| Hotline: 0983.970.780

Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Thứ Sáu 20/12/2024 , 08:05 (GMT+7)

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Ông Hoàng Văn Hồng (giữa), Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thăm cơ sở chế biến cá hồi, cá tầm tại Lào Cai. Ảnh: H.Đ.

Ông Hoàng Văn Hồng (giữa), Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thăm cơ sở chế biến cá hồi, cá tầm tại Lào Cai. Ảnh: H.Đ.

Sản xuất cá nước lạnh ngày càng phát triển mạnh

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cá nước lạnh đã được nhiều địa phương xem như một trong những đối tượng nuôi quan trọng, góp phần vào khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh. Việc phát triển nuôi cá tầm trong những năm qua đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Nga, Italia, Bungari, Iran, Mỹ, Pháp, Việt Nam, Ba Lan và Đức).

Ngoài tận dụng tốt diện tích mặt nước vốn không thích hợp để nuôi các đối tượng thủy sản nước ngọt truyền thống, việc phát triển nuôi cá nước lạnh ở vùng cao còn góp phần tạo việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng tại vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới.

Trong đó, Lâm Đồng và Lào Cai đã trở thành vùng phát triển sản xuất cá nước lạnh nhanh và tập trung nhiều cơ sở sản xuất có quy mô lớn. Với điều kiện khí hậu, địa hình tương đồng Lào Cai, những tỉnh phía Bắc như Yên Bái, Lai Châu người dân cũng bắt đầu phát triển mạnh cá nước lạnh.

Nghề nuôi cá nước lạnh ngày càng phát triển mạnh ở Lào Cai. Ảnh: H.Đ.

Nghề nuôi cá nước lạnh ngày càng phát triển mạnh ở Lào Cai. Ảnh: H.Đ.

Hiện nay, các cơ sở sản xuất trong nước ngày càng tự chủ được việc sản xuất con giống cá nước lạnh giúp hạ giá thành sản phẩm, hạn chế phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Vấn đề thức ăn cho cá cũng đã được giải quyết, trước năm 2015 phải nhập khẩu từ các nước châu Âu thì nay doanh nghiệp trong nước tự sản xuất đáp ứng đến 95% nhu cầu thị trường. Thức ăn sản xuất trong nước chỉ từ 30 - 36 nghìn đồng/kg với hệ số chuyển đổi thức ăn từ 1,6 - 1,8. Số ít nhập khẩu thức ăn cho cá hương và cá giống. 

Cá nước lạnh hiện chủ yếu tiêu thụ tươi sống hoặc cấp đông mà chưa qua chế biến sâu tại các thành phố lớn, khu du lịch như Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Nha Trang… Có ít doanh nghiệp xây dựng mô hình khép kín từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, chế biến, xuất khẩu trứng cá tầm và các sản phẩm thịt cá. Trong khi nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng. 

Vẫn còn tình trạng tranh chấp nước

Lào Cai hiện có trên 1.100 cơ sở nuôi cá hồicá tầm với tổng thể tích 360 nghìn m3, sản lượng năm 2024 khoảng 1.200 tấn (gần gấp đôi 2017), tập trung ở Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn… Một số cơ sở đã sản xuất được trứng cá tầm nhưng số lượng hạn chế, chủ yếu nhập cá bột về ương nuôi với số lượng khoảng 2 triệu con cá bột/năm.

Ở Sa Pa đã có những cơ sở tự chủ sản xuất cá tầm giống để phân phối ra thị trường. Ảnh: H.Đ.

Ở Sa Pa đã có những cơ sở tự chủ sản xuất cá tầm giống để phân phối ra thị trường. Ảnh: H.Đ.

Trong khi đó, do địa hình phức tạp nên việc nuôi cá tại Lào Cai phân bố rải rác, quy mô khác nhau. Người dân sử dụng bể lót bạt, bể xi măng từ 100m3 đến 3.500m3...

Trên địa bàn tỉnh này cũng đã hình thành những chuỗi liên kết khép kín từ nuôi đến bàn ăn, nhà hàng, khách sạn. Trong đó, Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh Sa Pa, Công ty TNHH Song Nhi có tổng số hơn 100 ao nuôi, cung cấp con giống, thức ăn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Đồng thời, các đơn vị này còn phối hợp với Hội Nông dân thị xã Sa Pa hỗ trợ người nuôi tiếp cận vốn vay và chuyển giao khoa học kỹ thuật…

Hợp tác xã Nuôi trồng, chế biến thủy sản Thức Mai ngoài tự sản xuất giống, cung ứng thức ăn cho cá còn liên kết thu mua cá của trên 30 hộ dân…

Các mô hình sản xuất cá nước lạnh theo chuỗi trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã giúp các cơ sở chủ động quản lý chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, việc nuôi cá nước lạnh ở Lào Cai còn gặp không ít khó khăn và thách thức. Theo bà Đào Minh Huệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai, ngành nuôi cá nước lạnh xảy ra tình trạng phát triển nóng ở một số địa phương. Trong đó, việc khai thác, sử dụng nguồn nước lạnh chưa hiệu quả, còn tình trạng sử dụng nguồn nước lãng phí, xảy ra tình trạng tranh chấp nguồn nước. Thiên tai, lũ ống, lũ quét tiềm ẩn nguy cơ cao đe dọa nuôi cá nước lạnh.

Người dân vùng cao hiện đã làm chủ công nghệ nuôi cá nước lạnh. Ảnh: H.Đ.

Người dân vùng cao hiện đã làm chủ công nghệ nuôi cá nước lạnh. Ảnh: H.Đ.

Chất lượng con giống cá tầm khó kiểm soát về số lượng, chất lượng. Sản xuất vẫn nhỏ lẻ, manh mún, dựa vào kinh nghiệm, thiếu ổn định. Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến, có hiệu quả vào sản xuất còn hạn chế.

Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, nước chưa cao, thiếu những vùng sản xuất thủy sản hàng hóa an toàn gắn kết với thị trường; phát sinh một số dịch bệnh như nấm, ký sinh trùng, bệnh do vi khuẩn; việc sử dụng thuốc, sản phẩm xử lý môi trường chưa đúng kỹ thuật…

Quy hoạch lại vùng nuôi và ứng dụng khoa học công nghệ 

Qua nắm bắt thực trạng và thông tin từ người nuôi, theo ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá các tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh nhờ đồi núi dốc, nguồn nước sạch, có tiềm năng gắn với các khu du lịch nghỉ dưỡng…

Tuy nhiên, trước điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, hạn hán, mưa lũ, nhiệt độ tăng cao cũng là những thách thức lớn. 

“Nếu người dân biết tận dụng lợi thế của địa phương, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, trong đó có công nghệ nuôi tuần hoàn và lựa chọn mùa vụ nuôi phù hợp thì hoàn toàn có thể biến các khó khăn thành lợi thế để vươn lên làm giàu, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số”, ông Hoàng Văn Hồng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững nghề nuôi cá nước lạnh, cần phải quy hoạch lại vùng nuôi cho phù hợp. Quản lý tốt chất lượng con giống, thức ăn, các vật tư đầu vào vì điều này quyết định đến màu sắc, chất lượng cá hồi, cá tầm. Kịp thời xử lý các sản phẩm cá giống, thức ăn, thuốc, hoá chất không đảm bảo chất lượng.

Các kỹ thuật viên ép trứng cá tầm để thụ tinh, nhân cá giống. Ảnh: H.Đ.

Các kỹ thuật viên ép trứng cá tầm để thụ tinh, nhân cá giống. Ảnh: H.Đ.

Ngoài ra, phải thu gom, xử lý chất thải, xây dựng và phát triển các mô hình nuôi có trách nhiệm, kiểm soát kháng sinh, hoá chất, mô hình nuôi thân thiện với môi trường. Cùng với đó, quan trắc, cảnh báo môi trường, thời tiết để khuyến cáo người nuôi cá nước lạnh kịp thời nắm bắt.

Mặt khác, xây dựng mô hình liên kết sản xuất, mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi cá nước lạnh, trong đó khuyến nông phải thể hiện được vai trò, vị trí trung tâm trong liên kết sản xuất, cụ thể là thành viên các tổ khuyến nông cộng đồng. Tăng cường hợp tác công - tư, phối hợp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân. Đặc biệt là các giải pháp công nghệ giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải, nâng cao hiệu quả...

Tăng cường truyền thông, giới thiệu các mô hình nuôi cá nước lạnh hiệu quả, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu để nhân rộng. Giới thiệu các sản phẩm cá hồi, cá tầm sơ chế, chế biến, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.

Để phát triển bền vững nghề nuôi cá nước lạnh, không thể thiếu sự đồng hành của các doanh nghiệp trong việc cung cấp các giải pháp công nghệ, thức ăn, con giống, vật tư đầu vào và đơn vị thu mua, chế biến sản phẩm.

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.