| Hotline: 0983.970.780

Hơn 100.000 người vào viếng cha đẻ lúa lai Viên Long Bình

Thứ Hai 24/05/2021 , 12:20 (GMT+7)

Người dân Trung Quốc và nhiều quốc gia bày tỏ sự thương tiếc về sự ra đi của nhà nông học vĩ đại Viên Long Bình, giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi nạn đói.

Chủ tịch danh dự của Tổ chức Giải thưởng Lương thực Thế giới, Kenneth M. Quinn, người bạn của ông Viên hơn hai thập kỷ, cho biết: “Với sự ra đi của giáo sư Viên Long Bình, Trung Quốc và thế giới đã mất đi một trong những nhà khoa học nông nghiệp vĩ đại nhất trên hành tinh của chúng ta, và tôi đã mất đi một người bạn tuyệt vời. Tôi nghĩ, 100 năm nữa, mọi người vẫn sẽ nói về ông ấy ở Trung Quốc và phần còn lại của thế giới bởi di sản của ông ấy sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng cho các thế hệ trong tương lai, ở Trung Quốc và trên toàn thế giới’.

Người dân mua vé máy bay đến viếng

Bất chấp trời mưa, khoảng hơn 100 ngàn người dân Trung Quốc đã đến Nhà tang lễ ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc để tiễn biệt cha đẻ lúa lai Viên Long Bình. Dòng người xếp hàng dài đeo khẩu trang ôm hoa tươi và nhiều người ôm những bó lúa hoặc nắm hạt gạo đặt ở hành lang của nhà tang lễ để tri ân người quá cố.

Hơn 100 ngàn người dân Trung Quốc đã đến Nhà tang lễ ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc để tiễn biệt cha đẻ lúa lai Viên Long Bình. Ảnh: Xinhua

Hơn 100 ngàn người dân Trung Quốc đã đến Nhà tang lễ ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc để tiễn biệt cha đẻ lúa lai Viên Long Bình. Ảnh: Xinhua

Hàng trăm sinh viên ở Đại học Tây Nam (Trùng Khánh) hôm Chủ nhật dâng hoa trước bức tượng của ông Viên Long Bình tại khuôn viên nhà trường- nơi ông Viên nộp đơn theo học và dành cả sự nghiệp nghiên cứu lúa lai, giúp hàng chục triệu người dân Trung Quốc thoát khỏi nạn đói.

Một người đàn ông trung niên họ Cao bay từ Thâm Quyến đến Trường Sa, nói với Global Times rằng anh được cha mình giao nhiệm vụ đến đây để bày tỏ lòng biết ơn đối với ông Viên. Cha của người đàn ông này đến từ tỉnh Tứ Xuyên chính là người phải chịu nạn đói trong thời thơ ấu kể: "Chú tôi đã chết vì đói ... và bố tôi nói nhờ ông Viên mà không còn đói nữa".

Một người phụ nữ 76 tuổi không nói tên thì đưa con trai và hai cháu trai đến nhà tang lễ để được nhìn mặt ông Viên Long Bình lần cuối chia sẻ: “Để cho bọn trẻ thấy một anh hùng thực sự trông như thế nào và hy vọng chúng lớn lên sẽ trở thành một người như ông Viên”

Li Xiang, 32 tuổi, chuyên gia phân tích các vấn đề xã hội tại Bắc Kinh, nói rằng lý do cốt lõi khiến giới trẻ trong nước cũng bị động lòng sau sự ra đi của nhà nông học họ Viên là: "Những thế hệ sinh ra trong những năm 1980, 1990 và 2000 là họ chưa bao giờ thực sự trải qua nạn đói. Họ không biết cuộc sống thiếu lương thực là như thế nào, nhưng họ đã học được ở trường học và từ cha mẹ hoặc ông bà của họ rằng nạn đói luôn là một trong những thách thức chết chóc nhất đối với Trung Quốc trong suốt chiều dài lịch sử của nó. Nó có thể giết chết hàng triệu người và gây ra thảm kịch lớn".

Một nhân cách lớn

Thay mặt Chủ tịch Tập Cận Bình, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nam Đỗ Gia Hào đã đến chia buồn với gia quyến và thân tộc họ Viên vào chiều tối Chủ nhật, đồng thời chuyển lời chia buồn sâu sắc của Chủ tịch về sự mất mát.

Sinh viên dâng hoa trước bức tượng của ông Viên trong khuôn viên Đại học Tây Nam ở Trùng Khánh. Ảnh: cnsphoto

Sinh viên dâng hoa trước bức tượng của ông Viên trong khuôn viên Đại học Tây Nam ở Trùng Khánh. Ảnh: cnsphoto

Báo chí Trung Quốc dẫn lời ông Tập, đánh giá cao những đóng góp của ông Viên Long Bình đối với an ninh lương thực, đổi mới khoa học và công nghệ nông nghiệp của Trung Quốc, cũng như phát triển lương thực toàn cầu. Nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi các đảng viên và những người làm công tác khoa học và công nghệ học hãy học hỏi từ ông Viên và nhấn mạnh rằng “cách tốt nhất để tưởng nhớ nhà khoa học là học hỏi từ ông”.

Barbara Stinson, cựu chủ tịch Tổ chức Giải thưởng Lương thực Thế giới có trụ sở tại Mỹ, đã trao giải thưởng uy tín Thế giới năm 2004 cho ông Viên, cho biết sự hào phóng của ông và các nhà nghiên cứu khác trong việc đưa những đột phá của họ đến với thế giới là không gì có thể đong đếm được.

Liên Hợp Quốc cho biết trong một bài đăng trên tài khoản Sina Weibo của tổ chức này, cho rằng ông Viên Long Bình đã có những đóng góp xuất sắc trong việc thúc đẩy an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế của người dân.

Một người con dâu của ông Viên, nói với Tân Hoa Xã rằng, cha chồng không để lại lời trăn trối nào trong những ngày cuối đời, nhưng hễ mỗi khi nói được ông vẫn nhắc đến lúa lai và mong các học trò của mình sẽ phát triển tốt và phát huy được năng suất mùa vụ.

Còn đội ngũ y bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho cha đẻ lúa lai cho biết: “Trong những ngày đầu tiên nằm viện, ngày nào ông cũng hỏi họ về thời tiết và nhiệt độ. Một ngày nọ, một y tá nói với ông rằng nhiệt độ ngoài trời đang là 28°C thì nhà nông học có vẻ buồn bã và lo lắng bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến độ chín của vụ lúa lai”.

Sinh năm 1930 tại thủ đô Bắc Kinh và lớn lên trong thời đại chiến tranh và đói kém, ông Viên đã chứng kiến sự tuyệt vọng của những người dân rời quê hương và mất đi mảnh đất mà họ sinh sống.

Tháp chọc trời ở thành phố Thiên Tân cùng với nhiều công trình công cộng trên khắp Trung Quốc in hình tưởng nhớ nhà nông học nổi tiếng. Ảnh: Global Times

Tháp chọc trời ở thành phố Thiên Tân cùng với nhiều công trình công cộng trên khắp Trung Quốc in hình tưởng nhớ nhà nông học nổi tiếng. Ảnh: Global Times

Khi nộp đơn vào đại học, ông đã quyết định theo ngành nông nghiệp, mặc dù mẹ ông cho rằng nghề này sẽ rất vất vả. Trong một bài báo đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo vào năm 2019, nhà nông học viết: "Tôi thích nông nghiệp và nhất quyết theo đuổi nghiên cứu nó. Lúc đó, tôi nói chuyện với bố mẹ rằng có đủ thức ăn là ưu tiên hàng đầu của mọi người và người dân không thể sống nếu thiếu đói. Và cuối cùng, cha mẹ tôi đã bị thuyết phục".

Sau khi tốt nghiệp, ông Viên được chỉ định giảng dạy tại một trường nông nghiệp ở một thị trấn hẻo lánh ở tỉnh Hồ Nam. Tuy nhiên, một vài năm sau đó, từ 1959-1961, quốc gia đông dân sô nhất thế giới đã trải qua nạn khủng hoảng thiếu lương thực trầm trọng nhất.

"Điều đó khiến tôi bắt đầu nghĩ rằng sự phát triển của đất nước phụ thuộc rất nhiều vào an ninh lương thực và tôi cần phải làm việc để người Trung Quốc có đủ lương thực", ông viết.

Và kết quả nghiên cứu của ông Viên đã được ứng dụng trên khắp đất nước từ giữa những năm 1970, và đã làm tăng sản lượng lúa gạo trong nước lên rất nhiều.

Trong một bộ phim về nhà nông học vĩ đại Viên Long Bình công chiếu năm 2009, khi trò chuyện với một phóng viên nước ngoài nói về ước mơ của mình, ông Viên kể: "Mấy năm trước, tôi có một giấc mơ thấy cây lúa lai của mình cao bằng cây cao lương, bông to bằng cái chổi và hạt to như hạt lạc. Tôi rất hạnh phúc khi nằm nghỉ dưới những bông lúa cùng với trợ lý của tôi. Chừng nào còn sống, tôi sẽ không ngừng theo đuổi và mơ về siêu lúa lai”, ông Viên nói bằng tiếng Anh.

Thế giới hưởng lợi từ thành quả của ông Viên

Nghiên cứu- phát triển lúa lai tăng năng suất giúp loài người có đủ lương thực là một trong những mục tiêu theo đuổi suốt đời của nhà nông học Viên Long Bình. Để hiện thực hóa tham vọng này, ông đã cam kết quảng bá lúa lai ra quốc tế trong suốt một thời gian dài.

Thế giới đã mất đi một trong những nhà khoa học nông nghiệp vĩ đại nhất- giáo sư- viện sĩ Viên Long Bình. Ảnh: Xinhua 

Thế giới đã mất đi một trong những nhà khoa học nông nghiệp vĩ đại nhất- giáo sư- viện sĩ Viên Long Bình. Ảnh: Xinhua 

Đến nay, các giống lúa lai do ông nghiên cứu, chọn tạo đã được trồng trên diện rộng ở Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Mỹ, Brazil, Madagascar và nhiều nước khác.

Theo báo cáo của công ty tư vấn Future Market Insights, hạt giống lúa lai đang được gieo trồng trên 4,5 triệu ha đất ở các nước sản xuất lúa gạo châu Á, không kể Trung Quốc.

Ngay từ những năm 1980, các trung tâm nông nghiệp ở Philippines và Việt Nam đã bắt đầu hợp tác với Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) để phát triển các giống lúa lai. Theo các nghiên cứu, các dòng lúa lai mới cho năng suất cao hơn các giống lúa lai thế hệ cũ trung bình lần lượt là 21% và 17% ở Việt Nam và Philippines.

Các giống lúa lai được trồng trên hơn 10% diện tích đất canh tác ở Philippines, giúp tăng sản lượng gạo của nước này lên 2,4 triệu tấn mỗi năm. Theo thống kê của chính phủ Philippines, điều này đã giúp nuôi sống 15 triệu người, tương đương 14% dân số của đất nước, dựa trên mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người hàng năm là 160 kg.

Ở Việt Nam, lúa lai Trung Quốc được du nhập vào vùng đồng bằng sông Hồng từ những năm 1990. Theo Chỉ số Tiếp cận Hạt giống năm 2019 do Liên minh Đo lường Điểm chuẩn Thế giới công bố, Việt Nam nhập khẩu từ 70% đến 80% hạt giống chính thức được sử dụng, bao gồm cả hạt giống lúa lai. Trung Quốc là nhà cung cấp giống lúa lai chính cho Việt Nam. Các viện nghiên cứu nông nghiệp ở Việt Nam cũng đã tham gia các hoạt động do Trung Quốc tổ chức tại các nước Đông Nam Á, chẳng hạn như trình diễn và quảng bá các dự án lúa lai nhiệt đới.

(Xinhua; Chinadaily;Global Times)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.