| Hotline: 0983.970.780

Cư dân mạng tiễn biệt cha đẻ lúa lai Viên Long Bình

Thứ Bảy 22/05/2021 , 20:53 (GMT+7)

Chiều nay, khi chiếc xe chở thi thể nhà nông học Viên Long Bình từ bệnh viện đến nhà tang lễ, đông đảo người dân tập trung dọc hai bên đường để tiễn biệt ông.

Vĩnh biệt vị anh hùng chống nạn đói

Nhà khoa học lúa gạo số một Trung Quốc đã qua đời chiều nay tại một bệnh viện ở thành phố Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam. Ảnh: Xinhua

Nhà khoa học lúa gạo số một Trung Quốc đã qua đời chiều nay tại một bệnh viện ở thành phố Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam. Ảnh: Xinhua

Trên trang Sina Weibo, nền tảng mạng tương tự Twitter của Trung Quốc, tin tức về sự ra đi của ông Viên Long Bình đã thu hút 950 triệu lượt xem chỉ sau vài giờ. Mọi tầng lớp cư dân mạng ở Trung Quốc đều bày tỏ sự tiếc thương trước cái chết của một vĩ nhân.

Nhà khoa học Trung Quốc Viên Long Bình nổi tiếng khắp thế giới với thành tựu phát triển dòng lúa lai đầu tiên giúp nhân loại thoát khỏi nạn đói, đã qua đời đầu giờ chiều thứ Bảy (22/5) sau khi bị suy tạng, hưởng thọ 91 tuổi.

Theo nguồn tin địa phương, trước khi nhắm mắt các thành viên trong gia đình viện sĩ đã ngâm nga các ca khúc tiễn biệt ông. Và khi chiếc xe chở thi thể ông Viên Long Bình tới nhà tang lễ, mọi người dân đã tập trung dọc hai ven đường để tiễn biệt nhà nông học.

"Ba lần một ngày, khi chúng tôi bưng bát cơm và thưởng thức hương thơm của gạo, chúng tôi đều nhớ đến ông", một bình luận đã được hơn 600.000 lượt thích viết.

Tổng giám đốc tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) Khuất Đông Ngọc viết trong một tweet: "Vô cùng đau buồn trước cái chết của Giáo sư Viên Long Bình- Sư phụ kính yêu của tôi. Ông ấy đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp nghiên cứu lúa lai, giúp hàng tỷ người có được an ninh lương thực. Ông là nguồn cảm hứng của tôi. Cầu mong ông được yên nghỉ".

Cha đẻ lúa lai Viên Long Bình được người dân Trung Quốc coi là vị anh hùng dân tộc. Ảnh: Chinadaily

Cha đẻ lúa lai Viên Long Bình được người dân Trung Quốc coi là vị anh hùng dân tộc. Ảnh: Chinadaily

Từ ăn no đến ăn ngon

Những năm gần đây, trọng tâm của các dự án lúa lai của nhà nông học Viên Long Bình đã thay đổi, chuyển từ tăng sản lượng sang phát triển xanh và bền vững.

Vào tháng 9 năm 2017, một dòng gạo indica có hàm lượng cadmium thấp do nhóm của ông và Viện Khoa học Nông nghiệp tỉnh Hồ Nam phát triển đã có thể làm giảm hơn 90% lượng cadmium trung bình trong gạo ở những vùng bị ô nhiễm kim loại nặng.

Tờ Chinadaily viết: Trải qua hơn 5 thập kỷ nghiên cứu về lúa lai, vị viện sĩ của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc đã giúp đất nước đông dân nhất thế giới tạo nên một kỳ tích vĩ đại - nuôi sống gần 1/5 dân số thế giới với chưa đầy 9% tổng diện tích đất canh tác trên thế giới.

Sinh thời, nhà nông học Viên Long Bình từng chia sẻ, ông có hai ước mơ là được "tận hưởng sự mát mẻ dưới những đồng lúa cao quá đầu người và lúa lai sẽ có thể được trồng trên khắp thế giới giúp giải quyết tình trạng khan hiếm lương thực toàn cầu”.

Năm 1949, chàng thanh niên họ Viên nộp đơn vào Trường Cao đẳng Nông nghiệp Tây Nam và bắt đầu niềm say mê đặc biệt của mình với lúa gạo - một loại lương thực chính của người Trung Quốc, sau này trở thành trọng tâm trong sự nghiệp nghiên cứu cả cuộc đời ông.

Trong một chuyến công tác vào năm 1970, ông đã phát hiện ra một loài lúa hoang đặc biệt ở đảo Hải Nam và nó đã trở thành sự mở đầu cho nhiều thập kỷ nghiên cứu lúa lai của Trung Quốc.

Ba năm sau, ông đã thử nghiệm trồng dòng lúa lai năng suất cao đầu tiên trên thế giới với 3 dòng gồm: dòng đực bất dục, dòng duy trì và dòng phục hồi.

Lúa lai kể từ đó đã được trồng trên khắp Trung Quốc và nông dân đã thu hoạch được sản lượng đáng kinh ngạc sau khi chuyển sang các giống lúa lai của ông Viên Long Bình. Năng suất lúa lai đã ghi nhận mức năng suất hàng năm cao hơn khoảng 20% ​​so với các giống lúa thông thường - có nghĩa là nó có thể nuôi sống thêm 70 triệu người mỗi năm.

Lúa lai vươn ra thế giới

Mặc dù giải quyết được tình trạng khủng hoảng thiếu lương thực đã gắn liền với quá khứ của Trung Quốc nhưng ông Viên Long Bình- người chống lại nạn đói còn có tham vọng lớn hơn nhiều - giải cứu thế giới khỏi nạn đói.

Ngay từ những năm 1980, nhóm cộng sự của giáo sư Viên đã tổ chức các khóa đào tạo ở hàng chục quốc gia từ khắp châu Phi, châu Mỹ và châu Á nhằm cung cấp nguồn lương thực cho người dân những khu vực có nguy cơ đói kém cao.

“Thống kê của Liên Hợp quốc, trên toàn cầu vẫn còn hơn 820 triệu người thiếu đói vào năm 2018. Và nếu lúa lai được trồng trên một nửa diện tích trong tổng số 147 triệu ha đất lúa trên thế giới, thì chỉ riêng năng suất tăng thêm đã có thể nuôi sống được 500 triệu người”, giáo sư Viên Long Bình nói.

Giáo sư Viên Long Bình (giữa) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm mô hình thử nghiệm lúa lai mới ở Tam Á, đảo Hải Nam hồi năm 2018. Ảnh: SCMP 

Giáo sư Viên Long Bình (giữa) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm mô hình thử nghiệm lúa lai mới ở Tam Á, đảo Hải Nam hồi năm 2018. Ảnh: SCMP 

Tháng 1 năm 2018, ông Viên và các nhà khoa học cộng sự đã tiếp tục có những bước đột phá mới khi sản xuất thử nghiệm giống lúa chịu mặn và kiềm trên nhiều cánh đồng ở Dubai và đạt được thành công lớn. Và kỹ thuật này được coi là một giải pháp để chống lại tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn thế giới.

(Chinadaily, THX)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.