Trồng trọt gắn bó mật thiết với lịch sử tiến hoá của nhân loại. Khi săn bắt, hái lượm từ tự nhiên không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, con người bắt đầu nghĩ đến việc gieo hạt, chăm sóc, tưới nước cây con, chờ đến ngày thu hoạch.
Trồng trọt giúp con người bước qua thời kỳ mới: chủ động sản xuất, tạo ra lượng lương thực, thực phẩm cần thiết, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trồng trọt giúp giảm bớt sự lệ thuộc vào tự nhiên, tạo nên các điều kiện cơ bản để định cư lâu dài.
Trồng trọt, lúc đầu, chỉ chủ yếu phục vụ cho mục đích "tự sản tự tiêu". Khi sản lượng tăng lên, có người nghĩ đến việc trao đổi, để nhận lại các loại nông sản khác mà mình không sản xuất được. Dần dần việc trao đổi, mua bán được hình thành và trở nên phổ biến, mở ra ngành "kinh doanh nông sản" như chúng ta biết đến ngày nay.
Từ phục vụ nhu cầu tiêu thụ cá thể, hộ gia đình của người sản xuất đến đáp ứng mục đích trao đổi, buôn bán, ngành trồng trọt trải qua hành trình dài thay đổi và phát triển. Chỉ để "tự tiêu" thì dễ, cứ thế mà trồng, có gì dùng đấy, nông sản không sử dụng hết thì có thể chuyển qua làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, tôm cá.
Nhưng để trao đổi, mua bán là một câu chuyện khác, nông sản cần vừa ý khách hàng, cần đạt yêu cầu nhất định về giá cả, hình thức, chất lượng. Chín người, mười ý, nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng. Mức sống khấm khá hơn, xu thế tiêu dùng ngày càng chọn lọc và chú trọng chất lượng: no, ngon chưa đủ, cần phải sạch, an toàn, rồi tiến tới đủ chất, bổ dưỡng. Ít, mà phải tinh, như người xưa quan niệm "quý hồ tinh, bất quý hồ đa".
Từ "tự sản tự tiêu" đến "kinh doanh nông sản", ngành trồng trọt bước từ "sản xuất" qua "kinh tế", với các bài toán chi phí và lợi nhuận. Một mô hình trồng trọt thu được lợi nhuận lớn sẽ kích thích nhiều người sản xuất cùng tham gia. Nhiều người sản xuất, trồng trọt hơn, đến mức nào đó, sản lượng nông sản sẽ vượt nhu cầu của người tiêu dùng, dẫn đến tình trạng dư thừa. Hoặc ở chiều ngược lại, vì lý do nào đó, thời tiết hay dịch bệnh, nông sản trở nên khan hiếm, thiếu hụt.
Câu chuyện "được mùa mất giá, mất mùa được giá" đâu chỉ diễn ra ở đất nước mình. Chung quy cũng vì cung – cầu chưa gặp nhau. Chung quy cũng vì thông tin bị đứt đoạn giữa người sản xuất nông sản và nhu cầu tiêu dùng. Chung quy cũng vì cách nghĩ sản xuất ra càng nhiều, thì bán được càng nhiều và thu được lợi nhuận càng nhiều. Người trồng trọt nghĩ vậy và ngành chuyên môn cũng nghĩ như vậy.
Trong một thời gian dài, ngành trồng trọt gần như được định hình bởi các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sản xuất. Nhưng thực tế cuộc sống và diễn biến thị trường thường không chuyển động theo các bản kế hoạch, ước tính được dự đoán hay nỗ lực điều hành, định hướng hành chính. Thị trường vận động theo quy luật cân bằng cung cầu và liên tục biến chuyển.
Nhận thức được điều này, chúng ta cần phải thay đổi, từ tư duy, cách thức tiếp cận đến mục tiêu, mô hình vận hành, để thích ứng tốt hơn và chủ động hơn. Trước tiên, cần phải thu thập, tích hợp, rồi chuẩn hoá dữ liệu, thông suốt, đồng bộ dữ liệu từ vùng trồng cho đến cơ quan quản lý chuyên ngành, rồi kết nối với thị trường thông qua các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội phân phối.
Dữ liệu có thể được chuẩn hoá thành mã số vùng trồng. Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Nói cách khác, mã số vùng trồng chuyển tải, tích hợp thông tin về sản lượng, thời điểm xuống giống, thời điểm thu hoạch, quy trình canh tác, sản lượng dự kiến...
Mã số vùng trồng có thể được xem là cách thức giới thiệu, quảng bá chất lượng nông sản, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Mã số vùng trồng là kênh thông tin, là công cụ để cơ quan quản lý chuyên ngành kịp thời điều chỉnh kế hoạch tiêu thụ, để các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị kho bãi, phương tiện vận chuyển, ngân sách...
Từ mã số định danh vùng trồng, người sản xuất có thể kiểm soát quy trình canh tác, chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu gia đình, đăng ký sản lượng,... Từ mã số định danh vùng trồng, ngành nông nghiệp sẽ có được cơ sở dữ liệu, phân tích, chuyển hoá thành thông tin phục vụ quản lý nhà nước, linh hoạt cập nhật kế hoạch sản xuất theo tín hiệu thị trường. Từ mã số định danh vùng trồng, địa phương chủ động giới thiệu, kêu gọi hợp tác, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, phát triển công nghệ phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến ngay từ vùng nguyên liệu.
Từ "sân ga" mã số vùng trồng và những dữ liệu chuyên ngành khác, đoàn tàu mang tên "Nông nghiệp số" sẽ khởi động, khởi hành và tăng tốc. Số hoá khâu trồng trọt, sản xuất tạo điều kiện thuận lợi cho các khâu kết nối, tiêu thụ, thương mại hoá, mở ra cơ hội phát triển mới. Ví dụ như tiếp thị, thương mại điện tử qua các nền tảng bán hàng theo hình thức lên sóng trực tiếp (livestream), giao dịch trực tuyến hay mạng xã hội,…
Nhờ những tiện ích này, người nông dân, hợp tác xã, câu lạc bộ đặc sản địa phương có thể tìm kiếm, mở rộng không gian tiêu thụ cả trong và ngoài nước. Ngành trồng trọt nói riêng và cả ngành nông nghiệp nói chung đang từng bước chuyển đổi, thích ứng với xu thế chuyển động không ngừng và nhanh chóng của thế giới năng động, hiện đại.
Quan trọng hơn, ứng dụng mã số định danh vùng trồng, những tiện ích mới mẻ, tiên tiến vào trồng trọt, sản xuất đâu chỉ về câu chuyện kỹ thuật, công nghệ, kết nối cung - cầu, mà sự thay đổi này, trên hết, là cam kết tạo dựng ngành trồng trọt "minh bạch – trách nhiệm – bền vững", nhờ vào những người nông dân sẵn lòng hợp tác với nhau trong cuộc sống và sản xuất.
Tư duy hợp tác, liên kết được hình thành, dần thay thế cho cách nghĩ "đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm". Bài toán "manh mún, nhỏ lẻ, tự phát" rồi sẽ sớm tìm được lời giải thoả đáng!