| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 17/05/2017 , 07:26 (GMT+7)

07:26 - 17/05/2017

Chả lẽ không đồng tình là… không có trách nhiệm với đất nước?

Việc có tăng thuế môi trường cho mặt hàng xăng dầu từ mức tối thiểu 1.000 và tối đa 4.000 đồng/lít như qui định hiện nay lên mức tối thiểu 3.000 đồng/lít, tối đa 8.000 đồng/lít hay không sẽ được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội tại kỳ họp tới.

Đây là vấn đề nan giải, đã bàn thảo rất từ nhiều tháng qua và nhận được những ý kiến trái chiều nhau, báo chí phản ánh khá đầy đủ.

Những người ủng hộ cho rằng việc tăng thuế xăng dầu là cần thiết bởi hiện nay, giá của mặt hàng này thấp so với các nước trong khu vực, thuế nhập khẩu giảm tiếp xuống 0% thì phải tăng thuế khác để bù...

Riêng Bộ Tài chính đưa ra 4 lý do để bảo vệ cho việc cần phải tăng thuế này.

Một, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường, góp phần hạn chế sử dụng hàng hóa gây ô nhiễm. Hai, đảm bảo tính ổn định của chính sách. Ba, phù hợp với lộ trình dài, thay thế thuế nhập khẩu phải cắt giảm dần theo cam kết quốc tế. Bốn, phù hợp với mức thu của các nước xung quanh nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu.

Ngược lại, nhiều ý kiến không đồng tình với việc tăng giá này. Đại diện của Phòng Công nghiệp & Thương mại Việt Nam cho rằng xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, do đó, việc tăng giá đối với xăng dầu không làm ảnh hưởng nhiều đến tổng lượng tiêu thụ của người dân. Tức là nếu mục tiêu để hạn chế tác động môi trường thông qua việc hạn chế tiêu thụ thì việc tăng thuế không mang lại hiệu quả đáng kể.

Việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo các cam kết quốc tế có thể làm giảm nguồn thu ngân sách, nhưng không nên bù bằng cách tăng Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương bày tỏ: “Cách điều hành chỉ nhìn vào việc thuận lợi trong quản lý của bộ máy chứ chưa nhìn về việc kiến tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng cho thị trường, doanh nghiệp"

Ông Nguyễn Tiến Thoả - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, cần phải có cái nhìn tổng quát hơn khi tính tới việc tăng thuế bảo vệ môi trường: “Khi thuế giảm sẽ giúp thị trường tăng cung, sản xuất nhiều hơn, giá thành những sản phẩm thụ hưởng từ xăng dầu sẽ rẻ hơn, giải quyết công ăn việc làm bền vững”.

Có thể nói nhiều tháng qua, phương án tăng thuế môi trường xăng dầu là chủ đề nóng bỏng của cả dư luận xã hội đồng thời nhận được rất nhiều ý kiến phân tích từ các chuyên gia kinh tế. Tuy là dân “ngoại đạo”, người viết bài này cũng băn khoăn bởi mấy câu hỏi.

Thứ nhất, không biết các nhà hoạch định chính sách đã đánh giá hết những tác động to lớn của việc tăng thuế (cũng là tăng giá) mặt hàng được coi là huyết mạch của nền kinh tế này hay chưa?

Thứ hai, theo cách hiểu thì thuế môi trường tất nhiên là để bảo vệ môi trường. Vậy mỗi một lít xăng dầu có cần đến 8.000 đồng để bảo vệ môi trường hay nói cách khác, nó có làm ô nhiễm đến mức cần tới 8.000 đồng để bảo vệ môi trường do nó gây ra?

Thứ ba, không khó để nhận thấy nhiều mặt hàng khác cũng tác động đến môi trường rất lớn, tại sao lại chỉ đổ lên xăng dầu?

Thứ tư, cũng nên công khai, minh bạch việc thu chi cho bảo vệ môi trường một cách chi tiết, cụ thể và cuối cùng, thật lòng người viết bài này không thể tưởng tượng được giá xăng hiện nay đang khoảng 17 ngàn đồng, khi lên 25 ngàn đồng (tất nhiên là theo lộ trình) thì sẽ như thế nào? Đấy là chưa kể hiện tại, giá xăng dầu đang ở mức thấp.

Song, còn có một sự ngạc nhiên là tại một cuộc hội thảo, ông Chủ tịch Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ không chỉ đồng tình với việc tăng thế mà còn nhấn mạnh, việc tăng thuế xăng dầu là “trách nhiệm của công dân đối với đất nước”.

Ngạc nhiên bởi là người đại diện cho doanh nghiệp, ông Ruệ lại sốt sắng lo cho ngân sách quốc gia đến vậy là hiếm, hiếm lắm. Ngạc nhiên bởi chẳng hiểu sao ông Ruệ lại cho rằng đồng tình với việc này là “trách nhiệm của công dân đối với đất nước”.

Càng ngạc nhiên vì sắp tới, theo nghị trình, Quốc hội sẽ bàn và quyết định về vấn đề này. Nói như ông Ruệ, chả lẽ những đại biểu không bỏ phiếu đồng tình với việc tăng thuế môi trường xăng dầu tức là không có “trách nhiệm đối với đất nước”?

 

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm