Có những loại hoa, cây cảnh ngắn ngày chỉ sống được trong một mùa, nhưng cũng nhiều loại có thể chơi được đến năm sau, và rất nhiều năm sau nữa, nhất là đối với những loại cây lão niên như hoa mai, phát tài hay bonsai thì càng lâu năm càng tăng thêm giá trị.
Với kinh nghiệm của các nhà vườn có thâm niên tại miền Tây, việc chăm sóc cây cảnh ngày tết cũng tương tự như cách chăm sóc chúng vào những ngày thường. Trong đó, bón phân và tưới nước là 2 yếu tố quan trọng nhất.
Lời khuyên của các nhà khoa học cho việc chăm sóc hoa kiểng sau tết hiệu quả là người chơi sẽ cần phải nắm biết đặc tính sinh lí của cây để có cách chăm sóc phù hợp. Như đối với cây mai, sau tết là giai đoạn cây mất sức, nên người chơi cần chú ý, từ mùng 10 đến chậm nhất là 15 tháng Giêng, nên loại bỏ tất cả bông, trái, cắt tỉa cành. Sau đó, tiến hành chăm sóc, bón phân.
Cụ thể:
- Đối với mai trồng chậu cần chuyển mai từ chậu ra trồng trong đất. Nếu vẫn trồng trong chậu cần phải thay đất mới bằng cách bỏ bớt khoảng 1/3 đất cũ trong chậu, thay bằng hỗn hợp 3 phần đất mới, 1 phần hữu cơ, có thể sử dụng hữu cơ Đầu trâu Organic đa dụng. Hòa 15-25gram phân NPK 20-20-15 Đầu Trâu trong 10 lít nước, tưới đều vào gốc mai. Tiếp tục bón thúc và tưới nước, phun phân bón qua lá theo chu kỳ.
Với mai trồng trên vườn, líp: Sử dụng loại phân NPK Đầu trâu 20-20-15+TE hoặc NPK 16-12-8-11+TE bón mỗi năm khoảng 3-4 lần với lượng bón 20 - 50gr/gốc/lần bón vào các đợt: Sau khi tàn hoa (sau dịp Tết), cắt tỉa cành; đầu mùa mưa; giữa mùa mưa và trước khi mai nở hoa khoảng 1 - 1,5 tháng.
Với lan, để cây được bổ sung thêm năng lượng sau một thời gian dài ra hoa thì người chơi cần bón phân định kỳ và tưới phun phân qua lá cho cây. Dùng phân bón NPK Đầu trâu 30-10-10 hoặc 20-20-20 bổ sung thêm B1… Đồng thời, định kỳ phun thuốc trừ nấm bệnh cho cây.
Riêng với lan hồ điệp, đặc tính thời gian ra hoa kéo dài, từ 3 - 3,5 tháng, thậm chí chăm sóc tốt có thể duy trì vẻ đẹp đến 4 tháng. Trong điều kiện đô thị, trồng trong nhà, sau khi chơi tết xong, người chơi vẫn có thể trồng được. Theo đó, sau 15 tháng giêng, người chơi quan sát thấy chậu hoa bị héo, với tỉ lệ 2/3 số cành bị héo, thì cần tiến hành cắt bỏ. Khi cắt bỏ nên dùng kéo sắt.
Khi cắt cần chú ý, dưới cuốn hoa có mắt ngủ. Chính mắt ngủ này là điểm phát triển của phát hoa giai đoạn sau. Vị trí cắt phải trên mắt ngủ 3cm. Sau khi cắt xong, dùng bông đã tẩm thuốc kích thích sinh trưởng bó vào vị trí vừa bị cắt trong khoảng thời gian từ 2 - 3 ngày. Đồng thời, tiến hành cắt bỏ những lá vàng ở dưới sau khi nó đã hoàn thành thời gian quang hợp. Với những lá ở trên, bị vàng do bệnh hay những nguyên nhân khác thì cũng nên cắt bỏ, có thể cắt ½ lá. Sau đó, tiến hành đổi chậu và cắt bỏ những rễ đã già, khô, cũ.
Lưu ý: Khi đổi chậu cần thêm giá thể dớn mềm. Sau khi thay xong đợi đến 3 ngày sau mới nên tưới nước ẩm vào. Tưới mỗi ngày. Vị trí đặt chậu cần lưu ý, là nơi mát nhưng phải có ánh sáng chiếu vào, nếu nắng quá phải che thêm lưới, tốt nhất là ánh sáng tán xạ. Sau thời gian, rễ mới, lá mới phát triển thì sẽ bắt đầu bón phân đầy đủ để lan sinh trưởng, tăng trưởng. Chăm sóc lan cho đến khi 6-7 tháng thì sẽ thay đổi phân sang các dòng sản phẩm phân bón kích thích ra hoa. Bên cạnh bón phân, thì lan hồ điệp cũng rất dễ bị nấm bệnh và các bệnh vi khuẩn trên lá, do đó, người chơi cũng cần theo dõi, định kỳ phun thuốc trừ nấm bệnh cho cây theo phương pháp 4 đúng. Nếu chăm sóc tốt, những chậu lan hồ điệp vẫn có thể phát triển tốt và ra hoa đẹp cho vụ tết năm sau.