| Hotline: 0983.970.780

Phụ nữ Cầu Kè giúp nhau giảm nghèo bền vững

Thứ Sáu 27/03/2020 , 08:45 (GMT+7)

Hội Phụ nữ huyện Cầu Kè (Trà Vinh) tạo điều kiện cho nhiều hội viên phụ nữ khó khăn có việc làm, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Công việc đan bàn ghế bằng dây nhựa giúp chị Huỳnh Thị Khánh Vân, ở ấp Bà My, xã Tam Ngãi có cuộc sống ổn định hơn trước.

Công việc đan bàn ghế bằng dây nhựa giúp chị Huỳnh Thị Khánh Vân, ở ấp Bà My, xã Tam Ngãi có cuộc sống ổn định hơn trước.

Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Cầu Kè đã tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của Hội, đặc biệt là tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Sau 10 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM, đến nay Cầu Kè được công nhận huyện NTM, hộ nghèo giảm còn 2,22% (giảm 23,22% so với năm 2011), thu nhập đạt 52,2 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 35 triệu đồng). Có được kết quả trên có sự đóng góp rất nhiều các cấp Hội và hội viên phụ nữ huyện, xã.

Theo bà Trịnh Thị Phương, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Cầu Kè cho biết: “Hiện Cầu Kè có trên 32.000 phụ nữ nằm trong độ tuổi lao động, trong số đó có gần 50% chị em tham gia vào tổ chức Hội và đa phần chị em sống bằng nghề nông nghiệp nên thời gian nhàn rỗi rất nhiều.

Trước tình hình đó, Hội Phụ nữ huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương tỉnh Trà Vinh), Dự án AMD Trà Vinh tổ chức mở các lớp truyền nghề đan đát các mặt hàng giỏ xách, bàn ghế bằng nguyên liệu dây nhựa, lục bình để xuất khẩu.

Đây là công việc rất phù hợp và tương đối dễ làm nên thu hút được nhiều chị em hội viên tham gia. Cũng từ công việc này đã giúp cho không ít chị em hội viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn trước đây giờ cải thiện được cuộc sống, vươn lên thoát nghèo”.

Điển hình như chị Huỳnh Thị Khánh Vân, ở ấp Bà My, xã Tam Ngãi (huyện Cầu Kè) có cuộc sống gia đình khấm khá hơn trước rất nhiều. Từ khi được học nghề đan đát, chị đã nhận nguyên liệu về đan và được trả tiền công theo sản phẩm.

Do nhận làm gia công nên chị đã chủ động được thời gian, tranh thủ lúc rãnh thì đem ra làm, bình quân mỗi ngày chị đan được từ 4 - 5 sản phẩm, thu nhập gần 100 ngàn đồng, từ nguồn thu này cũng giúp giải quyết được phần nào các khoảng chi tiêu sinh hoạt trong gia đình.

Chị Khánh Vân nói: “Lúc rảnh thì em đem ra đan 1 ngày cũng được 3 - 4 sản phẩm, nhiều khi cũng được 4 - 6 sản phẩm, có tiền trang trải sinh hoạt trong gia đình cũng tạm ổn. Đan bàn ghế bằng dây nhựa dễ đan, chứ không quá khó”.

Có thể nói do tính chất nghề đan lát không mấy phức tạp, lại tận dụng được thời gian nhàn rỗi có thêm thu nhập kinh tế nên hiện nay Cầu Kè đã có hơn 1.000 chị em hội viên phụ nữ tham gia công việc đan lát. Cũng nhờ được đào tạo nghề kết hợp với giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn mà trong 3 năm qua đã giúp cho gần 500 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ có điều kiện phát triển kinh tế.

Chị Kiên Thị Oanh Đi, ở ấp Ô Rồm, xã Châu Điền (huyện Cầu Kè) nói: “Công việc đan này dễ làm, hàng ngày làm việc nhà xong thì đan, sản phẩm 1 bộ bàn ghế 70 ngàn đồng, chi phí trong nhà tiền điện, nước, đồ ăn cũng được, từ khi đan tới giờ thấy cuộc sống cũng đỡ nhiều”.

Bà Trịnh Thị Phương, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Cầu Kè cho biết: “Công tác giảm nghèo là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM. Do đó, hàng năm huyện Hội luôn đưa công tác chăm lo, giải quyết việc làm, giảm nghèo cho hội viên vào triển khai thực hiện.

Để làm tốt công tác này thì ngoài củng cố và nhân rộng các mô hình tiết kiệm tín dụng, giúp các chị tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các Dự án hỗ trợ phụ nữ hay vay vốn từ các tổ chức tín dụng, huyện Hội còn phối kết hợp với ngành liên quan tổ chức mở các lớp dạy nghề ngắn hạn phù hợp với điều kiện của chị em.

Đồng thời, huyện Hội cũng liên kết với các công ty, doanh nghiệp cung ứng nguyên vật liệu làm sao để giúp các chị có được việc làm liên tục, có nguồn thu nhập kinh tế ổn định để phụ giúp thêm gia đình”.

Nghề đan đát rất phù hợp với chị em hội viên phụ nữ ở nông thôn huyện Cầu Kè.

Nghề đan đát rất phù hợp với chị em hội viên phụ nữ ở nông thôn huyện Cầu Kè.

Nghề đan đát có thể được xem là nghề phụ nhưng đã giúp chị em phụ nữ ở nông thôn có thêm thu nhập nên Hội Phụ nữ huyện Cầu Kè khuyến khích chị em tham gia, nhằm tận dụng thời gian lúc nông nhàn để có thêm nguồn thu nhập kinh tế, cải thiện cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua đó, góp phần cùng với huyện thực hiện đạt tiêu chí về thu nhập, giảm nghèo.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Thái Nguyên có 240 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Trong số các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên, có 155 sản phẩm đạt 3 sao, 83 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.