“Tôi thấy họ quan tâm chất lượng sản phẩm của chúng ta thế nào, chứ chưa nói đến giá cả. Bắc Kinh là thị trường cao cấp, họ không lăn tăn chuyện chi tiền mua đồ chất lượng”, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Tập đoàn Chánh Thu, cho biết.
Theo bà Vy, những hoạt động như Lễ hội trái cây Việt Nam là điều rất tốt cho việc quảng bá nông sản Việt. Điều này cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam tự tin hơn để tiếp cận thị trường Bắc Kinh và rộng hơn là thị trường Trung Quốc.
Không chỉ là 12 loại trái cây đã được xuất khẩu chính thức, Lễ hội trái cây Việt Nam cũng là bước đệm cho nông dân và doanh nghiệp nước ta. Đây là nhận định chung của nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc khi tới Lễ hội.
“Trước giờ một số doanh nghiệp hay nông dân cứ nghĩ đến giá cả đầu tiên. Tôi vẫn muốn nhấn mạnh Trung Quốc là thị trường khó tính. Bắc Kinh là thị trường cao cấp trong đó. Cái chúng ta cần làm, là mang đến sản phẩm chất lượng. Tôi không sợ không bán được hàng, chỉ sợ hàng kém chất lượng”, bà Vy nói.
Đối với các doanh nghiệp lớn, các siêu thị lớn, mà sản phẩm của Chánh Thu đang chiếm thị phần đáng kể hàng năm, bà Vy cho biết câu hỏi được nghe nhiều nhất là: “Đối tác Việt Nam có vùng nguyên liệu không, hay chỉ thu mua rồi mang sang bán”.
Điều này cho thấy không chỉ châu Âu hay Mỹ quan tâm tới chuỗi liên kết bền vững hay truy xuất nguồn gốc, mà Trung Quốc cũng cực kỳ khắt khe và coi trọng.
Nhiều năm “chinh chiến” ở thị trường hơn 1,4 tỷ dân, bà Vy nói kinh nghiệm cho thấy đối tác nước bạn cực kỳ kỹ tính, tỉ mỉ, cẩn trọng để tìm tới doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng cùng nhau xây dựng thương hiệu, chiếm lĩnh kệ hàng ở các siêu thị lớn.
“Tôi nghĩ hôm nay là dịp để chúng ta lắng nghe thị trường, góp nhặt thông tin, để xem doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá sản phẩm chúng ta như thế nào. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ là cầu nối, góp phần truyền thông đến nông dân để hướng tới chuỗi liên kết bền vững, chất lượng cao”.
Theo đại diện doanh nghiệp sầu riêng lớn nhất nhì Việt Nam, ưu điểm của nông sản Việt là “có quanh năm”, trong khi các nước khác không được thiên nhiên ưu đãi như vậy.
“Tôi đã lắng nghe nhiều ý kiến của người dân Trung Quốc, và của cả người Việt Nam ở Trung Quốc. Họ đều nói chất lượng trái cây của chúng ta không đồng đều. Trong khi đó, Thái Lan cho ra sản phẩm với chất lượng đều hơn hẳn. Điều này có nghĩa là một số doanh nghiệp ở Việt Nam đang làm ảnh hưởng tới uy tín của toàn ngành hàng”, bà Vy nói.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Chánh Thu cho rằng để tạo dựng vị thế nông sản Việt, cần sự đoàn kết bền vững giữa các các doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã. “Đây không phải là chuyện thương hiệu của một doanh nghiệp, mà chúng ta cần nghĩ đến thương hiệu quốc gia. Ví dụ như làm sao để người tiêu dùng Trung Quốc biết đến sầu riêng Việt Nam, sánh ngang với sầu riêng Thái Lan, Malaysia. Chúng ta làm chuẩn chỉ, thì chắc chắn sẽ vươn tới tầm cao mới. Thương hiệu quốc gia là mục tiêu cao nhất”.