| Hotline: 0983.970.780

Bón phân hóa học lâu năm có làm đất lúa bị thoái hóa không?

Thứ Hai 02/01/2023 , 07:25 (GMT+7)

Chương trình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” đã tiến hành khảo sát, lấy mẫu đất, nước 38 điểm của 13 tỉnh ở ĐBSCL để phân tích.

Để trả lời câu hỏi có phải do bón phân hóa học lâu ngày làm cho đất lúa ở ĐBSCL bị suy thoái hay không, nhóm tác giả (GS.TS Nguyễn Bảo Vệ cùng cộng sự nghiên cứu năm 2021) dựa trên nền của chương trình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” đã tiến hành khảo sát, lấy mẫu đất, nước 38 điểm của 13 tỉnh ở ĐBSCL, nhắc lại trong 2 vụ đông xuân và hè thu thành 76 mẫu để phân tích các chỉ tiêu về chất hữu cơ, độ pH (H20), đạm tổng số (N%), P dễ tiêu (Pdt), kali dễ tiêu (Kdt), độ dẫn điện Ec, Ca và Mg trao đổi.

Có cách bón hợp lý, khoa học, việc sử dụng phân bón hóa học không phải là nguyên nhân làm đất bị thoái hóa.

Có cách bón hợp lý, khoa học, việc sử dụng phân bón hóa học không phải là nguyên nhân làm đất bị thoái hóa.

Các kết quả phân tích được so sánh với số liệu do Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) nghiên cứu phân tích vào năm 1977, ngay sau khi miền Nam được giải phóng hoàn toàn khi thời đó chưa có nhiều phân hóa học bón cho cây lúa để làm đối chứng. Số lượng phân hóa học được sử dụng ngày càng nhiều, chỉ bắt đầu sau 1995, khi nước Mỹ dỡ bỏ cấm vận và Việt Nam có điều kiện sản xuất và nhập khẩu phân hóa học nhiều cho nền nông nghiệp của đất nước. Và nhờ vậy, chương trình của Bình Điền mới có cơ hội so sánh thực trạng độ phì nhiêu của đất lúa ở ĐBSCL một cách có cơ sở.

Từ kết quả nghiên cứu của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và dựa vào chỉ tiêu phân hạng (tốt, trung bình và xấu) của Hội Khoa học đất Việt Nam để làm cơ sở đánh giá cho thấy, chất lượng của đất lúa tại ĐBSCL sau hơn 40 năm sử dụng phân hóa học được thể hiện như sau:

- Về chất hữu cơ ở tầng canh tác (một chỉ tiêu quan trọng về độ phì nhiêu của đất), tài liệu đối chứng (năm 1977) có 12,5% mẫu có hàm lượng hữu cơ thấp, 62,5% đạt mức trung bình, còn mức cao và rất cao chiếm 25%. Trong lúc đó, đất lúa hiện tại không có mẫu nào có hàm lượng chất hữu cơ thấp, mức trung bình chỉ có 3,8% còn lại 96,2% có hàm lượng chất hữu cơ đạt mức cao và rất cao.

- Về đạm tổng số (N%), ở đối chứng không có mẫu nào có lượng N ở mức nghèo, mức trung bình có 25% và mức giàu chiếm 75%. Trong lúc đó đất lúa hiện nay có 92% mẫu đạt mức N rất giàu, chỉ có 7,8% còn đạt mức trung bình.

- Về chỉ tiêu lân dễ tiêu (Pdt), ở đối chứng tuyệt đại bộ phận chỉ đạt mức nghèo (78,9%), chỉ có 21,05% đạt mức trung bình. Trong lúc đất lúa hiện tại tuyệt đại bộ phận các mẫu (96,15%) đạt mức trung bình, chỉ có 3,84% đạt mức nghèo Pdt.

Lạm dụng phân bón hóa học vừa lãng phí, vừa làm mất cân bằng hệ dinh dưỡng trong đất.

Lạm dụng phân bón hóa học vừa lãng phí, vừa làm mất cân bằng hệ dinh dưỡng trong đất.

- Về độ pH(H20): Ở đối chứng có 87,5% mẫu thuộc diện chua, trong lúc ở đất lúa hiện tại có 61,53%, còn lại 38,4% thuộc mức trung bình và cao.

- Ca và Mg trao đổi do ở số liệu đối chứng không có chỉ tiêu này, nhưng ở đất lúa hiện tại không có mẫu nào thuộc loại nghèo, số còn lại thuộc loại trung bình và cao. Tác giả (GS.TS Nguyễn Bảo Vệ) cũng lưu ý tiểu vùng ven biển có hàm lượng Ca dt thấp hơn các vùng nước ngọt và vùng giáp biên giới Campuchia, ngược lại hàm lượng Mg dt vùng ven biển khá cao, làm cho tỷ lệ Ca/Mg vùng này khá thấp.

Một số nhận xét thay lời kết luận:

- Dựa vào các dưỡng chất thiết yếu chứa trong đất như chất hữu cơ, N%, Pdt, Kdt, Ca, Mg trao đổi và độ pH(H20) sau 40 năm sử dụng số lượng phân khoáng rất cao so với các nước trồng lúa chính ở khu vự Đông Nam Á (Hiệp hội Phân bón thế giới, 2007) thì đất lúa ở ĐBSCL không những không bị suy thoái mà trái lại còn tốt hơn so với trước khi sử dụng nhiều phân khoáng (số liệu của năm 1977). Bằng chứng hùng hồn là năng suất lúa ngày càng tăng một cách vững chắc (năm 1975 là 2,27 tấn/ha, năm 1995 là 4,02 tấn/ha và năm 2021 là 5,85 tấn/ha).

-  Về chất hữu cơ, một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá độ phì nhiêu của đất thì không có khu ruộng nào thuộc loại nghèo, đa số đạt mức trung bình cho đến rất giàu. Nhưng để nâng cao chất lượng của chất hữu cơ thì cần chú ý kỹ thuật tưới nước kết hợp tháo cạn xen kẽ hợp lý để tăng quá trình khoáng hóa cho ruộng lúa.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy đất lúa ở ĐBSCL đã có đủ hàm lượng hữu cơ nên bà con không phải băn khoăn bón thêm hữu cơ cho cây lúa trong khu vực này. Nhận xét này được công trình nghiên cứu của Viện lúa Quốc tế (IRRI) ở Philippine làm hậu thuẫn rất vững chắc.

47

Các mô hình "Canh tác lúa thông minh" của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cho thấy: Nếu bón đúng phân, đúng phương pháp và liều lượng thì không sợ làm đất lúa bị thoái hóa mà còn làm tăng độ phì nhiêu cho đất.

IRRI đã tiến hành nghiên cứu cắt bỏ hết rơm rạ khỏi đất lúa, thí nghiệm được bắt đầu từ 1963, tổng kết vào năm 2008, mỗi năm trồng 3 vụ lúa độc canh, tổng cộng 133 vụ chỉ bón P, K và Zn, không bón N mà chất hữu cơ vẫn tương đương với công thức bón đầy đủ các chất dinh dưỡng (Roland J.Buresh, IRRI, 2012). Do số lượng phân hữu cơ được sản xuất có hạn, vì vậy chỉ nên ưu tiên bón cho đất lúa vùng đất xám nghèo chất hữu cơ, phần còn lại ưu tiên dùng cho các cây hoa màu và cây công nghiệp thì sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.

- Về định lượng thì hàm lượng Ca, Mg trao đổi khá đầy đủ. Nhưng tỷ lệ 2 chất này phân bố không đều. Vùng ven biển có Mg nhiều hơn Ca, ngược lại 2 vùng còn lại (vùng giữa và vùng tiếp giáp Campuchia) thì Ca nhiều hơn Mg làm cho tỷ lệ Ca/Mg thiếu cân đối, nhất là vùng ven biển. Vì vậy, việc sử dụng phân Đầu Trâu Mặn Phèn hoặc vôi bón theo khuyến cáo cho vùng phèn, mặn là rất cần thiết.

- Việc áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, bón phân Đầu Trâu TE-A1 và TE-A2 cùng với phân Đầu Trâu Mặn Phèn cho lúa ở ĐBSCL theo phương pháp và liều lượng được quy định thì không sợ làm cho đất lúa bị thoái hóa mà còn làm tăng độ phì nhiêu cho đất, tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa để đạt lợi nhuận trên mức 30% là điều chắc chắn.

Xem thêm
Sâu hại chính trên dưa hấu và cách phòng trị

Dưa hấu là loại cây trồng cho thu hoạch quanh năm và có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên hay bị các loại sâu hại làm giảm năng suất, chất lượng và mẫu mã...

Mavin được vinh danh tại giải thưởng Saigon Times CSR 2024

Ngày 14/11/2024, tại GEM Center, TP.HCM, Tập đoàn Mavin đã vinh dự nhận giải thưởng Saigon Times CSR 2024 do The Saigon Times, thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?