| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 02/02/2021 , 12:42 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 12:42 - 02/02/2021

Chăm lo tết cho người lao động xa quê thời Covid-19

Các tổ chức công đoàn và các nhà hảo tâm phải thiện chí đẩy mạnh việc chăm lo tết Tân Sửu cho người lao động xa quê một cách thật chu đáo, thật nghĩa tình

Diễn biến mới của Covid-19 từ hai địa bàn Hải Dương và Quảng Ninh đã ảnh hưởng đến nhiều tỉnh thành trên cả nước, khiến không khí đón Tết Tân Sửu phải thay đổi ít nhiều. Nhiều dự định phải tạm ngừng, nhiều chuyến đi phải hoãn lại, và dĩ nhiên nhiều cuộc đoàn viên cũng không thể thực hiện trọn vẹn.

Chính phủ bày tỏ quyết tâm cao độ trong việc khống chế Covid-19 trong vòng 10 ngày cuối tháng chạp, để đồng bào được ăn tết yên vui. Thế nhưng, muốn vượt qua thử thách nghiệt ngã của đại dịch toàn cầu trong mùa xuân ấm áp của dân tộc, không chỉ cần nỗ lực của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 và đội ngũ nhân viên y tế, mà mỗi người Việt cũng cần một giải pháp cá nhân tích cực.

Trong những quốc gia cùng truyền thống ăn tết âm lịch, thì Việt Nam và Trung Quốc có nhiều nét tương đồng về văn hóa và phong tục. Năm nay, Việt Nam và Trung Quốc cùng đón Tết Tân Sửu với nỗi ám ảnh lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Vì vậy, vài động thái đang được tiến hành ở Trung Quốc, cũng mang tính gợi ý cho Việt Nam.

Mỗi năm, người Trung Quốc về quê ăn tết trở thành một đợt “xuân vận” rầm rộ và chen chúc. Không thể nói khác hơn, đó là đợt di cư thường niên lớn nhất thế giới, với sự dịch chuyển của 1,3 tỷ người. Trước Tết Tân Sửu, Quốc vụ viện Trung Quốc công bố Phương án phòng chống dịch Covid-19, yêu cầu trong giai đoạn “xuân vận” thì những người về quê phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 7 ngày, sau khi về quê phải theo dõi y tế tại nhà 14 ngày.

Tất nhiên, sự đòi hỏi giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính chỉ là giải pháp “cứng”, còn giải pháp “mềm” là khuyến khích mỗi người đón tết bằng tâm lý “quê người như quê nhà”. Nhiều tỉnh ở Trung Quốc đã hỗ trợ tiền mặt, phiếu mua hàng, vé tham quan… cho những người ở lại nơi làm việc để ăn tết. Thậm chí, doanh nghiệp ở Chiết Giang còn cho công nhân hưởng lương 300% và tăng ca nếu không về quê.

Vậy thì, ở Việt Nam, tỉnh có lực lượng công nhân đông đảo bậc nhất phía Nam là Bình Dương cũng đã có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, phải làm gì để thích ứng tình hình mới? Bây giờ, nếu công nhân từ các khu công nghiệp Sóng Thần, Việt Hương, Đồng An, Mỹ Phước… rời khỏi tỉnh Bình Dương để quay ra miền Trung hay ngược xuống miền Tây, thì sẽ đem theo rất nhiều phập phồng âu lo. Giải pháp hữu hiệu và nhân văn vẫn là tạo điều kiện thuận lợi để những người xa quê được đón Tết tại chỗ, vừa đỡ tốn kém chi phí vừa đảm bảo an toàn.

Ngày tết tha hương là điều không ai mong muốn. Thế nhưng, giữa bối cảnh Covid-19 đang đe dọa sự thịnh vượng chung của xã hội, thì kìm nén cảm xúc được sum vầy ăn tết nơi chôn nhau cắt rốn, cũng là một hành vi cần thiết ở mỗi công dân. Đồng thời, các tổ chức công đoàn và các nhà hảo tâm phải thiện chí đẩy mạnh việc chăm lo tết cho người lao động xa quê một cách thật cụ thể, thật chu đáo, thật nghĩa tình.

LTN