| Hotline: 0983.970.780

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

Thứ Sáu 01/11/2024 , 06:26 (GMT+7)

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Quỳnh Nhai là huyện có số lượng lớn hộ dân phải di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Sau khi người dân định cư trên vùng quê mới, Quỳnh Nhai có vùng nước lòng hồ mênh mông với diện tích hơn 10.500ha, chiều dài hơn 72km. Đây là tiềm năng, thế mạnh để người dân địa phương nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và phát triển du lịch.

Cơ quan chức năng huyện Quỳnh Nhai thường xuyên tổ chức kiểm tra, tuyên truyền ngư dân khai thác thủy sản đúng quy định. Ảnh: Văn Thiệu.

Cơ quan chức năng huyện Quỳnh Nhai thường xuyên tổ chức kiểm tra, tuyên truyền ngư dân khai thác thủy sản đúng quy định. Ảnh: Văn Thiệu.

Song song với việc khai thác tiềm năng nuôi thủy sản, phát triển du lịch, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã ven lòng hồ thủy điện Sơn La thường xuyên chú trọng thực hiện các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững.

Hiện nay, Quỳnh Nhai có có vùng lòng hồ trải dọc địa bàn 9 xã gồm Chiềng Khoang, Mường Sại, Nặm Ét, Chiềng Bằng, Mường Giàng, Chiềng Ơn, Pá Ma Pha Khinh, Mường Chiên và Cà Nàng. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân địa phương phát triển nghề nuôi cá lồng và khai thác thủy sản. Toàn huyện hiện có gần 30 hợp tác xã thủy sản với hơn hơn 1.000 hội viên cùng hơn 600 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản với hơn 700 phương tiện và hơn 100.000 ngư cụ.

Những năm qua, mặc dù đã được các cơ quan chức năng huyện và các xã tích cực tuyên truyền khai thác thủy sản theo quy định, song một số tàu thuyền vãng lai, chưa được quản lý khai thác mang tính tận diệt vẫn cố tình vi phạm, làm nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ bị suy giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái tự nhiên vùng lòng hồ.

Cơ quan chức năng tịch thu ngư lưới cụ đánh bắt thủy sản trái phép trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: Văn Thiệu.

Cơ quan chức năng tịch thu ngư lưới cụ đánh bắt thủy sản trái phép trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: Văn Thiệu.

Ông Điêu Chính Hải, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quỳnh Nhai cho biết: Thời gian qua, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ thủy điện. Định kỳ và đột xuất tổ công tác huyện và các xã tổ chức kiểm tra, rà soát các hoạt động khai thác thủy sản trên lòng hồ. Đồng thời tuyên truyền bà con khai thác đúng quy định, không sử dụng các ngư cụ tận diệt như lưới bát quái, xung điện, hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh trên sông, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Hàng năm, huyện cũng đã tổ chức các hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế lâu dài cho ngư dân…

Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép. Hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn huyện còn gặp một số khó khăn như địa bàn rộng, nhiều thuyền khai thác vãng lai, việc đánh bắt thường diễn ra vào ban đêm. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành quy định của một số người dân chưa tốt, vẫn còn tình trạng sử dụng các loại ngư cụ bị cấm trong khai thác thủy sản. Công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động khai thác thủy sản của một số xã chưa thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, một số xã lúng túng trong việc áp dụng văn bản xử lý vi phạm...

Xã Chiềng Bằng (huyện Quỳnh Nhai) thiêu hủy ngư lưới cụ đánh bắt thủy sản trái phép. Ảnh: Văn Thiệu.

Xã Chiềng Bằng (huyện Quỳnh Nhai) thiêu hủy ngư lưới cụ đánh bắt thủy sản trái phép. Ảnh: Văn Thiệu.

Ghi nhận hiện nay trên vùng lòng hồ sông Đà từ xã Chiềng Khoang đến xã Cà Nàng (huyện Quỳnh Nhai), không khó để bắt gặp những chiếc vó đèn đánh cá của các hợp tác xã và hộ dân đặt trên lòng hồ. Vó đèn là ngư cụ chuyên sử dụng để đánh bắt các loại cá tự nhiên như cá mương, cá ngão, tép dầu...

Mỗi buổi tối thả vó xuống nước, ánh sáng của đèn thu hút các loài côn trùng và dẫn dụ cá đến tập trung dưới bóng đèn, sau đó ngư dân kéo lưới lên thu cá. Không ít ngư dân sử dụng loại lưới có mắt nhỏ nên đánh bắt cả những con cá bé, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguồn lợi cá tự nhiên ngày càng suy giảm. Từ khi được các cơ quan chức năng của huyện và các xã tăng cường tuyên truyền về các quy định trong khai thác thủy sản, ngư dân đã chấp hành sử dụng các dụng cụ đánh bắt theo quy định.

Ông Lò Văn Chiến, bản Ba Nhất, xã Chiềng Bằng (huyện Quỳnh Nhai) cho biết, trước đây bà con thường đánh bắt cá bằng các ngư cụ tự phát, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ. Từ khi tổ công tác của huyện và xã tuyên truyền về sử dụng các ngư cụ đánh bắt cá theo quy định, bà con đã chấp hành nghiêm túc, thực hiện đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền, không sử dụng các ngư cụ đánh bắt tận diệt nữa.

UBND huyện Quỳnh Nhai thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản lòng hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: Văn Thiệu.

UBND huyện Quỳnh Nhai thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản lòng hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: Văn Thiệu.

Chúng tôi theo chân tổ công tác kiểm tra chấn chỉnh khai thác thủy sản xã Chiềng Bằng vào một buổi chiều muộn. Hiện trên địa bàn xã có hơn 310 phương tiện thuyền mộc, thuyền công suất nhỏ; 46 vó bè, vó đèn; 260 cái lưới và hơn 3.500 rọ tôm, bát quái ngư dân đang sử dụng để khai thác thủy sản. Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản đang dần bị suy giảm, UBND xã đã chỉ đạo tổ công tác của xã đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản, quy định về khai thác thủy sản, ngăn chặn tình trạng sử dụng xung điện, chất nổ và ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản, xử lý các hành vi vi phạm đối với các tàu thuyền ngoài địa bàn hoạt động trên vùng nước xã được giao quản lý...

"Để đảm bảo sinh kế lâu dài cho bà con, xã phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp khai thác theo hình thức tận diệt, hủy diệt; tiêu hủy các dụng cụ, ngư cụ sai quy định; buộc các chủ phương tiện ngừng việc khai thác khi ngư cụ không đảm bảo quy định…", ông Mè Văn Phái, Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng cho biết.

Huyện Quỳnh Nhai chú trọng bảo vệ nguồn lợi thủy sản lòng hồ thủy điện Sơn La để tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Ảnh: Văn Thiệu.

Huyện Quỳnh Nhai chú trọng bảo vệ nguồn lợi thủy sản lòng hồ thủy điện Sơn La để tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Ảnh: Văn Thiệu.

Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND huyện Quỳnh Nhai đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh thả hơn 49.000 con cá giống xuống lòng hồ thủy điện Sơn La để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Thời gian tới, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản lòng hồ, tạo sinh kế ổn định cho người dân, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh các hoạt động khai thác thủy sản, vận động các bản, xóm đưa nội dung quy định khai thác thủy sản vào quy ước, hương ước... 

Xem thêm
Ứng dụng AI kiểm soát 90% rủi ro dịch bệnh trên tôm nuôi

TRÀ VINH Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng bù lại người nuôi tôm tiết kiệm được chi phí, tăng mật độ nuôi, đặc biệt kiểm soát được 90% rủi ro dịch bệnh.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.