Sau vụ cây phượng đột ngột bật gốc làm thiệt mạng một học sinh tại Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP.HCM, thì hàng loạt cây phượng lập tức bị đốn hạ không thương tiếc.
Không có chỉ thị từ các cấp quản lý giáo dục, cũng như không có ý kiến từ cơ quan chuyên môn, nhưng việc chặt bỏ cây phượng trở thành một phong trào không chỉ riêng ở đô thị lớn nhất phương Nam.
Thậm chí, ở Gia Lai còn có câu chuyện đáng buồn cười hơn là trường học phong tỏa khu vực xung quanh cây phượng, như một mối họa buộc phải tránh xa và quyết phải loại trừ.
Dù không cần lãng mạn đến mức nâng giá trị cây phượng lên mức biểu tượng kỷ niệm tuổi học trò, nhưng cũng cần nghiêm túc đặt câu hỏi: Cây phượng có tội tình gì không?
Cây phượng từng được ca ngợi trong thi ca và âm nhạc về khả năng trang điểm cho cuộc sống “dưới màu hoa như lửa cháy khát khao, anh nắm tay em bước dọc con đường vắng” hoặc “những chiếc giỏ hoa chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu”, thì tại sao bây giờ lại tồn tại chẳng khá gì hung thủ gây ác?
Thật khách quan và thật chân thành để minh định, cây phượng đã bật gốc ở TP.HCM là do thiếu sự quan tâm chăm sóc hợp lý của con người.
Bởi lẽ, nước ta từ lâu đã ban hành tiêu chuẩn quốc gia về cây xanh, như Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8270:2009 về “Quy hoạch cây xanh sử dụng hạn chế và chuyên dụng trong đô thị”, hoặc Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 về “Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị”.
Trong các tiêu chuẩn quốc gia ấy, tính chất cây xanh khuôn viên học đường là cây cao to, tán rộng, cho bóng râm tốt, gây ấn tượng mạnh. Như vậy, cây phượng đích thực là loại cây xanh được khuyến khích trồng trong sân trường.
Cây phượng có ưu điểm ưa ánh sáng, phát triển nhanh, không kén đất. Ngược lại, cây phượng cũng có nhược điểm tuổi thọ thấp. Những đặc tính sinh học ấy hầu như không được các cơ sở giáo dục chú ý, dù mỗi năm các cuộc thi học sinh giỏi bộ môn Sinh học vẫn được tổ chức rất hào hứng.
Ngoài ra, hầu hết các sân trường đều đổ bê tông đến gần sát gốc cây phượng, khiến toàn bộ phần rễ nằm dưới lớp xi măng dày 15 - 20cm bị yếm khí, không thể hấp thu dinh dưỡng nên suy kiệt dần.
Nếu cây phượng thường xuyên được theo dõi để có biện pháp chằng chống, cắt tỉa cành tán và khống chế chiều cao, thì không thể nào có sự cố bật gốc ê chề.
Thế nhưng, thay vì phối hợp với các chuyên gia cây xanh để bảo quản cây phượng, thì nhiều trường học đã thi nhau xóa sổ cây phượng trong sân trường. E ngại tốn kém kinh phí chăng? Đó chỉ là một nguyên nhân thứ yếu, còn nguyên nhân cốt lõi là lo sợ phải gánh chịu rắc rối khi xảy ra sự cố ngoài tiên liệu.
Sân trường không còn cây phượng, học sinh không còn bóng mát những ngày đến lớp và cũng không còn ký ức đẹp đẽ khi bước chân vào đời.
Đồng loạt khai tử cây phượng trong sân trường, phải chăng những nhà giáo hôm nay muốn dạy dỗ học sinh về thói khôn ranh trốn tránh trách nhiệm và đối xử lạnh lùng với môi trường thiên nhiên?