Ngoài nổi bật với hệ thống đảo đá và hang động tuyệt đẹp, nhiều lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới, Hạ Long còn lưu mãi trong lòng du khách bởi món ăn được kết tinh từ hương của biển và tình của người: Chả mực Hạ Long.
Chả mực có ở nhiều tỉnh, thành, ngay tại Quảng Ninh cũng nhiều nơi SX như Hải Hà, Vân Đồn, Cô Tô, Quảng Yên, Hạ Long... Tuy nhiên, nổi danh nhất vẫn là chả mực Hạ Long, bởi chất lượng đặc biệt ngon, giòn, dai, thơm, ngọt. Năm 2012 “Chả mực Hạ Long” được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận TOP 10 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam. Năm 2013, chả mực Hạ Long xác lập kỷ lục châu Á do Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận.
Gốc nghề
Năm 1946, một người đầu bếp tên là Tài Lễ tại thị xã Hòn Gai thấy thực đơn mực chế biến theo các món đã trở nên thông dụng, ít thu hút khách đã cùng vợ chế biến ra món chả mực từ nguyên liệu mực nang tươi (mực được loại bỏ nội tạng, rửa sạch, lau khô, giã bằng cối đá, trộn với hành tươi, mỳ chính, hạt tiêu, hành khô và bột nếp...).
Để tạo ra sản phẩm có chất lượng, họ phải trải qua nhiều thử nghiệm, rút kinh nghiệm và truyền lại cho thế hệ con cháu (mực ống được thay bằng mực nang từ 0,8 - 4 kg/con, hạt tiêu đen và bột nếp thường được thay bằng hạt tiêu trắng và bột nếp cái hoa vàng...).
Năm 1993, thị xã Hòn Gai chuyển thành thành phố Hạ Long và chả mực được thương mại hóa với cái tên "Chả mực Hạ Long". Hiện nay, thành phố có khoảng 30 cơ sở chuyên chế biến và kinh doanh chả mực như Thắng Huệ, Hiền Nhung, Tiến Chuyên, Kim Thoa, Thoan, Lân Điệp, Hoài Phương...
Tương lai
UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt dự án “Xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý Hạ Long cho sản phẩm chả mực của thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh” năm 2012, nhằm giải quyết các vấn đề chính: Đăng ký bảo hộ độc quyền sở hữu trí tuệ chỉ dẫn địa lý “Hạ Long” cho sản phẩm chả mực.
Quản lý chất lượng sản phẩm và chỉ dẫn địa lý bằng việc xây dựng và thực hiện thống nhất quy trình kỹ thuật chế biến, bảo quản sản phẩm; xây dựng và vận hành có hiệu quả Hội SX&KD chả mực Hạ Long nhằm quản lý nội bộ chất lượng của sản phẩm; xây dựng và vận hành có hiệu quả mô hình quản lý chất lượng độc lập sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhằm bảo đảm chất lượng đặc thù của sản phẩm và các yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Quy hoạch vùng đánh bắt nguyên liệu vừa đảm bảo yêu cầu bảo tồn nguồn lợi thủy sản, vừa phục vụ cho phát triển nghề chế biến chả mực của thành phố Hạ Long. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các hoạt động xây dựng các công cụ quảng bá và xúc tiến thương mại; nghiên cứu và thử nghiệm thị trường; hỗ trợ các cơ sở chế biến phát triển thị trường; phát triển mở rộng SX thông qua các hoạt động xây dựng mô hình chế biến, tập huấn kỹ thuật. Nâng cao năng lực cho các tác nhân trong chuỗi giá trị chả mực Hạ Long như kỹ thuật chế biến, bảo quản sản phẩm; kỹ năng phát triển thị trường; quản lý chất lượng sản phẩm; sở hữu trí tuệ...