Một cây phượng được trồng 24 năm đã bật gốc trong khuôn viên Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TPHCM vào sáng 26/5, làm tử vong một học sinh 12 tuổi và làm bị thương nhiều học sinh khác.
Với tư cách người đứng đầu đơn vị giáo dục gặp sự cố đáng tiếc này, Hiệu trưởng Nguyễn Vạn Phúc đã công khai nhận lỗi: “Trách nhiệm thuộc về tôi!”.
Đó là sự tự trọng đáng khâm phục của một nhà giáo chân chính. Thế nhưng, chuyện cây đổ không phải trách nhiệm cá nhân, mà phải nhìn thấy trách nhiệm cộng đồng.
Trước hết, hãy xác định, cây xanh mang lại bóng mát cho con người và tạo ra vẻ đẹp cảnh quan cho môi trường. Cây xanh càng lâu năm, càng có giá trị. Nhà trường chỉ có khả năng quản lý cây lâu năm, còn muốn chăm sóc và bảo tồn cây lâu năm cần có chuyên môn của cơ quan riêng biệt, mà cụ thể ở đây là Công ty Công viên Cây xanh.
Ngành giáo dục lâu nay vẫn duy trì bộ môn sinh học theo cách giảng dạy lý thuyết khô cứng, mà chưa hề cho giáo viên và học sinh được thực nghiệm ngay trên những cây xanh trong khuôn viên trường.
Thử hỏi, nếu nhà trường thường xuyên kết hợp với ngành chức năng để thầy trò được tìm hiểu về chủng loại, đặc tính cũng như biện pháp tôn tạo từng cây xanh bên khung cửa lớp thì có xảy ra tình trạng đáng tiếc như vừa qua không? Chắc chắn không!
Cây đổ trong trường càng khiến chúng ta nghĩ đến nắng chói ngoài đường. Đừng phân bua và đừng lấp liếm, sự thật là chúng ta đã và đang thờ ơ với cây xanh.
Hiện nay mật độ cây xanh tính trên đầu người ở TPHCM chỉ 2,8 m2, thấp hơn nhiều so với 4m2 ở Hà Nội, và càng không thể so với những đô thị văn minh trên thế giới.
Khi người Pháp đặt chân đến Sài Gòn, một trong những công sở đầu tiên mà họ thành lập là Sở Ươm cây Nam bộ.
Ngoài ra, TPHCM còn được thừa hưởng di sản rừng nhiệt đới ẩm Nam bộ trong quá trình hình thành địa bàn Gia Định, mà minh chứng cụ thể nhất là những hàng cổ thụ còn xót lại khu vực Thảo Cầm Viên và mấy gốc đa hơn 300 tuổi trong Công viên Bách Tùng Diệp.
Thế nhưng, bẽ bàng thay, để phục vụ cho việc xây dựng các khu phức hợp cao cấp suốt một thập niên gần đây, nhiều cổ thụ đã bị đốn hạ không thương tiếc.
Không ít người TP.HCM vẫn còn nhớ hình ảnh ông Ba Đấu - một nhân viên lâu năm của Công ty Công viên Cây xanh đã ôm lấy gốc giáng hương 250 tuổi trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm - quận 1 mà khóc thảm thiết, khi “cấp trên” quyết định chặt bỏ nó để lấy đất sạch xây dựng công trình.
Những giọt nước mắt trân trọng cây xanh ấy, không thể làm dịu bớt sự tham lam của những nhà đầu tư ích kỷ, nhưng lẽ nào cũng không thể lay động ý thức bảo vệ cây xanh của những người có quyền phê duyệt dự án?
Ứng xử với cây xanh, cũng là thước đo văn hóa của con người hiện đại. Cây đổ bất ngờ trong trường vì sự vô tâm của chúng ta, mà cây đổ có chủ đích ngoài đường cũng vì sự vô tâm của chúng ta.