| Hotline: 0983.970.780

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

Thứ Ba 10/12/2024 , 14:11 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định có gần 5.400 tàu cá tham gia khai thác hải sản trên biển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 265 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với 1.049 tàu cá. Tổ đoàn kết trên biển có vai trò gắn kết, tương trợ lẫn nhau trong quá trình khai thác hải sản trên biển. Thị xã Hoài Nhơn là địa phương có số lượng tổ đoàn kết trên biển nhiều nhất tỉnh Bình Định với 220 tổ, hơn 800 tàu cá đánh bắt xa bờ tham gia.

Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn (Bình Định), các tổ đoàn kết trên biển ở Hoài Nhơn được ví như những “cột mốc sống” góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Điểm nổi bật của các tổ đoàn kết trên biển là mang lại hiệu quả cao về mặt tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành pháp luật, khai thác hải sản hợp pháp. Không chỉ vậy, tổ đoàn kết trên biển còn tổ chức sản xuất hợp lý nhằm làm giảm chi phí cho các tàu cá, góp phần trong việc cứu nạn, cứu hộ mỗi khi có tàu cá hoặc ngư dân gặp nạn trên biển.

Các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định không chỉ hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình đánh bắt còn góp phần nâng cao ý thức ngư dân trong chống khai thác IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định không chỉ hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình đánh bắt còn góp phần nâng cao ý thức ngư dân trong chống khai thác IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo ông Công, tổ đoàn kết thường liên kết từ 3 – 5 tàu/tổ, được thành lập theo nguyên tắc "4 cùng": Cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú và cùng dòng họ, bạn bè thân thích. Thành lập tổ đoàn kết nhằm mục đích nâng cao ý thức, trách nhiệm trong hoạt động khai thác, nhất là tinh thần tương thân, tương trợ, giúp đỡ nhau trong khó khăn, hoạn nạn; hỗ trợ nhau phòng tránh thiên tai, tham gia cứu hộ, cứu nạn; đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự vùng biển.

“Ngoài ra, tổ đoàn kết còn giúp ngư dân trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trong nghề; cung cấp kịp thời thông tin ngư trường, tự làm khâu hậu cần để rút ngắn thời gian đến ngư trường khai thác, đồng thời kéo dài thời gian bám biển, giảm chi phí sản xuất, giảm thất thoát sau thu hoạch; nắm vững giá cả thị trường, chủ động tiêu thụ sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế”, ông Công chia sẻ.

Một trong những tổ đoàn kết trên biển hoạt động hiệu quả ở thị xã Hoài Nhơn là tổ đoàn kết của anh Nguyễn Văn Thượng ở phường Hoài Thanh. Tổ đoàn kết của anh Thượng gồm có 9 tàu với gần 100 ngư dân tham gia, các tàu đều hành nghề lưới vây kiêm nghề câu cá ngừ đại dương, hoạt động chủ yếu ở vùng biển Trường Sa.

Ông Huỳnh Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND phường Hoài Thanh (thị xã Hoài Nhơn) cho biết: Tổ đoàn kết của anh Nguyễn Văn Thượng luôn đi đầu trong chấp hành pháp luật trên biển. Bản thân anh Thượng là một trong những ngư dân tiêu biểu của phường. Các thành viên trong tổ tham dự đầy đủ những buổi tuyên truyền pháp luật và thường xuyên có ý kiến chia sẻ về thực tế đánh bắt, đề xuất cách áp dụng hiệu quả, phù hợp với thực tế.

Các tổ đoàn kết trên biển giúp ngư dân trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong nghề đánh bắt. Ảnh: V.Đ.T.

Các tổ đoàn kết trên biển giúp ngư dân trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong nghề đánh bắt. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Thạch, các tàu cá trong tổ đoàn kết của anh Thượng đều tuân thủ các quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); không để xảy ra tình trạng mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình khi đang đánh bắt trên biển; các thành viên đều ký cam kết tuân thủ quy định chống khai thác IUU.

Nhờ phát huy hiệu quả vai trò tổ đoàn kết trong khai thác nên năng suất đánh bắt tăng, thu nhập cao của những chuyến biển của các tàu cá trong tổ đoàn kết trên biển của anh Thượng đã thu hút, giữ chân được lao động đi biển, tạo hiệu ứng tốt trong việc tuân thủ quy định IUU của ngư dân phường Hoài Thanh.

“UBND phường Hoài Thanh vừa phối hợp với Đồn Biên phòng Tam Quan Nam cùng anh Thượng thực hiện việc ký cam kết tuân thủ Nghị định số 38/2024/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn xử lý hình sự hành vi khai thác, mua bán trái phép thủy sản. UBND phường đã đề nghị anh Thượng cùng phối hợp tuyên truyền hai Nghị định nói trên đến với tất cả ngư dân”, ông Huỳnh Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND phường Hoài Thanh chia sẻ.

Xem thêm
Cho chim câu ấp trứng giả, tăng thu nhập thật

HƯNG YÊN Ông Hoàng Văn Hiệp ở xã Việt Hưng (Văn Lâm, Hưng Yên) nuôi 2.500 đôi bồ câu Pháp, mỗi tháng xuất chuồng 2.400 chim thương phẩm, lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng.

Hai trường hợp tử vong ở Đồng Nai liên quan tới bệnh dại

Trước tình hình dịch bệnh dại tăng cao, gây tử vong ở người, UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành văn bản chỉ đạo xử lý triệt để dịch bệnh dại trên địa bàn.

Đưa khoai tây về miền nắng gió

Quảng Bình Khoai tây - loài cây ưa lạnh và khí hậu mát mẻ, lại sống khỏe trên vùng đất cát pha nắng gió Quảng Bình, mở ra hướng đi mới cho nông dân địa phương.

Không để hết tiền là hết dự án

Nhìn từ dự án tăng cường chuỗi cây trồng an toàn phối hợp cùng JICA, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia gợi mở một số điểm khi xây dựng mô hình sắp tới.

Doanh nghiệp là hạt nhân phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ninh Thuận Những năm qua, với nhiều chính sách ưu đãi cùng khí hậu rất thích hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao nên hàng loạt doanh nghiệp đã đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận.

Doanh nghiệp mong Nghị quyết 57 sớm đi vào cuộc sống

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Nghị quyết 57 được kỳ vọng là cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan nghiên cứu nhà nước, càng triển khai sớm càng đem lại hiệu quả cao.

Bàn giao hơn 15.000 cây giống phục hồi rừng

TP. HUẾ Hơn 15.000 cây giống sẽ được trồng để làm giàu rừng bản địa và rừng ngập mặn, qua đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc vệ môi trường, bảo vệ rừng.