| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 24/01/2018 , 07:37 (GMT+7)

07:37 - 24/01/2018

Chả lẽ “sáng đúng, chiều sai, mai lại… đúng”, thưa Bộ trưởng?

Người dân cần một sự công khai, minh bạch, đúng chất lượng, đúng giá tiền và luôn hiểu rất rõ giữa trách nhiệm và hưởng thụ, không “ăn không” của ai, song ngược lại, cũng không cho phép ai được phè phỡn trên mồ hôi nước mắt của mình.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có công điện yêu cầu xử lý các đối tượng quá khích, có hành vi chống đối và lập lại trật tự tại các trạm BOT. Đặc biệt là nghiêm khắc xử lý đối với các đối tượng xấu, lợi dụng kích động, chống phá... làm mất an ninh trật tự và an toàn giao thông, gây ảnh hưởng xấu đến việc thu hút xã hội hóa đầu tư.

Nội dung Công điện là cấp thiết và hoàn toàn đúng đắn bởi việc phản ứng thái quá, thậm chí với những hành vi phạm pháp luật nếu không kiên quyết ngăn chặn, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến một chủ trương đúng đắn, kìm hãm sự phát triển kinh tế đất nước vì giao thông được ví như "huyết mạch" của mỗi quốc gia. Đây là điều không thể chấp nhận.

Tuy nhiên, đã hơn một lần, Thủ tướng yêu cầu phải rà soát lại các dự án BOT bởi theo tinh thần công điện “các dự án kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đầu tư BOT đã có một số tồn tại, bất cập cần tập trung khắc phục để bảo đảm các mục tiêu phát triển, hiệu quả kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hình thức đầu tư này” như nội dung Công điện.

Có thể nói, đây vấn dề cốt lõi bởi thực tế cho thấy, không ít dự án BOT đã bị lợi dụng. Việc buộc phải giảm phí BOT tại một số dự án vừa qua đã minh chứng cho điều này hay nói khác đi, nếu không có những phản ứng của người dân thì chắc chắn không có việc giảm giá này và cũng chưa chắc đã có cuộc rà soát lại một số BOT như chủ trương.

Song, trả lời báo chí đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định “Không có trạm thu phí đặt nhầm chỗ!” và giải thích “Làm gì có chuyện không tính. Tuy nhiên, thời điểm đó là hợp lý, thời điểm đó chủ trương là vậy nên làm vậy. Bây giờ, chính sách thay đổi nên cảm thấy không còn hợp lí. Không bao giờ có chuyện nhầm, nhầm là sai từ đầu, còn ở đây không phải là sai từ đầu mà là do thời điểm nên không còn hợp lí. Ngay từ đầu là phải chuẩn”… thì không thật sự thuyết phục bởi mấy lý do.

Thứ nhất, ban đầu ông Thể khẳng định là đã có sự tính toán. Thế nhưng tính toán kiểu gì mà lại “thời điểm đó là hợp lý, thời điểm đó chủ trương là vậy nên làm vậy” để rồi khi chính sách thay đổi thì… không còn hợp lý nữa?

Thứ hai, Bộ trưởng nói “Không bao giờ có chuyện nhầm, nhầm là sai từ đầu, còn ở đây không phải là sai từ đầu mà là do thời điểm nên không còn hợp lí” rồi lại khẳng định “Ngay từ đầu là phải chuẩn” thì thành thật là nó… quẩn quanh thế nào ấy.

Thứ ba, chính sách cũng do Bộ GTVT ban hành hoặc tham mưu, đề xuất và thay đổi cũng do Bộ GTVT ban hành hoặc tham mưu, đề xuất. Nay Bộ GTVT đưa ra chính sách này, mai cũng Bộ GTVT đưa ra chính sách kia rồi lại đổ cho nguyên nhân khách quan… chính sách thay đổi thì khó có thể nói khác, “sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng”.

Tóm lại, dù bất cứ lý do gì thì cũng không thể làm hỏng một chủ trương đúng đắn để phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân đồng thời phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và nhà đầu tư.

Muốn vậy, cần phải thực hiện nghiêm túc công điện của Thủ tướng về lập lại trật tự đồng thời rà soát lại tất cả các BOT đã thực hiện, bởi hiện nay "Thực chất các dự án BOT là huy động tiền từ ngân hàng, không khéo sẽ có các rủi ro tài chính rất lớn” như lời của Bí thư Đà Nẵng đồng thời là người tiền nhiệm của Bộ trưởng Thể - ông Trương Quang Nghĩa trả lời cử tri Đà Nẵng.

Người dân cũng mong muốn cái nào là “của anh, của em” như lời ông Nghĩa: “Khi đưa ra quyết toán sẽ phản ánh một số vấn đề chi tiêu, quan hệ như thế nào? Dự án của ai, của anh hay của em đều lộ hết ra”.

Tóm lại, người dân cần một sự công khai, minh bạch, đúng chất lượng, đúng giá tiền chứ không muốn “ăn không” của ai như lời một vị Bộ trưởng tiền nhiệm:“Không thể có chuyện vừa không muốn mất tiền, hoặc mất rất ít tiền, lại vừa muốn đi trên những con đường chất lượng cao. Tôi chưa thấy ở đâu đáp ứng được điều đó”.

Người dân luôn hiểu rất rõ giữa trách nhiệm và hưởng thụ, không “ăn không” của ai, song ngược lại, cũng không cho phép ai được phè phỡn trên mồ hôi nước mắt của mình.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm