| Hotline: 0983.970.780

Yên Bình hoàn thành tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Tư 06/12/2023 , 10:55 (GMT+7)

Yên Bái Việc hoàn thành tiêu chí thủy lợi trong xây dựng NTM giúp hạ tầng nông thôn phát triển, thúc đẩy xây dựng các mô hình sản xuất mới đòi hỏi chủ động về tưới tiêu.

Chủ động nguồn nước tưới tiêu

Xác định thủy lợi là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện Bộ tiêu chí về xây nông thôn mới (NTM), huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) đã lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, kiên cố hóa, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi.

Đến nay huyện Yên Bình đã hoàn thành tiêu chí số 3 về thủy lợi đáp ứng nhu cầu sản xuất, cũng như nước sinh hoạt của người dân nông thôn, góp phần đưa địa phương trở thành huyện NTM trong năm 2023.

Công trình hồ thủy điện Thác Bà tại huyện Yên Bình (Yên Bái) đa giá trị lợi ích. Ảnh: Thanh Tiến.

Công trình hồ thủy điện Thác Bà tại huyện Yên Bình (Yên Bái) đa giá trị lợi ích. Ảnh: Thanh Tiến.

Xã Bạch Hà (huyện Yên Bình) hoàn thành xây dựng xã NTM vào năm 2017 và phấn đấu được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2023. Tại đây, tiêu chí về thủy lợi đã được quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa phục vụ việc tưới tiêu, thâm canh tăng vụ và thúc đẩy sản xuất của bà con nông dân. Hiện toàn xã có 27 công trình thủy lợi, với hệ thống kênh mương 27,5 km (gần 25 km đã được bê tông hóa, đạt 90,2%). Các công trình thủy lợi đảm bảo tưới tiêu chủ động cho diện tích gần 300 ha lúa 2 vụ của xã.

Ông Bùi Xuân Quý - Chủ tịch UBND xã Bạch Hà cho biết, thủy lợi đã đáp ứng tốt nguồn nước cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Nhiều diện tích đất trước đây chỉ cấy được 1 vụ lúa do không chủ động được nước tưới, nay có thể gieo cấy 2 vụ và sản xuất thêm vụ đông đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Tất cả các xã của huyện Yên Bình đã hoàn thành tiêu chí thủy lợi, đảm bảo tưới tiêu chủ động cho diện tích gieo cấy lúa. Ảnh: Thanh Tiến.

Tất cả các xã của huyện Yên Bình đã hoàn thành tiêu chí thủy lợi, đảm bảo tưới tiêu chủ động cho diện tích gieo cấy lúa. Ảnh: Thanh Tiến.

Các công trình thủy lợi được đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới là cơ sở để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chính vì vậy, ngoài việc huy động tốt nguồn lực đầu tư, huyện Yên Bình đã huy động sự vào cuộc tham gia của các đoàn thể và người dân trong các khâu quản lý, khai thác, bảo vệ để các công trình phát huy hiệu quả.

Góp phần phòng chống thiên tai

Một trong những điều kiện thuận lợi là ngay từ khi thực hiện xây dựng các xã đạt chuẩn NTM, các địa phương đã chú trọng thực hiện hoàn thành tiêu chí về thủy lợi. Nhờ đó, các công trình thủy lợi đảm bảo đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, thực hiện tốt các quy định về phòng, chống thiên tai.

Điển hình như ở xã Xuân Long, hiện nay tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động đạt 100%. Trên địa bàn xã có 11 công trình thủy lợi và gần 20 km kênh mương, tỷ lệ kiên cố hóa đạt 93%. Các công trình thủy lợi do Công ty TNHH Tân Phú và xã quản lý vận hành, cấp nước tưới ổn định cho gần 300 ha lúa 2 vụ. Hàng năm, các công trình thủy lợi nhỏ, nội đồng được duy trì; đảm bảo chủ động về phòng, chống thiên tai.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó chủ tịch UBND xã Xuân Long cho biết, không chỉ cung cấp nước tưới, hệ thống thủy lợi còn có nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tích nước, thoát lũ khi có mưa lớn xảy ra ở khu vực thượng nguồn. Hàng năm, xã tuyên truyền người dân bảo vệ công trình, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại hoặc phá hoại công trình thủy lợi. Trước mùa mưa lũ, xã phối hợp với Công ty TNHH Tân Phú thực hiện nạo vét mương máng, rà soát những đoạn hư hỏng để sửa chữa kịp thời.

Tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương của huyện Yên Bình đạt trên 70%. Ảnh: Thanh Tiến.

Tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương của huyện Yên Bình đạt trên 70%. Ảnh: Thanh Tiến.

Đến nay, huyện Yên Bình đã thực hiện hoàn thành tiêu chí thủy lợi, hệ thống thủy lợi liên xã được xây dựng phù hợp với quy hoạch thủy lợi đã phê duyệt. Việc tổ chức quản lý, vận hành khai thác hoạt động hiệu quả, bền vững. Qua đó, góp phần phục vụ nền nông nghiệp phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất, tạo đòn bẩy trong thực hiện các tiêu chí khác để nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn.

Bà Đào Thị Thanh Hiền – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Bình cho biết, hiện 100% số xã trong huyện đã hoàn thành tiêu chí số 3 về thủy lợi và phòng chống thiên tai. Hệ thống công trình thủy lợi góp phần quan trọng tăng diện tích gieo trồng, tăng thời vụ, cải tạo đất, đảm bảo an ninh lương thực và đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đồng thời giữ vai trò quan trọng trong phòng chống lũ, úng ngập, hạn hán.

Để các công trình phát huy hiệu quả tối đa, huyện chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ nguồn nước, dọn cỏ, vệ sinh các tuyến kênh mương nội đồng, gia cố các mặt cống không đảm bảo an toàn. Hàng năm, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đáp ứng yêu cầu ứng phó ngay khi có thiên tai xảy ra. 

Tiếp tục nâng cấp hệ thống thủy lợi

Ông Lã Tuấn Hưng – Phó chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết thêm, trong những năm qua địa phương đã đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống các công trình thủy lợi, góp phần quan trọng nâng cao năng lực tưới tiêu của toàn hệ thống, chủ động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Nhân dân trong huyện tích cực hiến đất, giải tỏa cây cối, hoa màu, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án về thủy lợi. Hệ thống thủy lợi được đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới là cơ sở để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Huyện Yên Bình sẽ tiếp tục cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình thủy lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thanh Tiến.

Huyện Yên Bình sẽ tiếp tục cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình thủy lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thanh Tiến.

Tuy nhiên, với đặc thù địa hình đồi núi cũng gây nhiều khó khăn cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống kênh mương tưới tiêu phục vụ nông nghiệp. Nhiều tuyến kênh, mương đều có chiều dài lớn, đi qua nhiều loại địa hình... khiến cho mức đầu tư xây dựng cao, công tác khắc phục sửa chữa, cải tạo sau thiên tai còn nhiều khó khăn. Từ hiện trạng thực tế các công trình, huyện bố trí các nguồn kinh phí, lựa chọn các công trình ưu tiên tập trung sửa chữa, kiên cố.

Để duy trì bền vững tiêu chí thủy lợi, huyện Yên Bình chỉ đạo các địa phương tuyên truyền tới người dân về việc tham gia quản lý, bảo vệ các công trình thủy lợi; chú trọng đầu tư, sửa chữa nâng cấp công trình ngay khi có dấu hiệu đã xuống cấp. Nghiên cứu, tạo điều kiện hỗ trợ người dân học tập các tiến bộ khoa học - công nghệ vào trong sản xuất, nhất là thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Hơn 10 năm qua, từ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia, huyện Yên Bình đã đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 95 công trình thủy lợi với tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng. Hiện toàn huyện có 479 công trình thủy lợi, gồm hơn 50 hồ chứa nước, hơn 400 đập dâng, 4 trạm bơm. Ngoài ra, có hơn 400 km kênh mương dẫn nước, trong đó có gần 300 km đã được kiên cố, đạt 71%. Tỷ lệ tưới chủ động đạt trên 80%, bảo đảm cấp nước cho gần 2.100 ha đất nông nghiệp.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

Biến lá bồ đề thành sản phẩm tranh độc đáo

Sóc Trăng Khai thác giá trị từ lá bồ đề, thanh niên trẻ sáng tạo ra sản phẩm tranh trang trí độc đáo, được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Sóc Trăng.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm