| Hotline: 0983.970.780

Cảng cá sửa chữa kéo dài, ngư dân Quảng Bình đôn đáo tìm nơi cập bến

Thứ Ba 03/12/2024 , 15:07 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Hiện chỉ còn cảng cá Nhật Lệ phục vụ nên tàu của cá ngư dân Quảng Bình phải ‘tăng bo’ đến các cảng cá tỉnh bạn để bốc dỡ hàng…

Tỉnh Quảng Bình hiện có hai cảng cá được xếp loại 2 là cảng cá Sông Gianh (huyện Bố Trạch) và cảng cá Nhật Lệ (thành phố Đồng Hới). Ngoài ra, còn có 3 cảng cá là Mũi Ông (xã Quảng Đông, Quảng Trạch), Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn) và Việt Trung (xã Thanh Trạch, Bố Trạch).

Do đã xuống cấp nên cảng cá Sông Gianh được nâng cấp sữa chữa từ tháng 1/2023 và cảng đã đóng cửa. Theo kế hoạch đến tháng 9/2023, cảng cá Sông Gianh sẽ hoàn thành nâng cấp và sẽ được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, do việc thi công gặp khó khăn nên tỉnh Quảng Bình đã gia hạn hoàn thành các hạng mục vào cuối năm 2024.

Cảng cá Sông Gianh đang được thi công. Ảnh: T. P.

Cảng cá Sông Gianh đang được thi công. Ảnh: T. P.

Bà Nguyễn Thị Lý làm dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng cá Sông Gianh cho biết gần hai năm cảng cá đóng cửa, bà phải dừng hoạt động kinh doanh nên rất khó khăn. “Lẽ ra, công trình này cấn gấp rút hoàn thành để phục vụ tàu cá của ngư dân nhưng việc sửa chữa nâng cấp quá chậm trễ, gây khó khăn cho bà con” - bà Lý bộc bạch.

Hiện tại, Quảng Bình chỉ còn cảng cá Nhật Lệ đang hàng ngày đón tàu vào bốc hàng. Tuy nhiên, do năng lực có hạn nên không thể đáp ứng được nhu cầu cho ngư dân.

Tại xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) có đội tàu cá đánh bắt xa bờ 215 chiếc. Đội tàu này thường xuyên cập cảng cá Sông Gianh nhưng do cảng cá này đã dừng hoạt động nên bà con ngư dân đang gặp khó. Ông Nguyễn Ngọc Tiếp, Chủ tịch Hội Nông dân xã cảnh Dương cho hay, thường tàu cá ngư dân vào bốc hàng tại cảng cá Sông Gianh và lấy hàng hóa, nhiên liệu để xuất bến ra khơi.

“Tuy nhiên gần hai năm nay, cảng cá Sông Gianh dừng hoạt động nên ngư dân phải chạy tàu đi xa thêm gần 50 cây số nên vất vả, tốn kém hơn nhiều” - ông Tiếp nói.

Nhiều chủ tàu cá cũng than trời khi phải chạy tới, chạy lui để làm thủ tục nhập, xuất bến. Ngư dân Nguyễn Văn Tư (xã Cảnh Dương) cho hay, mỗi năm có khoảng chục chuyến vươn khơi xa, chuyến nào cũng phải “cõng” thêm chi phí do phải chạy vào tận cảng cá Nhật Lệ dỡ hàng và làm thủ tục.

“Vì cảng cá Sông Gianh sửa chữa nên ngư dân chúng tôi phải chạy thêm 4 - 5 giờ đồng hồ để vào cảng cá Nhật Lệ. Mỗi chuyến hành trình về nhập hải sản và xuất đi phải chạy hai lượt, chi phí tăng thêm ngót chục triệu đồng” - ông Tư bộc bạch.

Nhiều tàu cá của ngư dân cập bến bốc dỡ hàng không đúng nơi quy định. Ảnh: T. P.

Nhiều tàu cá của ngư dân cập bến bốc dỡ hàng không đúng nơi quy định. Ảnh: T. P.

Do thiếu cảng cá để bốc dỡ hải sản khai thác nên tàu cá của ngư dân Quảng Bình phải chạy vòng quanh tìm nơi cập bến để đảm bảo các thủ tục pháp lý. Thậm chí, nhiều tàu cá đã phải cập bến, bốc dỡ hàng ở những nơi sai quy định.

Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình, việc thiếu cảng cá khiến tàu cá của ngư dân Quảng Bình gặp khó vì phải chạy ra ngoại tỉnh, các dịch vụ hậu cần nghề cá thiếu khách hàng và các cơ quan kiểm soát tàu cá không kiểm soát được tàu cá.

“Hiện do không có đủ cảng cá nên việc giám sát sản lượng thủy sản của tỉnh được đánh giá thấp nhất toàn quốc” - ông Linh cho hay.

Việc nâng cấp cảng cá Sông Gianh do Sở KH-ĐT Quảng Bình làm chủ đầu tư. Ông Nguyễn Viết Vương, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án cho hay đang kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để cố gắng hoàn thành, sớm đưa công trình vào sử dụng.

Ông Hoàng Minh Ngữ, Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Trường Xuân, đơn vị thi công một số hạng mục công trình cảng cá Sông Gianh cho biết, do thi công trong điều kiện khó khăn, phải phụ thuộc triều cường nên kéo dài thời gian. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng cam kết hoàn thành vào cuối năm nay để bàn giao công trình” - ông Ngữ cho hay.

Xem thêm
Tương lai nuôi biển bền vững của Việt Nam và Na Uy

Quy hoạch không gian biển, tăng cường năng lực dự báo, cung cấp bảo hiểm biển là các lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác nuôi trồng thủy sản giữa Việt Nam - Na Uy.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.