Vậy ý kiến đó có đúng không? Nếu đúng thì làm sao để khắc phục cho đất được tốt hơn? Để hiểu rõ vấn đề này, trước hết ta cần biết rằng đất đai nói chung được hình thành là do quá trình phong hóa lâu ngày từ các loại đá mẹ mà có.
Do cấu trúc của các loại đá mẹ có nhiều đặc tính về vật lý và hóa học rất khác nhau, nên các loại đất được tạo ra cũng có đặc tính vật lý và thành phần dinh dưỡng rất khác nhau. Hàng năm lại chịu tác động của mưa, nắng, bão, lụt và cả tác động đa dạng của con người nên cũng có loại đất được tốt hơn, nhưng cũng có nhiều loại đất bị mất nhiều chất dinh dưỡng nên bị xấu đi.
Quá trình này nếu không có biện pháp một cách hợp lý thì cũng có nhiều loại đất tự nó dần dần cũng sẽ bị thoái hóa. Đối với đất lúa ở ĐBSCL, nằm ở lưu vực sông Mê Kông, hàng năm, vào mùa mưa được tiếp nhận một lượng phù sa khá lớn bồi đắp nên đất đai khá màu mỡ.
Tuy nhiên trong 4 triệu ha đất đai tự nhiên ở ĐBSCL cũng bao gồm nhiều loại đất: Đất phù sa ngọt nằm dọc theo lưu vực sông Tiền, sông Hậu; đất phù sa phủ trên nền phèn là vùng tiếp giáp giữa vùng đất phù sa với các vùng đất phèn của Đồng Tháp Mười, Tây Sông Hậu và Tứ Giác Long Xuyên… Đất nhiễm mặn và đất mặn ven biển, đất xám bậc thềm cao ở khu vực Đức Hòa, Long An.
Do đó, bản thân đất trồng lúa trong khu vực ĐBSCL khi chưa sử dụng phân hóa học thì đặc tính vật lý, độ phì cũng rất khác nhau; có một số loại ở một số tiểu vùng như vùng phèn, mặn hay ven đồi núi như vùng Hòn Đất, Kiên Giang tự nó cũng bị thừa, thiếu các chất dinh dưỡng và độc tố rất khác nhau.
Muốn đánh giá đất lúa có bị suy thoái hay không, ta phải dựa vào các chỉ tiêu về vật lý, hóa học của đất làm căn cứ, và cũng cần căn cứ vào một chỉ tiêu rất quan trọng là tình trạng sinh trưởng và năng suất của cây lúa quyết định. Vì khi đất đã bị suy thoái thì làm gì có môi trường tốt để cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao, vụ sau cao hơn vụ trước?
(Còn nữa)