| Hotline: 0983.970.780

Thông điệp của cha đẻ lúa lai - Giáo sư, Viện sỹ Viên Long Bình

Thứ Hai 24/05/2021 , 22:46 (GMT+7)

Nhớ mãi GS Viên Long Bình: “Chúng ta cùng phải phấn đấu từ ăn no sang ăn đủ, ăn ngon, ăn sạch, phát triển bền vững ngành nông nghiệp thực phẩm cho nhân dân”.

GS.VS Viên Long Bình tiếp đoàn Việt Nam tại Hồ Nam – Trung Quốc, 2004.

GS.VS Viên Long Bình tiếp đoàn Việt Nam tại Hồ Nam – Trung Quốc, 2004.

Các hãng thông tấn đồng loạt đưa tin nhà khoa học Trung Quốc, GS.VS Viên Long Bình, người đầu tiên trên thế giới sáng tạo và sử dụng thành công phương pháp ưu thế lai với cây lúa, đã qua đời ở tuổi 91, ngày 22/5/2021 tại Trung Quốc.

GS Viên Long Bình sinh năm 1930, năm 1973 ông nghiên cứu thành công công nghệ “lúa lai 3 dòng”. Cùng với việc tạo ra giống Thần nông 8 của Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) năm 1968, các giống lúa lai của GS Viên Long Bình 1973 là hai thành tựu vĩ đại nổi bật của Trung Quốc và nông nghiệp thế giới.

Từ đó đến nay, các giống lúa lai đã chiếm 50% diện tích và 60% sản lượng lúa của Trung Quốc, khoảng 15 triệu ha, năng suất lúa cao nhất đã đạt 14 – 15 tấn/ha/vụ; sản lượng lúa tăng thêm 2,5 triệu tấn/năm, đủ cung cấp lương thực cho khoảng 70 triệu người/ năm. Gần đây còn công bố thành công những giống lúa lai chịu mặn, ít kim loại nặng, siêu lúa… Giống lúa lai còn được phổ biến ở khoảng 40 nước trên thế giới. GS.VS Viên Long Bình đã được đề cử nhận giải thưởng Nobel và khoảng 20 giải thưởng của thế giới.

Thông điệp về cuộc đời của GS.VS Viên Long Bình có thể nêu mấy giá trị tóm tắt với chúng ta như sau:

Một là, cả cuộc đời Giáo sư phấn đấu hơn 60 năm vì một mục tiêu khoa học cao cả để góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân ở một nước chiếm 1/5 dân số thế giới và đã thành công.

Những năm Cách mạng Văn hóa 1966-1976, Chính phủ không quan tâm nhiều đến chính sách nông nghiệp, ông kiên trì lên núi nghiên cứu về cây lúa. Trong thực tiễn cây lúa là cây tự thụ phấn, cho nên khả năng ưu thế lai chỉ có 1/1000, khả năng lai tạo tự nhiên là rất thấp. Vì vậy, có những giống lúa tồn tại mấy chục năm và năng suất lúa “dậm chân tại chỗ” cũng mấy chục năm, tiến hóa sinh học của cây lúa đã đạt “trần” khó vượt lên dù ưu thế lai về lý thuyết đã có từ lâu.

Trong một ngày, một công nhân thành thục lai lúa bằng tay giỏi lắm cũng chỉ được tối đa là 100 hạt lúa, nhưng với việc sản xuất được dòng bất dục đực thì chúng ta có thể sản xuất hàng ngàn ha lúa với hàng ngàn tấn hạt lai cùng một lúc. Từ cây lúa, các cây trồng khác cũng có những thành tựu tương tự. GS đã chứng minh ưu thế lai cây lúa có thể đạt gấp 2, gấp 3 cây lúa truyền thống cũ.

Hai là, GS đã giải quyết từng bước một từ một mục tiêu lớn, hoàn thiện lý thuyết khoa học, hoàn thiện kỹ thuật, hoàn thiện công nghệ, đưa kết quả nghiên cứu khoa học về lúa lai vào thị trường. Cái khó nhất của chúng ta là ở chỗ này. Năm 1973 đưa ra quy trình sản xuất thành công hạt lai F1, sáng tạo các dòng mẹ bất dục đực tế bào chất, dòng bố duy trì bất dục và các dòng phục hồi; năm 1974 công bố thành công các tổ hợp cho ưu thế lai cao; năm 1975 công bố quy trình sản xuất hạt lúa lai 3 dòng; năm 1976 sản xuất thành công hạt lai F1 cho 140.000 ha lúa … Giải quyết các vấn đề gen tương hợp, phân tích di truyền, chiến lược 3 dòng, 2 dòng, 1 dòng.

Gia đình GS.VS Viên Long Bình sang dự Hội nghị Quốc tế về lúa lai tại Hà Nội, thăm Vịnh Hạ Long, năm 2001.

Gia đình GS.VS Viên Long Bình sang dự Hội nghị Quốc tế về lúa lai tại Hà Nội, thăm Vịnh Hạ Long, năm 2001.

Ba là, GS đã đề xuất với Chính phủ và chính quyền các địa phương có chính sách hiệu quả, phù hợp các vùng sản xuất thương phẩm, hạt lai, xuất khẩu mang ngoại tệ về cho đất nước… Hỗ trợ, đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật cho lúa lai, đào tạo cán bộ… đưa diện tích lúa lai ra 50% sản xuất đại trà của Trung Quốc.

Bốn là, GS đã phối hợp với tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), tổ chức hỗ trợ chuyển giao và triển khai tiến bộ kỹ thuật lúa lai ra 40 nước trên thế giới ở các châu lục…

Năm là, đối với nước ta, GS.VS Viên Long Bình đã đóng góp những kinh nghiệm quý qua Hội nghị quốc tế về lúa lai tổ chức ở Hà Nội năm 2001 và giao lưu hợp tác Việt Nam – Trung Quốc, đó là Xây dựng dự án, chương trình về lúa lai, đào tạo cán bộ nghiên cứu và chuyển giao, hợp tác xây dựng mạng lưới nghiên cứu sản xuất (các viện, trung tâm các vùng, các doanh nghiệp (cổ phần, tư nhân), HTX, nông dân sản xuất giỏi….) mà Công ty Cường Tân (Nam Định) với việc mua bản quyền của GS.TS Nguyễn Thị Trâm giá trị 10 tỷ đồng là một ví dụ. Hàng năm tổ chức các đoàn giao lưu Việt Nam – Trung Quốc, thử nghiệm đánh giá các tổ hợp mới, hợp tác nguồn gen…

Kết quả là mỗi năm chúng ta sản xuất khoảng 700.000 ha lúa lai cả tổ hợp 3 dòng và 2 dòng, tự sản xuất hàng ngàn ha giống lúa lai F1 ở các vùng, giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, mỗi ha lúa lai tăng thêm 1 tấn thóc/ha/vụ. Nếu cộng dồn từ những năm 1990 đến nay sản lượng tăng thêm do lúa lai mỗi năm gần 1 triệu tấn đã góp phần xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực và xuất khẩu tạo nên kỳ tích về sản xuất nông nghiệp ở nước ta có giá trị hàng tỷ USD. Tiến bộ kỹ thuật lúa lai đã được giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ năm 2003.

Gần đây, mục tiêu lương thực thực phẩm chuyển sang nâng cao chất lượng, giảm giá thành, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh dinh dưỡng, góp phần bảo vệ sức khỏe… Tôi nhớ mãi câu nói của GS.VS Viên Long Bình khi tiếp tôi ở Hồ Nam, cùng các anh Nguyễn Trí Hoàn, Phạm Đồng Quảng, năm 2004: “Chúng ta cùng phải phấn đấu từ ăn no sang ăn đủ, ăn ngon, ăn sạch, phát triển bền vững ngành nông nghiệp thực phẩm cho nhân dân”.

Nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông - Khuyến lâm, Bộ NN-PTNT

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.