| Hotline: 0983.970.780

Người chăn nuôi Cư M’gar tái đàn theo kiểu... dò đường

Thứ Hai 31/08/2020 , 08:51 (GMT+7)

Hiện nay, dịch tả heo Châu Phi ở huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) đã cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên việc tái đàn ở các trang trại, hộ chăn nuôi vẫn đang còn chậm.

Ông Nguyễn Văn Thiện ở buôn Ea Kiêng là một trong những hộ chăn nuôi heo với số lượng lớn ở xã Ea Tar, với quy mô 20 - 25 con nái. Bình quân, mỗi năm ông xuất bán ra thị trường 25 – 30 tấn heo hơi, mang về nguồn thu nhập cả trăm triệu đồng.

Do dịch tả heo Châu Phi, năm 2019 hàng trăm con heo của gia đình bị mắc bệnh buộc phải tiêu huỷ, gây thiệt hại lớn. Đến nay, ông đang phải tạm treo chuồng, phần vì không có vốn, phần không dám mạo hiểm sợ nếu có dịch tả heo Châu Phi lại xảy ra thì sẽ thêm một lần thiệt hại, thậm chí cụt hết vốn liếng.

Giá con giống cao khiến nhiều người chăn nuôi ở huyện Cư M’gar vẫn chưa thể tái đàn heo sau dịch. Ảnh: T. Dũng.

Giá con giống cao khiến nhiều người chăn nuôi ở huyện Cư M’gar vẫn chưa thể tái đàn heo sau dịch. Ảnh: T. Dũng.

Dẫn chúng tôi thăm khu chuồng nuôi của gia đình bỏ không, ông Thiện chia sẻ: “Có tháng nhà tôi chết 50 – 60 con heo, tổng thiệt hại lên đến 270 con lớn nhỏ. Bình quân, mỗi con heo trị giá 1.100.000 đồng thì số tiền thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Chuồng nuôi đành bỏ không từ tháng 6/2019, tiếc lắm chứ, nhưng không biết làm sao được”.

Cũng do dịch bệnh, gia đình bà Bùi Thị Mai ở thôn 2A, xã Ea M’nang cũng đang rất dè dặt tái đàn heo, chỉ dám duy trì một số lượng đầu heo nhất định. Một mặt để theo dõi dịch bệnh, mặt khác vì giá con giống đang quá cao nên bà không dám mạo hiểm. “Với giá con giống như hiện nay, nếu không cân đối, tính toán kỹ sẽ không có lãi, thậm chí thua lỗ”, bà Mai lo lắng.

Hiện nay, dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn huyện Cư M’gar cơ bản được kiểm soát. Toàn huyện chỉ xảy ra ổ dịch ở 02 hộ chăn nuôi tại thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp và buôn Jôk, xã Ea H’ding vào tháng 1 và tháng 3/2020, đã tiêu hủy 12 con heo mắc bệnh, với 679kg heo hơi. Đến ngày 29/04/2020, UBND huyện đã công bố hết dịch tả và chưa ghi nhận tái phát dịch bệnh.

Lực lượng chức năng tiêu huỷ heo mắc bệnh tả heo Châu Phi tại xã Cư M’gar. Ảnh T. Dũng.

Lực lượng chức năng tiêu huỷ heo mắc bệnh tả heo Châu Phi tại xã Cư M’gar. Ảnh T. Dũng.

Ông Nguyễn Quang Đức, Trưởng Trạm Chăn nuôi – Thú ý huyện Cư M’gar cho biết: “Nhìn chung, người chăn nuôi heo trên địa bàn huyện đều đang gặp khó khăn tái đàn sau dịch vì nguồn giống khan hiếm và giá giống tăng cao. Nếu như trước đây, mỗi con heo giống giao động từ 600.000 – 1.600.000 đồng thì đến nay đã tăng lên 2.000.000 – 3.500.000 đồng, tùy theo trọng lượng.

Bên cạnh đó, sợ rủi ro dịch có thể bùng phát khiến người chăn nuôi không mặn mà, một số hộ đã giảm quy mô đàn, hoặc chuyển sang chăn nuôi lĩnh vực khác. Hiện nay, tổng đàn heo toàn huyện có khoảng hơn 22.670 con, giảm 40% con so với trước khi xảy ra bệnh dịch tả lợn Châu Phi”.

Để việc tái đàn heo hiệu quả, hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra, huyện Cư M’gar đang đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng cho đàn heo, tiêu độc khử trùng chuồng trại, khuyến khích người chăn nuôi sử dụng con giống tại chỗ, giám sát để xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh, không để lây lan ra diện rộng…

Xem thêm
Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.