| Hotline: 0983.970.780

Lúng túng xử phạt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Thứ Ba 26/11/2024 , 15:02 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Sau khi bắt giữ tàu cá vi phạm, cơ quan chức năng nước ngoài không cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan khiến nhiều vụ kéo dài do không đủ cơ sở xử lý.

Còn nhiều vướng mắc

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh này đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản 90 trường hợp với tổng số tiền hơn 10 tỉ đồng. Trong đó xử phạt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài 8/10 trường hợp với số tiền hơn 7 tỉ đồng, còn 2 tàu chưa xử lý do chưa có thông báo chính thức.

Ngoài ra, có 49 tàu cá bị mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển bị phạt với số tiền gần 3 tỉ đồng. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng xử phạt các vi phạm khác 41 trường hợp với số tiền hơn 7,5 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Bình Định, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2023 đến ngày 31/8/2024, trong đó có xử phạt tàu cá đánh bắt hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài còn nhiều vướng mắc.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Bình Định trao quyết định xử phạt cho gia đình có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: V.Đ.T.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Bình Định trao quyết định xử phạt cho gia đình có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: V.Đ.T.

Trong thời gian này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác mà không có giấy phép đối với 10 chủ tàu cá với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng.

Tuy nhiên đến nay, 10 chủ tàu cá nói trên đều chưa chấp hành nộp phạt bởi hầu hết chủ tàu đã bị nước ngoài bắt giữ, tàu cá và ngư lưới cụ thì bị tịch thu, tiêu hủy, trong khi số tiền xử phạt 900 triệu đồng đối với mỗi trường hợp vi phạm là quá lớn mà tài sản xác minh của chủ tàu vi phạm có rất ít, không đủ nộp phạt.

“Xử phạt hành chính chủ tàu cá vi phạm còn nhiều khó khăn, vướng mắc khác. Đơn cử, sau khi bắt giữ tàu cá vi phạm, cơ quan chức năng nước ngoài từ khi bắt giữ, xử lý tàu cá, trả ngư dân về Việt Nam đều không cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan, dẫn đến nhiều vụ việc kéo dài do không đủ chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm”, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ.

Kiên quyết xử lý rốt ráo

Để tránh tình trạng chủ tàu cá “vin” lý do không còn tài sản để nộp phạt, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Văn phòng Đăng ký đất đai (đơn vị trực thuộc Sở TN-MT Bình Định) để xác minh, tìm hiểu thông tin về đất đai, nhà ở và tài sản gắn liền với đất của các chủ tàu cá đã bị Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng không tự nguyện chấp hành. Đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Định xác minh, tìm hiểu thông tin về tài khoản, số dư tài khoản, số tiền gửi, tài sản gửi, tài sản do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nhận quản lý, bảo quản và thông tin khác có liên quan đến các chủ tàu cá đã bị Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Đồn Biên phòng xã Cát Khánh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của huyện Phù Cát, cấp ủy, chính quyền các xã Cát Minh, Cát Hanh, Cát Trinh và thị trấn Cát Tiến tổ chức xác minh tài sản của các chủ tàu, gia đình chủ tàu cá và những người liên quan cụ thể để phục vụ công tác kê biên, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đạt kết quả.

Tàu cá của ngư dân Bình Định hoạt động tại miền Nam, đây là nhóm tàu có nguy cơ cao đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: V.Đ.T.

Tàu cá của ngư dân Bình Định hoạt động tại miền Nam, đây là nhóm tàu có nguy cơ cao đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: V.Đ.T.

Chỉ đạo các lực lượng bộ đội biên phòng phối hợp với lực lượng công an các cấp tiến hành làm việc với các ngư dân, nhất là thuyền trưởng, chủ tàu cá khi được nước ngoài trao trả về nước; khẩn trương xác minh, thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ để báo cáo, tham mưu đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các quyết định xử phạt theo thẩm quyền.

Theo ông Đỗ Văn Ngộ, Bí thư Huyện uỷ Phù Cát, huyện này có 682 tàu cá, trong đó có 236 tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m. Số tàu này có giá trị không lớn, thường xuyên đánh bắt ở ngư trường phía Nam. Hàng năm, chủ tàu có về địa phương thăm gia đình nhưng không đưa tàu về nên công tác quản lý gặp rất nhiều trở ngại. Ngành chức năng quản lý số tàu này chủ yếu thông qua việc tiếp cận người thân chủ tàu, theo dõi nắm bắt thông tin.

“Số tàu này chủ yếu hành nghề câu mực, mặc dù đã được tuyên truyền nhưng vẫn cố tình vi phạm. Cũng có thông tin cho rằng, những tàu cá nói trên đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài theo dẫn dắt của môi giới. Do đó, bên cạnh việc theo dõi, sử dụng các biện pháp ngăn chặn, Huyện ủy Phù Cát giao cho công an tiếp tục nắm tình hình, xác minh, nếu thấy có vi phạm, có yếu tố dẫn dắt người ra nước ngoài đánh bắt vi phạm thì phải xử lý nghiêm khắc”, ông Đỗ Văn Ngộ cho biết.

Xem thêm
Tín hiệu khả quan kết thúc năm khó khăn của ngành tôm ĐBSCL

ĐBSCL Tại ĐBSCL, thời điểm này đang cao điểm thu hoạch tôm, giá tôm nguyên liệu có tín hiệu tăng từ nửa đầu tháng 9, dự kiến còn giữ đà tăng đến đầu năm sau.

Phụ phẩm ngành tôm có thể mang về cả tỷ USD

CẦN THƠ Tận dụng phụ phẩm trong ngành tôm mở ra cơ hội giúp doanh nghiệp thu về hàng tỷ USD.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.