| Hotline: 0983.970.780

Nơi dùng sâm để... giao dịch

Thứ Bảy 18/05/2019 , 13:15 (GMT+7)

Những ngôi nhà tiền tỷ được người dân Xê Đăng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) xây dựng lưng chừng ngọn núi. Số tiền này do bà con kiếm từ việc trồng loại sâm quý nhất của thế giới trên đỉnh núi Ngọc Linh.

Đổi sâm lấy nhà

Đầu tháng 5/2019, con đường đất được chính quyền huyện Nam Trà My mở từ trung tâm xã Trà Linh lên các ngôi làng người dân tộc Xê Đăng sinh sống.

09-27-07_nh_1
Làng tỷ phú Tắk Lang ẩn mình trên đỉnh núi Trà Linh.

Theo con đường đất vừa mới mở, chúng tôi đến nóc Tắk Lang, thôn 3 hiện ra hàng chục ngôi cao tầng vừa mới xây dựng. Màu sơn còn sáng bóng, từng rào, cửa ngõ khang trang. Trong quần thể nhà tầng dày đặc thì ấn tượng nhất phải kể đến công trình xây dựng ông Hồ Văn Hình, bởi nó hoành tráng nhất vùng.

Ban đầu ông Hình bỏ ra 2,4 tỷ đồng làm một bờ kè chống sạt lở cao hơn 5 m, dài hơn 100 m xây bằng đá. Khi kè hoàn thành, chủ nhà thuê máy móc san ủi để có mặt bằng rộng gần 1000 m2 để xây dựng nhà cửa.

Phía ngoài ngõ, ông Hình cho xây dựng một nhà để ôtô rộng hơn 50 m2 làm nơi cất giữ một chiếc xe ôtô bảy chỗ và một xe ba bánh. Tiếp đến một nhà để xe máy sức chứa khoảng 30 chiếc - nơi đây để xe của gia đình và người dân trong nóc.

Đi qua hai công trình này có một con suối nhỏ, ông Hình đổ mương bê tông và làm cầu kết nối hai điểm. Tại khu đất này là căn nhà cấp bốn chứa máy xay xát gạo; đến nhà kho, bếp nấu ăn và cạnh bên ngôi nhà hai tầng rộng hơn 100 mét vuông.

Chưa dừng lại đó, một căn nhà cấp bốn xây dựng theo kiểu biệt thự được lắp điều hòa các phòng. Mặt tiền hai công nổi trội này được ốp gạch hoa sáng bóng, bờ rào phía trước làm sắt sơn rất đẹp mắt.

“Số tiền bỏ ra xây dựng toàn bộ dãy nhà hết trên 10 tỷ đồng, đây là tài sản từ việc trồng sâm Ngọc Linh mà ra”, ông Hình nói và cho hay quá trình xây dựng ông đem hơn một tạ sâm loại trên 10 tuổi để đổi lấy tài sản. Sau khi nhà được hoàn thành, ông đem 10 kg đổi một xe tô con.

Gia đình ông Hình trồng vài hecta sâm Ngọc Linh trên đỉnh núi. Ngoài người nhà, ông thuê gần chục người chăm sóc và bảo vệ vườn sâm. “Mỗi khi mình cần cái gì thì lên núi nhổ sâm có tuổi đời lớn nhất đưa xuống đổi. Vì sâm trồng nhiều năm thì bán có giá hơn sâm ít năm”, ông Hình tâm sự và cho hay việc đem sâm đổi lấy tài sản là tập quán của người dân Xê Đăng, chỉ những trường hợp cần thiết cần tiền mặt mới đem bán.

Tôi hỏi ông Hình, vì sao số tiền xây dựng lại nhiều đến vậy? Ông hạch toán trước đây chưa có đường đi lên nóc nên giá cả rất đắt đỏ. Từ trung tâm xã phải đi bộ vượt núi mới đến nơi, do đó cái gì cũng phải thuê người mang vác.

09-27-07_nh_2
Quần thể kiến trúc của ông Hồ Văn Hình được xây dựng trên 10 tỷ đồng.

Một bao xi măng ở xã bán 100.000 đồng nhưng cõng lên đến làng hết 3 giờ, tiền công 500.000 đồng mỗi bao. Cát, sỏi, đá tính theo cân nặng với mức giá 1 kg mất 10.000 đồng vận chuyển.

“Việc xây dựng ở đây khi chưa có đường đắt gấp ba lần so với trung tâm xã, do vậy công trình bị đội lên rất cao”, ông nói và bày tỏ sau Tết Nguyên đán 2019 đường được mở nên xây dựng rẻ hơn và hàng chục gia đình bắt đầu xây dựng nhà cao tầng.

Cách nóc Tắk Lang gần 1 km, ông Hồ Văn Díu, nóc Hi Ló, ở thôn 3, xã Trà Linh nằm cạnh con đường đang mở. Ông có mặt từ sớm để giám sát nhóm thợ dựng căn nhà gỗ ba gian, hai chái rộng gần 100 mét vuông.

Ông Díu cho biết khi bộ khung gỗ được dựng lên lớp mái, bốn phía được xây bằng bê tông cốt thép, nền nhà sẽ lát gạch hoa, trần bằng gỗ. Công trình phụ như nhà tắm được lắp đặt nóng lạnh và hệ thống vòi hoa sen; nhà vệ sinh xây bể chứa tự hoại. “Trị giá ngôi nhà hết 700 triệu đồng, đây là căn nhà thứ ba tôi làm cho con trai”, ông Díu bộc bạch.

Những năm 1997, ông Díu làm nhân viên Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam. Sau nhiều năm làm việc tại đây, ông học cách trồng sâm rồi áp dụng triển khai. Gia đình ông có năm người con trai đều lên núi ở độ cao hơn 2000 m dựng nhà ở và hàng trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng nguyên sinh.

Năm 2017, đường sá trên dãy núi Ngọc Linh được mở lên làng nên năm 2018 ông dựng nhà bên đường để thuận lợi việc đi lại. Ban đầu, ông làm căn nhà gỗ cho hai vợ chồng hết gần một tỷ đồng; tiếp đến làm một tương tự con nhà con trai đầu cách nhà ông gần 100 m, hơn 700 triệu đồng.

“Hai căn nhà đã hoàn thành vào ở, giờ làm tiếp cho con trai thứ hai. Khi nhà này hoàn thành sẽ tiếp tục làm cho mỗi người còn một ngôi nhà tương tự. Mặt bằng đã thuê máy san ủi, sau đó gọi thợ đến thi công”, ông Díu tiết lộ.

Phương thức làm nhà của ông Díu được thực hiện theo hợp đồng miệng với chủ thầu xây dựng. Gia chủ đưa ra quy mô ngôi nhà và hai bên thống nhất khi bàn giao công trình, chủ nhà trả bằng sâm Ngọc Linh.

09-27-07_nh_3
Căn nhà gỗ được ông Hồ Văn Díu xây nhà cho con trai từ 5 kg sâm Ngọc Linh có tuổi đời trên 10 năm.

Mỗi căn nhà ông Díu rộng gần 100 mét vuông, hết 700 triệu đồng, sau khi hoàn thành, ông sẽ trả lại 5 kg sâm. Cách tính được áp dụng sâm Ngọc Linh loại 1 với 10 củ nặng 1 kg giá 120-150 triệu đồng.

Năm căn nhà của ông Díu đều được đổi bằng sâm, khi công trình hoàn thành, ông lên núi nhổ sâm đưa cho chủ thầu xây dựng.

“Tôi đã đặt cọc mua xe ôtô con ở Đà Nẵng hơn 1 tỷ đồng, đang chờ họ giao cho mình”, ông Díu nói và cho rằng chiếc xe hết 10 kg sâm.
 

Mua ô tô tiền tỷ

Ông Hồ Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho biết, người dân nơi đây không trao đổi bằng tiền mặt, họ dùng sâm để giao dịch.

“Đây là một thoái quen từ lâu đời của người dân. Từ nhà cửa, đến vật dụng trong nhà đều được người dân quy đổi bằng sâm để sở hữu”, ông Thể cho biết.

Theo ông Thể, sắp tới đường bê tông được mở đến các làng thì sẽ có nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên, xe ôtô được nhiều người dân mua để đi lại. Việc nói nóc Tắk Lang gọi "làng tỷ phú" quả không sai, vì trong làng có trên 20 nhà cao tầng được dựng, mỗi nhà trên 1 tỷ đồng.

Ngoài việc xây nhà to, người dân ở xã Trà Linh còn còn đâu tư mua ô tô tiền tỷ. “Hiện có gần 10 người đã mua ô tô con, nhiều người đang đi học bằng lái để về sắm cho một mình chiếc xe”, ông Thể thông tin.

09-27-07_nh_4
Người dân xã Trà Linh đi lại bằng ô tô về nhà.

Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Trà My, tính đến cuối năm 2018, bà con Xê Đăng ở xã Trà Linh đã gửi tiết kiệm gần 200 tỷ đồng, có người gửi hơn năm tỷ đồng vào đây.

Tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng ra 7 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với 30.000 hecta, đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Đầu tháng 6/2017, sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) trở thành sản phẩm quốc gia.

Tại huyện này trồng 1.300 ha sâm Ngọc Linh; ngoài ra hơn 1.500 hộ dân thuộc bảy xã đang đăng ký trồng 2.500 ha, bảy doanh nghiệp đăng ký trồng gần 300 ha. Hiện giá bán loại rẻ nhất 60-70 triệu đồng một kg, loại cao nhất vài trăm triệu đồng một kg.

(Kiến thức gia đình số 20)

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.