![z6303257966919_3d60c23e0e065d7a616645905a909832-095705_541.jpg Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) và Tổ chức Kỷ lục người Việt toàn cầu đã xác nhận anh Trần Thanh Phong sở hữu cây me cổ thụ có ba nhánh lớn nhất. Ảnh: Hồ Thảo.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/z6303257966919_3d60c23e0e065d7a616645905a909832-095705_541-174718.jpg)
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) và Tổ chức Kỷ lục người Việt toàn cầu đã xác nhận anh Trần Thanh Phong sở hữu cây me cổ thụ có ba nhánh lớn nhất. Ảnh: Hồ Thảo.
Cây me keo cổ hơn 200 năm tuổi
Anh Phong cho biết, do làm công việc kinh doanh vật liệu xây dựng nên thường xuyên đi nhiều nơi. Khoảng 7 năm trước, trong một lần đi làm anh được người dân giới thiệu một cây me keo cổ hơn 200 năm tuổi nằm trong khu vườn của đồng bào Khmer ở ấp Đầu Giồng A, xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
Ngay khi nhìn thấy, anh bị cuốn hút bởi vẻ hùng vĩ của cây cổ thụ này và sau nhiều lần thương lượng, anh mới thuyết phục được người chủ chịu bán cây me.
Ban đầu có người cho rằng cây me chỉ là một thân gỗ sần sùi, không quá nổi bật. Tuy nhiên, sau khi đưa lên chậu và được anh dành nhiều năm dày công chăm sóc, đến nay bất cứ ai tận mắt chiêm ngưỡng nó cũng phải trầm trồ.
Cây me có kích thước khổng lồ với hoành gốc 425cm. Cây được đặt trong chậu có chiều ngang 3m, dài 7,5m, chiều cao từ đáy chậu đến ngọn 3m, tán rộng 3,5m, tổng trọng lượng bao gồm cả chậu lên đến 21 tấn.
Theo anh Phong, những cây me cổ có kích thước lớn không hiếm, nhưng để sở hữu hình dáng độc đáo như cây này thì rất khó tìm.
Thứ nhất, từ gốc chính, thân cây đổ nghiêng sang một bên, tạo thành một gốc nhỏ, rồi từ đó mọc thêm một nhánh khiến nhiều người liên tưởng đến hình dáng của một con vật. Có người thấy giống rồng, có người lại nghĩ đến khủng long. "Tôi cho rằng ban đầu cây mọc thẳng, nhưng sau đó bị gió bão quật ngã và thiên nhiên đã tạo nên hình dáng độc lạ này", anh Phong nhận định.
Thứ hai, trên thân cây chi chít những u nần, bởi khi cây phát triển đến độ cao tối đa và không còn không gian để vươn lên, nó bắt đầu hình thành những phần u này. Đặc biệt, cây chỉ mọc ra ba nhánh lớn tạo nên dáng vẻ bề thế, hiếm có cây nào sánh bằng.
![z6303259357780_09662cf54dad0f30ff4897bd425600ca-100027_587.jpg Cây me hiện được trưng trong chậu trước nhà của anh Phong. Ảnh: Hồ Thảo.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/z6303259357780_09662cf54dad0f30ff4897bd425600ca-100027_587-174718.jpg)
Cây me hiện được trưng trong chậu trước nhà của anh Phong. Ảnh: Hồ Thảo.
Chủ nhân cây me cổ cho biết thêm, đây là giống me keo, khi chín vỏ trái có màu hồng, phần cơm trắng, bên trong có vị béo ngọt. Loài cây này rất dễ sống, không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc. Tuy nhiên vì có giá trị cao, anh vẫn chú trọng bón phân, chăm sóc kỹ lưỡng để cây phát triển tốt nhất, đồng thời giữ nguyên dáng tự nhiên. Những vết nứt trên thân anh mời nghệ nhân chỉnh sửa đôi chút, nhưng tổng thể cây vẫn giữ nguyên hình dáng ban đầu.
“Cây me này xanh tốt quanh năm, tượng trưng cho sự thịnh vượng và mang ý nghĩa phong thủy tốt nên người sở hữu nó thường làm ăn khấm khá, sự nghiệp hanh thông, thăng tiến. Cùng với kích thước lớn và hình dáng độc lạ, hiếm có cây nào sánh bằng”, anh Phong thổ lộ.
Xác lập kỷ lục toàn cầu
Hiện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) và Tổ chức Kỷ lục người Việt toàn cầu (VietWorld) đã chính thức xác lập kỷ lục cho cây me keo cổ thụ của anh Trần Thanh Phong với danh hiệu “Nhất đại tam phát” – Cây me cổ thụ có ba nhánh lớn nhất.
"Việc xác lập Kỷ lục Việt Nam và Kỷ lục người Việt toàn cầu là động lực lớn để tôi tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo, tìm ra các giống cây kiểng mới và phát triển phong cách nghệ thuật bonsai. Qua đó, góp phần đưa nghệ thuật bonsai Trà Vinh nói riêng và Việt Nam nói chung ngày càng phong phú, vươn xa hơn trong tương lai", anh Phong bộc bạch.
![z6303260282320_8efd398f9a8a43e0e86446e00fa1b21b-100211_176.jpg Cây me độc lạ, hiếm có. Ảnh: Hồ Thảo.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/z6303260282320_8efd398f9a8a43e0e86446e00fa1b21b-100211_176-174719.jpg)
Cây me độc lạ, hiếm có. Ảnh: Hồ Thảo.
“Nhất đại tam phát” là cụm từ mang ý nghĩa phong thủy, thường được sử dụng trong nghệ thuật bonsai để chỉ những cây có ba nhánh lớn, tượng trưng cho sự phát đạt, thịnh vượng và vững bền. Trong trường hợp cây me keo cổ thụ của anh Trần Thanh Phong, đạt danh hiệu này có ý nghĩa là cây me có ba nhánh lớn, độc lạ và hiếm có.