| Hotline: 0983.970.780

Bà con dân tộc Khmer có thêm nghề mới

Thứ Sáu 16/09/2022 , 13:38 (GMT+7)

TP Cần Thơ có nhiều thôn xóm đồng bào Khmer ở ngoại thành. Ba năm qua, HTX làng nghề Cờ Đỏ như một điển hình tạo việc làm, thêm nhiều hộ dân thoát nghèo.

Chị Sơn Thị Lang cùng làm nghề đan giỏ lục bình của HTX Làng nghề Cờ Đỏ Ảnh Hữu Đức

Chị Sơn Thị Lang cùng làm nghề đan giỏ lục bình của HTX làng nghề Cờ Đỏ. Ảnh: Hữu Đức.

TP Cần Thơ có trên 1,2 triệu dân, trong đó 25 dân tộc thiểu số (DTTS) với trên 31.000 người (chiếm tỷ lệ 2,53%) sinh cư trên địa bàn. Riêng đồng bào dân tộc Khmer chiếm nhiều nhất, với hơn 19.600 người, chiếm 63% trên tổng dân số các DTTS.

Bà con Khmer sinh sống tập trung nhiều ở vùng nông thôn các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Ô Môn. Phần đông người Khmer làm nghề nông, làm thuê và một ít hộ làm dịch vụ hoặc mua bán nhỏ. Hầu hết bà con đồng bào Khmer có truyền thống theo tập quán sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng gắn với 12 chùa Phật giáo Nam Tông Khmer và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước trong thành phố.  

Trong mấy năm gần đây, chính quyền và các đoàn thể huyện Cờ Đỏ thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, tổ chức các chương trình, dự án hỗ trợ giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc nghèo từ các nguồn vốn quốc gia giải quyết việc làm, vốn ngân hàng chính sách xã hội và nguồn vốn được thụ hưởng theo Quyết định 74 (số 74/2008/QĐ-TTg ngày 9/6/2008) của Thủ tướng Chính phủ (về việc hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn)… Chị em phụ nữ tham gia theo học các lớp dạy nghề. Qua đó nhiều hộ đã tìm việc làm, tự lực vươn lên thoát nghèo.

Sau khi học nghề, chị Sơn Thị Lang, hội viên hội phụ nữ ấp Thới Hòa B được Chi hội Phụ nữ thị trấn Cờ Đỏ được giao làm Tổ trưởng Tổ đan thảm lục bình. Chị là người hoạt bát, tháo vát. Cùng đảm nhiệm công tác của hội, cuối năm 2020 khi được UBND huyện chỉ đạo, hỗ trợ HTX làng nghề Cờ Đỏ ra đời, chị nhận thêm nhiệm vụ trong Ban điều hành HTX và cũng là thành viên cùng làm ra sản phẩm như bà con trong HTX.

Ban đầu từ tổ nghề nghiệp với chỉ vài ba hộ vào tổ hợp tác, bà con thành viên HTX  nói nhận thấy việc làm phù hợp, vì sau khi làm xong việc nhà hay làm ruộng vườn thì thời gian nông nhàn nhận khuôn mẫu từ HTX về nhà đan đát.

Hiện nay HTX làng nghề Cờ Đỏ có 38 hộ thành viên, với 67 lao động chính. Tổng vốn điều lệ 300 triệu đồng. HTX chuyên gia công đan giỏ, sọt từ sợi thân lục bình phơi khô. Nguyên liệu dễ tìm. Lục bình vốn có sẵn nhiều trong tự nhiên, trên sông rạch ở nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL.

Nhưng phải mất mấy tháng khó khăn vì trải qua dịch Covid-19, bước ngoặt tạo sự ổn định, duy trì việc làm thường xuyên cho lao động các hộ thành viên chính là sự liên kết hợp tác với doanh nghiệp Kim Hưng cùng trong thành phố. Chị Lang cho biết, sau khi hướng dẫn cách làm, mỗi lao động trong HTX tiếp nhận rất nhanh. Mỗi người có thể làm ra 3 - 4 sản phẩm/ngày, thu nhập bình quân 80.0000 - 100.000 đồng/người/ngày, tính ra trên 2,4 - 3 triệu đồng/người/tháng. Tuy nguồn thu nhập không lớn, nhưng có được việc làm tạo thêm thu nhập ổn định quanh năm.

Anh Lư Thanh Hiền, Bí thư Đảng ủy thị trấn Cờ Đỏ, nhận xét: Ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ có hơn 650 hộ dân, trong đó trên 98% hộ dân là người dân tộc Khmer. Trước đây nhiều chị em phụ nữ dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm. Từ mô hình đan thảm lục bình, nhất là sau khi bà con vào HTX cùng làm, đã biết cách vươn lên thoát nghèo. Đến nay đã có 10 hộ thoát nghèo, đời sống các hộ thành viên trong HTX ổn định. Hơn nữa với sản phẩm mang tính đặc thù từ nguồn nguyên liệu địa phương, nếu nâng cao năng lực quản trị Ban điều hành HTX, tổ chức sản xuất tốt sẽ nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên. Từ  thực tế hoạt động HTX khi hiện có nhiều bà con Khmer mong muốn được vào HTX, nhân rộng mô hình.

Nhiều hộ bà con đồng bào dân tộc Khmer là thành viên HTX làng nghề Cờ Đỏ. Ảnh: Hữu Đức.

Nhiều hộ bà con đồng bào dân tộc Khmer là thành viên HTX làng nghề Cờ Đỏ. Ảnh: Minh Đảm.

Chị Lang nói: Vừa qua Ban Dân tộc TP Cần Thơ giới thiệu HTX làng nghề Cờ Đỏ, gợi mở hướng phát triển thêm một số sản phẩm thủ công như đan đát giỏ xách, sọt hoa, chậu hoa…từ lục bình giúp bà con Khmer có thêm việc làm, tạo thêm thu nhập cho gia đình.

Thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, thông qua các chương trình cho vay tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội, tính đến 31/8/2020, tại TP Cần Thơ tổng số dư nợ cho vay tín dụng trong đồng bào DTTS trên 3.000 hộ, với tổng nguồn vốn trên 66.472 triệu đồng.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Người ‘nắm giữ’ 14 sản phẩm OCOP

Quảng Bình Sau gần 8 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã Tuấn Linh đã sở hữu 14 sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm đạt chuẩn 3 sao trở lên…