Chủ nhân cây linh chi cổ khổng lồ là anh Phạm Tiến Lâm, trú tại tổ 1, thị trấn Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Anh vốn là người thích sưu tầm gỗ lũa, chơi các loại tượng gỗ do bà con người Mông, Thái tìm kiếm trên núi rừng Mù Cang Chải. Vì thế, trong ngôi nhà gỗ của anh bày đủ các loại tượng gỗ được chế tác từ các gốc cây pơ mu, gù hương, dổi…
Tuổi đời của những cây gỗ để tạo ra các pho tượng không thể tính nổi, có cây trên 100 năm, có cây 1.000 năm. Bởi tất cả được đào trong lớp đất sâu trên rừng xanh núi đỏ, có nhiều cây tưởng như sắp hóa thạch đến nơi.
Trong vô vàn tượng gỗ của gia đình anh, tôi chú ý tới cây linh chi cổ khổng lồ, chiều rộng 70cm, cao 59cm, chỗ dày nhất 27 cm, nặng 18 kg. Anh kể rằng: Năm 2017 khi đang lên đèo Khau Phạ (có nghĩa là Cổng Trời) gặp một người Mông gùi cây nấm từ trên rừng xuống, nhìn như gốc củi đang mủn nát. Phủi lớp mùn đất thì lộ ra là cây linh chi khổng lồ mà lần đầu tiên anh nhìn thấy. Cây có màu nâu đen, hình dáng như chiếc quạt giấy nặng như một khối đá.
Ông người Mông đó kể: Mình thấy cục gỗ này dưới gốc cây to mấy người ôm trên núi kia. Cây cũng đã mục nát gần hết rồi, mình bới chỗ gốc cây xem có làm được gì không thì thấy cục gỗ này nằm trong lớp đất mục, trông lạ mắt thì bỏ vào gùi mang về chơi thôi…
Khi anh hỏi mua cục gỗ đó, ông người Mông bảo: Tao đi rừng hơn 5 ngày nay rồi, đang thiếu tiền mua gạo cho vợ con. Nếu mày thích nó thì tao bán cho, mày cho bao nhiêu tiền cũng được mà…
Anh Phạm Tiến Lâm cho hay: Cho đến bây giờ tôi không biết tên ông người Mông đó, chỉ biết ông ta ở xã Cao Phạ, nơi ông ta tìm thấy cây linh chi cổ gần nương thảo quả của gia đình ông. Tôi trả ông 1,5 triệu đồng ông bán ngay…
Khi biết anh sưu tầm được cây linh chi khổng lồ, một số người trong giới chơi gỗ lũa và linh chi cổ đã đến nhà anh để tận mắt nhìn thấy cây linh chi đó, họ đếm được 65 vòng, mỗi vòng ứng với 1 năm sinh trưởng của cây linh chi. Tuy nhiên, tuổi đời của cây linh chi có thể hơn như thế, vì nhiều vòng rất mỏng, dày hơn một tờ giấy lẩn vào các vòng gỗ khác.
Vốn là kỹ sư nông nghiệp, anh Lâm bảo: Nhìn vào các vòng của cây linh chi này có thể đoán biết thời tiết của năm đó. Trên Mù Cang Chải, nhiều năm khô hạn, cây linh chi phát triển chậm, còn năm nào mưa thuận gió hòa, khí trời ẩm ướt thì cây phát triển mạnh, vòng đời của cây dày và to hơn. Có thể ví cây linh chi cổ này là sự hóa thạch thời gian, hàn thử biểu của khí hậu vùng núi cao nơi đây.
Theo tiết lộ của anh, một số du khách Trung Quốc và trong nước đã trả giá cây linh chi cổ 65 triệu, mỗi vòng 1 triệu, nhưng anh không bán. "Cho đến bây giờ tôi cũng chưa biết giống linh chi này là giống gì, giá trị của nó như thế nào. Nên để lại chơi thôi", anh Lâm chia sẻ.