| Hotline: 0983.970.780

Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ Sáu 12/06/2020 , 13:10 (GMT+7)

Mới đây, tại huyện Cầu Kè (Trà Vinh) diễn ra buổi lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Lãnh đạo huyện Cầu Kè đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Minh Đảm.

Lãnh đạo huyện Cầu Kè đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Minh Đảm.

Thu nhập tăng trên 3 lần

Điểm lại quá trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Hoàng Khải, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Năm 2010, huyện Cầu Kè bắt tay vào xây dựng NTM với nhiều khó khăn thách thức. Hạ tầng cơ sở vật chất, giao thông nông thôn chưa thuận thiện, đường đi chủ yếu là đường đất, người dân đi lại, giao thương đều khó khăn vất vả.

Hệ thống thuỷ lợi chưa được đầu tư, chủ yếu là nạo vét các kênh mương thủ công nên thường xuyên bị thiên tai triều cường. Đòi sống vật chất của người dân còn thiếu thốn. Thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức 15,2 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 25,75%. Có xã xuất phát từ 1-3 tiêu chí như Châu Điền, Ninh Thới.

Đến tháng 3/2019, Cầu Kè có 5/10 xã đạt chuẩn NTM. Riêng các tiêu chí huyện NTM thì Cầu Kè đã đạt 6/9. Tỉnh Trà Vinh có kế hoạch đưa Cầu Kè đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2019.

Bằng những nỗ lực của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân địa phương, các xã còn lại của huyện đã đạt chuẩn NTM trong năm 2019, đúng tiến độ đề ra.

Diện mạo nông thôn Cầu Kè thay đổi rõ rệt. Giao thông thông thuỷ bộ đều thuận lợi. Đường bộ có 11/11 tuyến đường liên xã được cứng hoá. Các tuyến đường liên ấp, xóm xây dựng khang trang, mùa mưa không còn cảnh lấm bẩn, sình lầy,...

Nhất là thuỷ lợi, huyện Cầu Kè được đầu tư hệ thống cống ngăn mặn trữ ngọt Bông Bót - Tân Dinh kết hợp với hệ thống cống bọng đầu mối đã điều tiết nước ngọt, ngăn mặn hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Cống Bông Bót cùng với các cống điểm của huyện cầu Kè đã thực hiện tốt nhiệm vụ ngăn mặn trữ ngọt, đảm bảo sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Minh Đảm.

Cống Bông Bót cùng với các cống điểm của huyện cầu Kè đã thực hiện tốt nhiệm vụ ngăn mặn trữ ngọt, đảm bảo sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Minh Đảm.

Những năm qua, Cầu Kè đã tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Cầu Kè có diện tích đất nông nghiệp khá lớn, vào khoảng trên 20.000ha. Trong đó, có đến gần 8.900ha đất trồng các loại cây ăn quả như bưởi, sầu riêng, chôm chôm, quýt,..

Huyện đã tập trung xây dựng các mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Cụ thể, như mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa là sản phẩm chủ lực gắn với chuỗi giá trị tại 3 xã Châu Điền, Phong Phú và Hoà Ân với diện tích trên 500ha.

Bên cạnh đó, huyện xây dựng các mô hình chuyển đổi cây trồng trên 1.400ha… Tổng giá trị sản xuất đất trồng trọt và thuỷ sản đạt trên 190 triệu đồng/ha. Riêng các mô hình sản xuất bưởi da xanh, xoài theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với kết chuỗi giá trị có thu nhập bình quân gần 300 triệu đồng/ha.

Hiện nay, cùng với phát triển sản xuất, các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với đồng bào dân tộc thiểu số và an sinh xã hội đã phát huy hiệu quả.

Đến nay, toàn huyện chỉ còn 680 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,16%. Thu nhập trên đầu người dân tăng hơn 3 lần đạt 52,64 triệu đồng.

Sự đồng thuận cao của người dân

Sư cả Thạch Thảo, trụ trì chùa Majjhimararma ở ấp Trà Kháo, xã Hoà Ân cho biết: “Trong quá trình xây dựng NTM, sư nhận thấy các cấp các ngành rất quan tâm. Nhất là việc đầu tư hệ thống hạ tầng, điện thắp sáng, giao thông, thuỷ lợi... đến chất lượng xây dựng các hợp tác xã. Điều sư tâm đắc nhất đó là, sự đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, sự đồng thuận của nhân dân là điều kiện quan trọng để hoàn thành các tiêu chí NTM”.

Vì vậy, khi thuyết pháp, cầu an, sư Thảo luôn vận động phật tử chấp hành nghiêm pháp luật, chủ trương, đường lối của Đảng như thành lập chi hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong chùa, mô hình trong nhà có mõ ngoài ngõ có đèn, trồng cây xanh cải tạo cảnh quan môi trường...

Ông Giảng Văn Hưởng, một hộ dân ở xã Hoà Tân đã tham gia hiến đất, hiến cây xanh làm đường NTM cho biết, gia đình ông đã chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái cho thu nhập cao hơn. Kinh tế gia đình vươn lên khá giả.

Bản thân ông Hưởng và gia đình cũng tích cực tham gia xây dựng NTM, như kêu gọi ủng hộ 100 bao xi măng, cùng xây dựng tuyến đường xanh sạch đẹp dài trên 1.000m trị giá 39 triệu đồng, đóng góp 50 triệu đồng tiền mặt, hiến 2.500m2 đất trị giá trên 130 triệu đồng…

Nông dân Cầu Kè tích cực chuyển đổi sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân Cầu Kè tích cực chuyển đổi sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết: Hiện nay, Trà Vinh đa có 57/85 xã, 2 huyện đạt chuẩn NTM và thị xã Duyên Hải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Tuy nhiên, các tiêu chí mới đạt ở mức tiệm cận so với quy định chung của Bộ tiêu chí, tính bền vững chưa cao, dễ biến động.

Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đề nghị nhân dân trong tỉnh nói chung và nhân dân huyện Cầu Kè nó riêng phát huy những kết quả đạt được, từng bước nâng chất các tiêu chí, khắc phục những khó khăn, tồn tại. Nhất là phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xây dựng NTM.

Tiếp tục triển khai mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa bộ tiêu chí ấp NTM, ấp NTM kiểu mẫu, vườn mẫu để tạo tiền đề thực hiện bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu trong thời gian tới.

Đến dự buổi lễ, ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, đánh giá: “Trong 10 năm qua, Trà Vinh là với xuất phát điểm thấp lại chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn. Nhưng nhờ sự nỗ lực của người dân, quyết liệt của Ban chỉ đạo các cấp, kết quả đến nay đã đạt được nhiều thành tựu.

Trà Vinh đã có 57/85 xã, 2 huyện đạt chuẩn NTM và 1 thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. So với các tỉnh, thành phố ĐBSCL thì Trà Vinh đạt mức khá của vùng”.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.