| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 25/08/2021 , 17:27 (GMT+7)
Xích Lô

Xích Lô

17:27 - 25/08/2021

Câu chuyện thay đổi

Nhớ lại ngày xưa khi học môn Triết, thường nghe thầy cô nhắc đến câu nói nổi tiếng của Hiraclitus: 'Không ai tắm hai lần trên một dòng sông'.

Quan sát dòng nước luôn tuôn chảy, dòng sông hôm nay khác với dòng sông hôm qua, triết gia người Hy Lạp chiêm nghiệm về sự vận động không ngừng của vạn vật trong vũ trụ. Có người nói: “Tôi không vận động, tôi đang đứng yên đây mà!”.

Phải như vậy không, hay chúng ta vẫn đang quay cùng tốc độ quay của quả đất này? Hoà vào dòng chảy của sự vật, hiện tượng chung quanh, bản thân chúng ta cũng luôn thay đổi. Ta của ngày nay có cảm nhận, suy nghĩ, trải nghiệm rất khác với chính ta của ngày trước.

“Thay đổi” dường như là từ khoá thường xuyên được nhắc đến, từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây, từ chính khách cho đến người nông dân, từ quốc gia phát triển cho đến quốc gia đang phát triển, từ xứ sở văn minh cho đến nơi bắt đầu bắt nhịp dòng chảy của sự tiến bộ. Thậm chí có người còn quả quyết: “Nếu không thay đổi là chết, tôi phải thay đổi, chứ không thể ngồi đó mà chờ chết!”.

Nhận định về tốc độ thay đổi, có một đúc kết thật xác đáng: “Sự thay đổi diễn ra nhanh đến nỗi cái mới vừa ra đời, chưa kịp định hình, thì đã có cái mới hơn xuất hiện, sẵn sàng thay thế”. Thay đổi, thay đổi và thay đổi! Đó là điều tất yếu trong cuộc sống, dù chúng ta có muốn hay không.

Máy móc, thiết bị, công nghệ... được cập nhật, cải tiến từng ngày, nhỏ gọn, tiện dụng hơn, tích hợp nhiều chức năng hơn. Chậm thích ứng, thay đổi dễ rơi vào lạc hậu, bị tụt lại phía sau. Dịch bệnh Covid-19 làm thay đổi mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, từ thói quen sinh hoạt, phương thức làm việc, cho đến giao tiếp xã hội... Nếu vẫn cứ khư khư cách nghĩ “không biết thì không quản, không quản được thì cấm”, thì sẽ phải chấp nhận đứng ngoài tiến trình phát triển.

Hệ thống vận hành bây giờ không chỉ qua hình thức trực tiếp, mà còn cả trực tuyến, vừa rút ngắn thời gian, chủ động, linh hoạt về địa điểm, không gian làm việc, vừa giảm thiểu chi phí xã hội. Các nền tảng ứng dụng mạng xã hội, truyền thông như za-lô (zalo) hỗ trợ tương tác, kết nối nhanh chóng, thuận lợi, đưa mọi người lại gần nhau hơn.

Hội nhập cùng xu thế mới, công tác lãnh đạo, điều hành thiên về mệnh lệnh, kế hoạch “một chiều”, “trên xuống”, thiếu linh động cần được điều chỉnh phù hợp theo hướng khuyến khích trao đổi, thảo luận, khơi gợi ý tưởng, kích hoạt sáng kiến, kiến tạo đổi mới, để cùng hành động.

Suốt quá trình phát triển, nền nông nghiệp ghi nhận sự thay đổi liên tục, làm mới không ngừng. Từ hình ảnh quen thuộc “con trâu đi trước, cái cày theo sau” cho đến sự xuất hiện của máy móc, thiết bị hỗ trợ sản xuất, tự động hoá các khâu trồng trọt, chăn nuôi.

Từ gieo trồng dựa trên phán đoán bằng kinh nghiệm “trông trời, trông đất, trông mây” cho đến “trông” vào chiếc điện thoại thông minh nhỏ gọn, giúp tổng hợp, phân tích dữ liệu, để quyết định sản xuất lúc nào là hợp lý nhất, sử dụng phân thuốc lúc nào là đúng lúc nhất, hiệu quả nhất,...

Từ truyền thống lao động giản đơn “chân lấm tay bùn” cho đến khoa học chính xác, công nghệ sinh học, hữu cơ, thông minh, tuần hoàn,…

Từ một ngành từng thiên về sản xuất đơn thuần cho đến chú trọng việc kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại, rồi xác định thị trường làm chuẩn mực cho sản xuất.

Từ quan niệm nghề nông gắn với mục tiêu tối đa hoá sản lượng cho đến mục tiêu “tối ưu hoá giá trị trên một đơn vị diện tích sản xuất” nhờ vào cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từ định giá sản phẩm dựa vào giá trị hữu hình cho đến giới thiệu, quảng bá những giá trị vô hình như tài nguyên bản địa, nguồn vốn văn hoá - xã hội, truyền thống lịch sử địa phương, hình ảnh vùng đất, con người,…

Từ một ngành chỉ theo đuổi giá trị đơn ngành cho đến định hướng vươn tới nền nông nghiệp tích hợp giá trị đa ngành, liên ngành: công nghiệp chế biến, du lịch trải nghiệm cộng đồng,…

Điều quen thuộc, vùng an toàn bao giờ cũng thoải mái, dễ chịu. Nếu mọi việc vẫn ổn, vẫn trong tầm kiểm soát thì cớ sao lại phải thay đổi! Nhưng cần nhớ rằng: “Không có vấn đề chính là vấn đề lớn nhất”.

Trong thế giới chuyển động, tiến bộ không ngừng, chấp nhận đứng yên, không chịu làm gì, không chịu chuẩn bị, có nghĩa là chuẩn bị cho thất bại. Đôi khi những điều cận kề trước mắt, ngắn hạn, quẩn quanh lối mòn, đang khép dần tầm nhìn, đúc khuôn hiểu biết, thu hẹp vòng tròn giao tiếp xã hội của chúng ta.

Điều này dễ dẫn đến thiên kiến, định kiến, thậm chí hẹp hòi. Khi ấy, con người thường nhìn thấy cái cây đơn lẻ mà không bao quát cả khu rừng mênh mông. Khi ấy, con người thường nhìn mọi vật hiện tượng gắn với trạng thái cố định, bất biến, chứ không sống động, đa chiều. Khi ấy, con người khó kết nối với con người, khó lòng mở rộng vòng tròn mối quan hệ xã hội - yếu tố góp phần tạo nên cơ hội thành công của mỗi người.

Đứng trước dòng chảy thay đổi, mỗi người có nhiều lựa chọn. Hoặc là từ chối thay đổi. Hoặc là chấp nhận một cách chần chừ, miễn cưỡng. Hoặc là đón nhận, chủ động thích ứng, hoà nhập, mượn lực đẩy, xuôi nhanh về phía trước. Lựa chọn hôm nay tạo nên kết quả ngày mai. Có một điều không bao giờ thay đổi: đó chính là sự thay đổi. Thế thì tại sao chúng ta lại không sẵn sàng cho mọi sự thay đổi?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm