Tới chiều ngày 28/9, khu vực xã Vĩnh Ô và một số xã lân cận của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), những cơn mưa mù trời vẫn xuất hiện theo từng đợt. Mưa ngớt, hai người đàn ông đứng bên phía thôn Thúc và thôn Cây Tăm có việc cần trao đổi đành phải nói với qua cây cầu tạm bằng sắt đã bị nước lũ cuốn trôi khoảng 30 - 40m.
Họ là những người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không có điện thoại. Giữa tiếng gió rít, tiếng nước sông cuồn cuộn chảy, họ phải nói mãi mới hiểu được ý nhau.
Xã Vĩnh Ô đa phần là người đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều, kinh tế còn hết sức khó khăn. Cầu tạm này là con đường độc đạo nối thôn Cây Tăm với trụ sở hành chính UBND xã Vĩnh Ô và các thôn Thúc, Xóm Mới, Lền, Xà Lời, Xa Ninh, Mít.
Nếu như thôn Cây Tăm với 42 hộ dân, gần 150 nhân khẩu có thể đi đường bộ được ra Thị trấn Hồ xá thì trên 330 hộ dân với khoảng 1,4 nghìn nhân khẩu ở các thôn còn lại hiện không thể qua sông để về trung tâm huyện Vĩnh Linh.
Người dân thôn Cây Tăm cũng không còn đường sang trung tâm xã, con cái họ cũng không thể đi học sau những ngày nghỉ vì mưa bão. Nước sông chảy cuồn cuộn, đỏ đục, hung dữ khiến không ai dám dùng thuyền để vượt qua bên kia bờ.
Bà Hồ Thị Chàm, một người dân thôn Cây Tăm cho biết, sự việc xẩy ra vào khoảng 6h30 sáng 28/9. Thời điểm này mưa to khiến nước sông Bến Hải đỏ đục, dâng cao, chảy cuồn cuộn và cuốn phăng khoảng 30 - 40 mét cây cầu tạm bằng sắt. Đây là con đường độc đạo để các thôn phía bên kia sông đi ra Thị trấn Hồ Xá nên nếu ai có việc cần thì chỉ còn cách phải băng rừng với quãng đường xa hơn. Tuy nhiên, nước các khe suối đang dâng lên cao nên người dân trong các thôn gần như "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
“Cái ăn thì cũng chưa đáng lo nhưng cầu tạm bị cuốn trôi, sợ nhất là mấy đứa trẻ ở thôn Cây Tăm sắp ngày đến trường sau bão. Rồi lỡ người dân các thôn bên kia sông ốm đau bệnh tật, muốn đi bệnh viện không biết tính bằng cách nào. Bây giờ nước đã cơ bản rút rồi nhưng cũng chưa thấy ai đến khắc phục để người dân đi lại”, bà Chàm lo lắng.
Ông Hồ Văn Ninh, một người dân thôn Thúc sống ngay cạnh bờ sông cho biết thêm, ở đây đời sống người dân hết sức khó khăn, việc giao lưu buôn bán, trao đổi với các xã, thôn bên cạnh cũng chỉ qua mỗi chiếc cầu này. Vì vậy, ông mong chính quyền và ngành chức năng sớm khắc phục để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống.
Trên sông Bến Hải, đoạn đi qua xã Vĩnh Ô, từ vài ba tháng nay đang có một đơn vị thi công xây cây cầu bê tông cốt thép. Đơn vị này đã lắp một cây cầu tạm qua sông để người dân đi lại, sinh hoạt, trao đổi buôn bán với các xã bên ngoài. Nhưng không may, cầu vừa mới lao dầm thì mưa to, lũ lớn đã cuốn phăng cây cầu tạm.
Ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô cho biết, 2 ngày đêm mưa lớn liên tục đã khiến một số tuyến đường nội xã bị chia cắt vì nước dâng cao. Trong khi đó, chiếc cầu tạm nối hầu hết nhân khẩu của xã với con đường đến Thị trấn Hồ Xá bị cuốn trôi, cầu mới thi công chưa hoàn thiện. Nếu tình hình này kéo dài, người dân các thôn ở bên bờ hữu sông Bến Hải sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
“Năm 2020, mưa lũ đã khiến cây cầu nối hai bờ sông Bến Hải đoạn đi qua xã Vĩnh Ô bị trôi nên hiện một cây cầu mới đang được xây dựng. Đơn vị thi công nói, nếu có người dân đau ốm thì họ sẽ hướng dẫn cách đi qua cầu mới. Nhưng như thế thì sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, người dân ở đây đang rất mong mỏi cầu tạm được sớm khắc phục để học sinh đi học, người dân đi lại thuận tiện, an toàn”, ông Tặng cho hay.
Theo báo cáo tới cuối ngày 28/9 của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, ảnh hưởng của bão Noru đã khiến 8 người bị thương; 2 nhà bị sập, đổ hoàn toàn; 137 nhà bị hư hỏng, tốc mái. Ngoài ra, một số công trình giao thông và một số lĩnh vực khác.