Báo cáo với đoàn lãnh đạo, ông Phạm Thanh Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Ba Huân (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) chia sẻ, đây là nhà máy đầu tiên của Ba Huân tại miền Bắc, có quy mô 2ha, tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, công suất xử lý 65.000 trứng/giờ.
Khu xử lý trứng gia cầm công nghệ cao của Công ty Ba Huân. |
Công ty đã nhập thiết bị xử lý trứng tự động hóa 100% của hãng Moba - Hà Lan, hãng đứng đầu thế giới về các thiết bị xử lý trứng gia cầm. Trứng được xử lý và diệt khuẩn đạt chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Quy trình xử lý trứng qua 8 công đoạn: Rửa trứng; sấy khô; chiếu tia UV diệt khuẩn; soi tìm trứng hư, nứt; áo một lớp dầu bảo vệ giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài vào trong trứng; in nhãn hiệu và ký hiệu để truy xuất nguồn gốc từng quả trứng (khi cần); cân trọng lượng và đóng hộp thành phẩm.
Ngoài ra, tại nhà máy còn xây dựng hệ thống kho mát, kho lạnh giúp trung chuyển các mặt hàng chế biến như xúc xích, lạp xưởng... từ TP Hồ Chí Minh ra miền Bắc.
“Nhà máy đi vào hoạt động sẽ thu mua một lượng không nhỏ trứng gia cầm trên địa bàn Hà Nội và các địa phương lân cận phục vụ chế biến. Điều này sẽ góp phần mở rộng đầu ra cho các hộ chăn nuôi và thúc đẩy chương trình sản xuất sạch trên địa bàn Hà Nội”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hùng, Công ty Ba Huân đã hoàn chỉnh chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Hiện, Công ty đang cung ứng sản phẩm (thịt, trứng) cho các siêu thị, trường học…
Bữa ăn của các em học sinh Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (Nam Từ Liêm, Hà Nội) luôn có món trứng. |
Là một trong những điểm trường thường xuyên mua trứng của Công ty Ba Huân, bà Trịnh Thúy Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, nhà trường mua trứng gia cầm của Công ty đã gần 3 năm nay. Chất lượng trứng tốt, thơm ngon, đảm bảo sức khỏe. Mỗi tuần nhà trường sử dụng hơn 650 quả trứng để chế biến món ăn cho các em.
Nhà trường thường xuyên phối hợp với Ban phụ huynh xuống tận trang trại, khu xử lý chế biến trứng gia cầm của Công ty Ba Huân để kiểm tra quy trình sản xuất, nguồn gốc thực phẩm của Công ty…
Tham quan mô hình trại gà bố mẹ và nhà máy xử lý trứng lý trứng gia cầm công nghệ cao của Công ty Ba Huân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, bà Hạ Thúy Hạnh đánh giá cao mô hình chăn nuôi theo chuỗi từ chăn nuôi, xử lý trứng cho đến tiêu thụ đầu ra của Công ty đều rất đảm bảo, an toàn.
Công ty đã thực hiện tốt các quy trình sản xuất; đầu tư trang trại chăn nuôi gà lấy trứng công nghệ cao với tổng đàn 1 triệu con, hệ thống máy móc hiện đại phục vụ cho việc xử lý trứng…
Đoàn lãnh đạo tham quan mô hình nuôi gà Lạc Thủy an toàn sinh học của HTX gà Lạc Thủy. |
Về mô hình nuôi gà Lạc Thủy, anh Bùi Đông Giang, Giám đốc HTX Gà Lạc Thủy (xã An Bình, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) cho hay, đây là giống gà bản địa, có bộ lông mọc sớm nên sức chống chọi thời tiết tốt, thích hợp nuôi cả 4 mùa trong năm. Ngoại hình đồng nhất, gà con 1 ngày tuổi lông trắng ngà; khi trưởng thành gà mái lông màu lá chuối khô nhạt, trọng lượng khoảng 1,5kg; gà trống trưởng thành lông màu đỏ mận, trọng lượng khoảng 2kg, chân nhỏ, da chân vàng, da thịt vàng, khá dễ nuôi và dễ tiêu thụ.
Thời gian nuôi gà thịt khoảng 4 - 4,5 tháng, tỉ lệ sống khoảng 90 - 93%. Gà chăn nuôi tốt ở phương thức nuôi nhốt và chăn thả, thích hợp với quy mô nuôi hộ gia đình, trang trại và bán trang trại. Chất lượng thịt gà thơm ngon, dai và ngọt.
Hiện tại, HTX có sự tham gia của hàng chục hộ gia đình đang chăn nuôi gà Lạc Thủy. Các hộ đều chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nên gà có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh. Hiện giá bán dao động 85.000 - 90.000 đồng/kg chưa giết mổ.
Ngoài cung cấp gà thịt sơ chế cho các nhà hàng, siêu thị, HTX còn cung cấp con giống cho bà con có nhu cầu trong vùng và các địa phương khác (Thanh Hóa, Nghệ An). Và hiện nay rất nhiều trang trại ở các tỉnh miền Nam có nhu cầu chăn giống gà quý này.
Gà bản địa của huyện Lạc Thủy có sức đề kháng tốt, thịt thơm ngon. |
Ông Dương Ngọc Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình khẳng định, mô hình chăn nuôi gà Lạc Thủy của HTX gà Lạc Thủy là mô hình điểm để người dân trong vùng học hỏi và nhân rộng ra các địa phương khác.
Mô hình đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật an toàn sinh học, chuỗi liên kết, đảm bảo từ khâu chuồng trại đến tiêu thụ. Hiện, gà Lạc Thủy đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt chất lượng 4 sao.
Đánh chung về thị trường cuối năm, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, năm nay là 1 năm khó khăn của ngành chăn nuôi khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành khắp nơi.
Xuất phát từ vấn đề này và để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân và đặc biệt dịp cuối năm, Bộ NN-PTNT đã có chỉ đạo về việc chuyển đổi chăn nuôi đối với gia cầm (gia cầm thịt và gia cầm trứng), gia súc ăn cỏ; cũng như tăng cường tuyên truyền cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thủy sản để thay thế cho thịt lợn đang bị thiếu hụt. Đây là 1 hướng chuyển đổi rất quan trọng để chúng ta đảm bảo an ninh về thực phẩm.
Đối với chăn nuôi gia cầm, nếu so với con lợn thì hiệu quả sử dụng thức ăn cao hơn. Hai là, chi phí về vấn đề xử lí môi trường cũng đơn giản hơn rất nhiều so với con lợn. Ba là, chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh và an toàn thực phẩm rất tốt sau thời kì dài kiểm soát dịch cúm gia cầm từ năm 2003 đến nay…
Để việc chuyển đổi sang chăn nuôi gia cầm một cách bền vững, ông Chinh khuyến cáo: Bà con nông dân nên chọn quy mô, hình thức liên kết phù hợp. Liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, bởi họ có điều kiện đầu tư công nghệ và hệ thống trang thiết bị hiện đại, kể cả về con giống, thức ăn, hệ thống chuồng trại.
“9 tháng đầu năm 2019, thịt trâu tăng 3,1% so với năm 2018; bò tăng 4,2%; gia cầm tăng 13,5%; trứng tăng 10%; thủy sản tăng 6,5% và lợn giảm 9%. Nước ta thiếu về thành phần thịt nhưng nhìn chung tổng sản lượng đối với các dạng thịt, trứng, sữa thì không có vấn đề gì”, ông Chinh bộc bạch.