| Hotline: 0983.970.780

Đồng bào dân tộc thiểu số vui mùa lúa đầu tiên bội thu

Thứ Hai 12/09/2022 , 13:49 (GMT+7)

Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh (Phú Yên) vui mừng khi vụ đầu tiên sản xuất lúa, thu hoạch bội thu.

Giúp bà con đồng bào làm lúa nước

Ea Lâm là xã đặc biệt khó khăn của huyện Sông Hinh, cũng là địa phương có phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số.  Năm 2020, được sự quan tâm của Đảng, nhà nước đã đầu tư xây dựng công trình trạm bơm Ea Lâm II nhằm cung cấp nước tưới cho cánh đồng thuộc Buôn Bai, xã Ea Lâm với diện tích hơn 70 ha lúa 2 vụ.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Lâm thu hoạch vụ lúa nước đầu tiên bội thu. Ảnh: VT.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Lâm thu hoạch vụ lúa nước đầu tiên bội thu. Ảnh: VT.

Đến năm 2022 tại cánh đồng Ea Lâm II đã san ủi chuyển đổi từ đất trồng cây hằng năm sang đất trồng lúa 2 vụ đã được hơn 24 ha. Nhằm hỗ trợ tạo động lực cho người dân an tâm sản xuất vụ lúa đầu tiên, phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh đã xây dựng mô hình trình diễn sản xuất lúa nước với quy mô hơn 24 ha, có 104 hộ dân tham gia chủ yếu người đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết, hầu hết người dân có ruộng tại đây lần đầu trồng lúa nước. Do đó, để hỗ trợ bà con, phòng NN-PTNT đã tích cực tổ chức tập huấn, thăm quan học tập kinh nghiệm và chuyển giao kỹ thuật thâm canh lúa nước; đồng thời hỗ trợ 70% chi phí giống, phân bón và cử cán bộ kỹ thuật “cầm tay chỉ việc” giúp bà con từ khâu làm đất, xuống giống, bón phân, phòng trừ dịch bệnh và đến khâu thu hoạch, bảo quản.

Đông đảo bà con háo hức trong vụ lúa thu hoạch đầu tiên. Ảnh: KS.

Đông đảo bà con háo hức trong vụ lúa thu hoạch đầu tiên. Ảnh: KS.

Theo phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, các giống lúa như Đài Thơm 8, MT10 và ĐB6, đều là giống cấp xác nhận được triển khai tại mô hình. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, các ruộng lúa đã chín bước vào kỳ thu hoạch, năng suất đạt từ 60-85 tạ/ha (tùy theo từng giống), cao hơn năng suất lúa bình quân trên địa bàn xã Ea Lâm 20 tạ/ha. Từ mô hình này, bà con nông dân cơ bản tiếp thu được kỹ thuật thâm canh lúa, tự tin áp dụng kỹ thuật cho các vụ sản xuất sắp tới.

Không còn lo hạt lúa, hạt gạo

Gia đình ông Ma Phốt, ở buôn Bai, xã Ea Lâm vừa thu hoạch hơn 2 sào lúa trong niềm phấn khởi. “Vui lắm, vui lắm, có lúa đây rất là vui, nhà nước quan tâm đến dân mình, mình cũng rất là mừng”, ông Ma Phốt nói.

Ngày mà ông Ma Phốt được thu hoạch lúa vụ đầu tiên vừa qua rất nhiều người thân, họ hàng không kể xa xôi đã đến chung vui cùng gia đình. Có ruộng lúa, từ nay gia đình Ma Phốt sẽ chủ động sản xuất để có cái ăn.

Vụ đầu tiên làm lúa nước bà con đồng bào thu hoạch năng suất đạt từ 60-85 tạ/ha (tùy theo từng giống). Ảnh: KS.

Vụ đầu tiên làm lúa nước bà con đồng bào thu hoạch năng suất đạt từ 60-85 tạ/ha (tùy theo từng giống). Ảnh: KS.

Tương tự, gia đình ông Ma Văn Đường, ở buôn Bai, xã Ea Lâm cũng vừa thuê máy gặt 4 sào lúa trong vụ đầu tiên được hơn 30 bao. Gia đình ông tỏ vẻ hài lòng và cảm thấy từ nay yên tâm về lương thực. Ông Đường tâm sư: “Đảng, nhà nước quan tâm đến làm ruộng lúa cho đồng bào thì đồng bào rất là phấn khởi. Trước mắt có hạt lúa ăn tại chỗ, không phải lo hạt lúa, hạt gạo như mấy năm trước nữa. Hơn nữa có nhiều rơm như thế này thì mùa mưa năm nay cũng không phải lo lắng nữa rồi, việc chăn nuôi bò thuận lợi nhiều hơn”

Ông Nay Y Lé, Chủ tịch UBND xã Ea Lâm cho biết, Ea Lâm là xã đặc biệt khó khăn, được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, cuộc sống của bà con nơi đây đã có nhiều tiến bộ. Thế nhưng bà con vẫn còn không ít khó khăn, nhất là trong việc sản xuất lương thực, phần lớn các hộ dân phải mua gạo với giá cao vì không có ruộng lúa nước. Từ khi đầu tư có được công trình thủy lợi Trạm bơm Ea Lâm II, bà con rất phấn khởi, nhất là khi vụ lúa đầu tiên đã được thu hoạch bội thu.

Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn cho biết, thời gian tới, huyện định hướng phát triển, khai thác hiệu quả cây lúa nước ở các vùng đặc biệt thiếu diện tích lúa nước nhằm ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi trong tình hình thời tiết khắc nghiệt, thực tế một số cây trồng như mì không thể phát triển được và không đem hiệu quả, cho nên địa phương tập trung chuyển qua lúa nước. Điển hình như ở cánh đồng trạm bơm Ea Lâm II này, bà con rất đồng tình hưởng ứng sản xuất lúa nước.

 Công trình trạm bơm Ea Lâm II được khánh thành năm 2022 đảm bảo cấp nước tưới cho hơn 70ha lúa 2 vụ. Mục tiêu của công trình nhằm đảm bảo lương thực, ổn định đời sống cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số xã Ea Lâm. Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, mặc dù ngân sách địa phương còn khó khăn, nhưng để ổn định lương thực, ổn định đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã đầu tư nhiều công trình, trong đó có trạm bơm Ea Lâm II nhằm giúp bà con ổn định sản xuất.

Xem thêm
Thời của tôm sú?

Theo số liệu của Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA), Trung Quốc, Việt Nam là hai quốc gia sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới, với sản lượng mỗi nước khoảng 150.000 tấn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

‘Con tôm ôm Thụy Hương 308’ cùng phát triển bền vững

Giống lúa lai ba dòng Thụy Hương 308 đem đến năng suất vượt trội, khả năng chống chịu phù hợp với mô hình luân canh lúa - tôm trên những cánh đồng mặn xâm nhập.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.