người hoạch định kế sách phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương.

“Hợp tác thì sống, chia rẽ thì chết” là câu khẩu hiệu thời nào cũng đúng, ở đâu cũng đúng, lĩnh vực nào cũng đúng. Muốn vậy, để phát triển, không thể cứ khư khư, chăm bẵm vào những điều mình có, mà còn phải nhìn sang những điều hàng xóm, địa phương lân cận đang có, đang thực hiện.

Không phải nhìn ngó để cạnh tranh với nhau, mà nhìn, quan sát để tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhau, trau dồi, học hỏi lẫn nhau.

Hợp tác phải trở thành nếp nghĩ của người lãnh đạo khi hoạch định kế hoạch phát triển. Muốn phát triển, thì tư duy cần vượt ra khỏi tầm nhìn “ao làng”.

Trong nguyên lý kinh tế, có lý thuyết “lợi thế dựa vào quy mô”, quy mô càng lớn, càng có nhiều lợi thế. Quy mô càng lớn, chi phí càng nhỏ.

Quy mô càng lớn, càng có điều kiện tạo thành chuỗi giá trị ngành hàng. Sản phẩm càng nhiều, càng đa dạng, càng dễ tìm kiếm và giảm chi phí khi đưa sản phẩm đến thị trường.

Quy mô càng lớn, càng dễ tạo dựng hình ảnh, xây dựng thương hiệu, từ đó dễ thu hút nhà đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao. Không gian kinh tế liên xã, liên huyện, liên tỉnh, liên ngành, liên lĩnh vực sẽ tạo ra giá trị tích hợp.

Đó mới chính là các chiến lược phát triển tích hợp cần hướng đến, thay cho tư duy đơn ngành, cục bộ địa phương.

“Buôn có bạn, bán có phường”, “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, “một cây làm chẳng nên non/ba cây chụm lại nên hòn núi cao”..., những triết lý đề cao tinh thần, giá trị hợp tác đó đã được đúc kết từ Tây sang Đông, từ cổ chí kim.

Tinh thần hợp tác là chuyện cả thế giới đã làm, đang làm và sẽ luôn tiếp tục. Chúng ta thì sao? Bây giờ hay bao giờ?

    Tags: