Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn yêu cầu đến hết năm 2016 phải giảm 10% tỷ lệ mẫu tôm nuôi, số lô tôm xuất khẩu vi phạm và bị cảnh báo vi phạm so với năm 2015. Đến hết năm 2017, những vi phạm này trong nuôi trồng và xuất khẩu tôm phải giảm 50% so với năm cũ.
Hết năm 2018, cơ bản chấm dứt hoàn toàn tình trạng sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, tạp chất, kháng sinh trong sản xuất và kinh doanh tôm.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, chủ cơ sở kinh doanh hiểu rõ, hiểu đúng về quy định an toàn thực phẩm, hướng dẫn, hỗ trợ người sản xuất phải áp dụng các quy phạm về thực hành sản xuất bảo đảm và đáp ứng các quy định về tồn dư thuốc kháng sinh, tôm không có tạp chất; trường hợp phát hiện vi phạm tại các cơ sở nuôi, sẽ xử lý nghiêm.
Xử phạt một cơ sở sản xuất nước đóng chai tại Quảng Nam
Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Quảng Nam vừa ra quyết định xử phạt hành chính hơn 71 triệu đồng đối với Công ty sản xuất thương mại và dịch vụ Thành Phát (đóng tại xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, Quảng Nam) do ông Nguyễn Thanh Nhật Tiến làm chủ vì vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Khi kiểm tra tại công ty này, đã phát hiện nhiều sai phạm trong sản xuất nước uống đóng chai hiệu Aquanna như sản xuất nước uống đóng chai quy trình chế biến không đảm bảo an toàn, không phối hợp duy trì kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng sản phẩm định kỳ theo quy định, sử dụng hóa chất không có thời hạn sử dụng, xét nghiệm mẫu nước sản xuất của công ty không đạt tiêu chuẩn.
Ngoài xử phạt hành chính hơn 71 triệu đồng, cơ quan chức năng cũng đã tiêu hủy gần 200 bình nước không đạt tiêu chuẩn hiệu Aquana của công ty này và yêu cầu công ty thực hiện đầy đủ các yêu cầu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
Cẩn thận khi sử dụng thẻ ATM
Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an Hà Nội đã đưa ra những khuyến cáo với người dân, đồng thời nhận diện thủ đoạn và cách thức phòng tránh việc bị kẻ gian trộm tiền trong tài khoản.
Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an Hà Nội, từ thực tiễn công tác đấu tranh, đơn vị nhận thấy thời gian gần đây, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng chủ yếu sử dụng 3 chiêu trò phạm tội. Đầu tiên là việc mua, bán thông tin tài khoản thẻ ATM bị đánh cắp, sau đó tự sản xuất thẻ giả để rút tiền.
Loại tội phạm này chủ yếu là người nước ngoài, trong đó nhiều đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch hoặc đi du lịch. Khi vào Việt Nam, chúng thường mang theo phôi thẻ ATM cùng các thiết bị để sản xuất thẻ ATM, thẻ tín dụng giả.
Chỉ huy Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo, người sử dụng các loại thẻ ngân hàng cần có ý thức, kiến thức bảo mật thông tin; cần bảo vệ điện thoại hoặc thiết bị điện tử cá nhân khi sử dụng chúng cho các dịch vụ ngân hàng trực tuyến.
Một thao tác cũng hết sức cần thiết khi rút tiền tại các máy ATM, là nên quan sát xem có gì bất thường không. Cùng với đó, cần chủ động kiểm soát, nắm bắt số dư trong tài khoản, tránh để khi phát hiện tiền “bỗng nhiên bay hơi” thì đã quá muộn.