| Hotline: 0983.970.780

Cây chè dây tạo sinh kế cho đồng bào vùng cao

Thứ Sáu 21/10/2022 , 14:19 (GMT+7)

Người dân vùng cao An Toàn hiện đã nắm bắt kỹ thuật bảo tồn chè dây trong tự nhiên và trồng trên rẫy, sinh kế bền vững đang đến với đồng bào Bana ở đây.

Cây chè dây mang đến sinh kế

Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão (Bình Định), phần lớn người dân ở xã vùng cao An Toàn là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Bana, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 67,5%. Đồng bào thiểu số ở đây chưa có ngành nghề sinh kế đa đạng, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp với những khoảnh ruộng bậc thang trồng lúa và những mảnh rẫy trồng ngô, sắn; nhận khoán quản lý bảo vệ rừng. Ruộng nương thì manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên thu nhập không ổn định.

Empty

Đồng bào Bana ở xã vùng cao được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng chè dây. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Lực lượng lao động trong mỗi hộ gia đình đã ít, chất lượng lao động lại thấp. Nhiều gia đình dù có đông người, nhưng chiếm phần nhiều là người không tham gia hoạt động sản xuất, khiến cái “gánh” cơm áo cho những lao động còn lại càng thêm nặng nề. Thu nhập từ việc nhận khoán quản lý bảo vệ rừng không cao, các hoạt động sản xuất khác chỉ mang tính chất tự cung tự cấp, nên từ bao năm qua vẫn chưa cải thiện được vấn đề sinh kế của người dân xã An Toàn.

Từ thực tế trên, việc hỗ trợ người dân cải thiện sinh kế, có thu nhập ổn định thông qua mô hình liên kết trồng, thu hái, bảo tồn cây chè dây bản địa theo định hướng nghiên cứu và phát triển khoa học của Công ty CP Dược và Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Đặc biệt là những công việc trồng, thu hái, bảo tồn cây chè dây bản địa phù hợp với năng lực sẵn có của bà con và điều kiện tự nhiên.

Empty

Đồng bào Bana ở xã vùng cao An Toàn tham gia hội thi tìm hiểu về dự án chè dây. Ảnh: Đình Thung

“Dự án Chuyển giao kỹ thuật trồng cây thuốc bản địa chè dây cho đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng liên kết chuỗi sản xuất dược liệu hiệu quả, bền vững, nhằm cải thiện sinh kế, giảm áp lực khai thác tài nguyên rừng tại xã An Toàn rất phù hợp với chiến lược đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp bền vững của chính quyền huyện An Lão; đúng định hướng về bảo tồn, nâng cao giá trị cây dược liệu từng năm và từng giai đoạn mà Huyện ủy, UBND huyện An Lão đã đề ra”, bà Nguyễn Thị Ái Dân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện An Lão, Trưởng Ban điều hành dự án, chia sẻ. 

Cơ hội thoát nghèo

Trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ chè dây tại An Toàn, Bidiphar đóng vai trò là đối tác, cung cấp nguồn cây giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng, thu mua nguyên liệu, chế biến sản phẩm. Hội LHPN huyện An Lão là cơ quan chủ trì thực hiện dự án, tổ chức hỗ trợ giúp các hộ dân sản xuất.

Đến nay, qua 1 năm rưỡi triển khai dự án chè dây An Toàn, Hội LHPN huyện An Lão đã phối hợp cùng các nhóm chuyên gia dự án tiến hành khảo sát thực địa, chọn được 9 điểm trên địa bàn 3 thôn có trữ lượng chè dây tự nhiên cao với diện tích 11,384 ha, trung bình mỗi điểm khảo sát khoanh vùng 1,265 ha. Trong đó, điểm có trữ lượng chè dây có diện tích lớn nhất là 3,245 ha và điểm có trữ lượng chè dây thấp nhất là 0,302 ha.

Empty

Công ty Bidiphar họp đồng bào Bana ở xã vùng cao An Toàn (huyện An Lão, Bình Định) triển khai dự án. Ảnh: V.Đ.T.

Sau đó, Hội LHPN huyện An Lão tiếp tục phối hợp với nhóm chuyên gia và chính quyền địa phương xây dựng pano, cắm biển khoanh vùng nuôi trồng cây chè dây của dự án tại các điểm đã chọn, đồng thời chọn 3 hộ dân ở 3 thôn để tiến hành chuyển giao kỹ thuật xây dựng vườn nhân ươm giống chè dây tại nhà với quy mô 100m2/hộ; xây dựng mô hình trồng thâm canh tại rẫy của hộ với diện tích 2.000m2/hộ và mô hình khoanh nuôi chè dây trong tự nhiên với diện tích 5.000m2/hộ.

“Các hộ nông dân làm điểm mô hình thâm canh với diện tích 0,6 ha gồm hộ ông bà Đinh Thị Mới ở thôn 1, hộ bà Đinh Thị Nớ ở thôn 2 và hộ ông Đinh Văn Bây ở thôn 3. Mô hình trồng dặm vùng khoanh nuôi với diện tích 1,5 ha có các hộ nông dân làm điểm gồm hộ ông Đinh Văn Trác ở thôn 1, hộ ông Đinh Văn Dơ ở thôn 2 và hộ ông Đinh Văn Đức ở thôn 3. Đây là những người có uy tín trong làng, thành công của những mô hình nói trên sẽ nhanh chóng được bà con trong làng nhân rộng”, bà Nguyễn Thị Ái Dân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện An Lão, Trưởng ban điều hành dự án, cho hay. 

Ông Đinh Văn Trác ở thôn 1 (xã An Toàn), một trong những người đầu tiên tham gia dự án trồng chè dây, trồng dược liệu theo tiêu chuẩn “Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới” chia sẻ: Người trồng phải bảo đảm môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ; đảm bảo dược liệu không chứa mầm bệnh, không có dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Các khâu chăm sóc, thu hoạch đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật.

“Xưa giờ cây chè dây vẫn mọc dưới tán rừng, bà con mình hái về dùng nấu nước uống, nó có tác dụng chữa được một số bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày. Mấy năm trước, nhiều thương lái hỏi mua nên nhiều người kéo nhau vào rừng chặt bán khiến nó cạn kiệt dần. Nay được cán bộ dự án chỉ dẫn, tôi mới hiểu tầm quan trọng của việc bảo tồn loại cây dược quý hiếm này”, ông Đinh Văn Trác tâm sự.

“Dự án chè dây trên đất An Toàn sẽ góp phần phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững; phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương về sản xuất dược liệu theo hướng hàng hóa và theo chuỗi giá trị. Qua đó sẽ  thúc đẩy kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão.

Xem thêm
Giá xăng dầu hôm nay 26/12/2024: Quay đầu giảm trở lại

Sau phiên điều chỉnh, giá xăng dầu hôm nay 26/12/2024 đồng loạt giảm. Theo đó, mặt hàng xăng mất tới 460 đồng, còn giá dầu giảm nhẹ từ 100-260 đồng.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Tập đoàn Mavin 20 năm 'Kiến tạo - Nâng tầm - Bứt phá'

HÀ NỘI Đây là dịp đặc biệt và ý nghĩa để nhìn lại hành trình phát triển vinh quang của Mavin trong 2 thập kỷ qua, khơi dậy niềm tự hào, động lực hướng tới tương lai.