| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi đang là lĩnh vực đóng góp chính cho ngành nông nghiệp

Thứ Năm 03/09/2020 , 14:44 (GMT+7)

Với tốc độ tăng trưởng trên 6,7%, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các đơn vị phải bảo vệ được thành quả, duy trì đóng góp cho ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản sáng 3/9 tại Hà Nội. Ảnh: Nguyên Huân.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản sáng 3/9 tại Hà Nội. Ảnh: Nguyên Huân.

Chăn nuôi tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây

Phát biểu tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản sáng 3/9 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường ghi nhận kết quả ngành chăn nuôi 8 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng nhanh, đạt 6,7%, lớn nhất trong lịch sử.

Bộ trưởng đặc biệt đánh giá cao tốc độ phát triển khá cao, nhưng lại rất đồng bộ, toàn diện của ngành chăn nuôi khi cả gia súc, gia cầm và thủy sản đều tốt. Trong khi các năm trước, "được con lợn mất con gà, được còn gà mất con trâu", riêng năm 2020 được toàn diện cả gia súc, gia cầm và thủy sản.

Về công tác thú y, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao các hoạt động hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước, của các đơn vị dịch vụ, doanh nghiệp, người dân. Công tác quản lý chung của hệ thống ngành nông nghiệp nói chung, hệ thống chăn nuôi thú y nói riêng thông suốt, từ Chính phủ, các Bộ, ngành tới các tỉnh, thành địa phương là tác nhân quan trọng giúp ngành chăn nuôi đạt được kết quả ấn tượng như hiện nay.

Bằng chứng, đến nay 98% số xã bị dịch tả lợn Châu Phi đã được không chế qua 30 ngày. Mặc dù vẫn xuất hiện một số ổ dịch cúm gia cầm lẻ tẻ, song chưa khi nào đàn gia cầm Việt Nam đạt xấp xỉ 500 triệu con như hiện nay.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh tới vai trò của của khối các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, bởi nếu không có khối các doanh nghiệp lớn giữ được tổng đàn, cục diện ngành chăn nuôi không thể có được kết quả rõ rệt như thời điểm này. Minh chứng rõ nhất là trong thời gian rất ngắn, từ đáy 2,7 triệu nái do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, nay tổng đàn lợn nái cả nước đã tăng lên 3 triệu con.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đặc biệt lưu ý bệnh thủy sản trên con tôm. Bởi từ tháng 9 này trở đi tăng trưởng xuất khẩu tôm sẽ rất cao, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên tôm rất cao, cần quản lý giám sát tôm giống thật kỹ lưỡng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khuyến cáo đặc biệt việc ưu tiên sử dụng vôi bột để sát trùng, khử trùng trong phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Nguyên Huân.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khuyến cáo đặc biệt việc ưu tiên sử dụng vôi bột để sát trùng, khử trùng trong phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Nguyên Huân.

Tuyệt đối không được lơ là chủ quan

Mặc dù ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặc biệt lưu ý, "trông cây quanh năm không bằng một ngày trông quả", bởi 4 tháng còn lại cuối năm 2020 vô cùng quan trọng, nguy cơ rủi ro dịch bệnh thách thức rất lớn tới thành quả trong 8 tháng đầu năm.

“Chưa bao giờ mật độ chăn nuôi nhiều như hiện nay, nguy cơ bùng phát dịch bệnh khá cao. Các mầm bệnh và nguồn lây lan bên ngoài, từ biên giới, thậm chí mầm bệnh ngay tại chỗ vẫn luôn thường trực. Trong khi đó, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm cơ cấu rất lớn trong tổng thể ngành chăn nuôi của nước ta nên nếu lơ là chủ quan dịch bệnh có thể 'thổi bay' thành quả đạt được”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.

Hơn nữa, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý diễn biến thời tiết bất thuận năm nay, chưa bao giờ trong lịch sử giao thừa mưa to, mưa đá tại các tỉnh phía Bắc như năm nay; trên thế giới, Ấn Độ, Trung Quốc mưa lũ lớn nhất trong lịch sử. Do đó, rất có thể năm nay miền Bắc sẽ rét sớm, rét đậm, cần có giải pháp ngay từ bây giờ để bảo vệ đàn gia súc.

Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, thực tế việc bùng phát cúm gia cầm vừa qua cho thấy đa phần do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tiêm vacxin đầy đủ.

Vấn đề này các địa phương cần hết sức chú ý, bởi lứa đầu chuyển đổi từ nuôi lợn sang nuôi gia cầm đa phần bà con chăn nuôi đều thành công bởi vì môi trường vẫn sạch bệnh, tuy nhiên, áp lực dịch bệnh ở lứa thứ 2, thứ 3 mới thực sự là vấn đề cần phải lưu tâm.

Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thú y từ nay đến cuối năm, ưu tiên phòng là chính, trong đó vệ sinh tiêu độc khử trùng là giải pháp hàng đầu.

Bộ trưởng khuyến cáo đặc biệt việc ưu tiên sử dụng vôi bột để sát trùng, khử trùng, bởi theo Bộ trưởng "vôi bột vào chuồng tốt chuồng, chảy ra vườn tốt vườn, chảy xuống ao tốt ao". Vôi bột còn có ưu điểm nữa là diệt được vi khuẩn, virus có hại, bảo vệ được vi sinh vật có lợi mà giá thành lại rất rẻ so với thuốc sát trùng, khử trùng.

Với những loại dịch bệnh đã có vacxin, Bộ trưởng giao Cục Thú y phải triển khai tiêm phòng đầy đủ, định kỳ tối đa trên đàn vật nuôi. Riêng vacxin dịch tả lợn Châu Phi cần đẩy nhanh tiến độ, tăng cường hợp tác quốc tế để có những bước tiến, kết quả cao hơn. Đặc biệt chú ý làm tốt công tác khuyến nông, truyền thông trên tinh thần rất minh bạch, chủ động thông tin dịch bệnh, không giấu giếm gì cả. "Có con lợn, con gà, con trâu nào chết đều khai hết", vừa qua OIE cũng đánh giá rất cao sự minh bạch của Việt Nam về vấn đề này.

“Sau hội nghị này, đề nghị Cục Thú y hoàn thiện 4 báo cáo chuyên đề để gửi các tỉnh, thành làm căn cứ chỉ đạo điều hành. Biểu dương các doanh nghiệp rồi, tôi đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tiếp tục làm hạt nhân để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Cố gắng để từ nay đến cuối năm, chăn nuôi sẽ trở thành ngành đóng góp chính cho nông nghiệp, nhưng sự đóng góp phát triển đó phải thực sự bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đặc biệt lưu ý tới việc tiêm phòng vacxin tại một số địa phương. Đơn cử như con vịt, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nghĩ chỉ nuôi hơn 40 ngày nên không tiêm là sai lầm rất lớn và thực tế dịch cúm gia cầm đã tấn công ngay vào đàn vịt không tiêm này.

Bên cạnh đó, một số tỉnh vẫn để bùng phát dịch lở mồm long móng trên trâu, bò. Do đó, cần rà soát lại quy trình đầu thấu, sử dụng vacxin để sớm chấm dứt bệnh lở mồm long móng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam trong thời gian tới.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cầm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.