Trong đó, mô hình của hộ ông Đỗ Văn Học ở khu phố Đoàn Kết là một điển hình.
Ông Học chia sẻ: “Tập trung vốn cùng nhiều công sức bỏ ra, hiệu quả chăn nuôi thấy rõ qua các năm" |
Gia đình ông Học nuôi gà cách đây hơn chục năm. Thời gian đầu chủ yếu nuôi quy mô nhỏ, chưa có kinh nghiệm chăm sóc và phòng chống dịch bệnh nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Ông vừa làm vừa học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm. Nhờ vậy mỗi năm quy mô nuôi tăng dần lên về số lượng. Đến nay tổng đàn gà 8.000 con (trong đó gà đẻ 4.000 con, gà thịt 4.000 con).
Ông Học chia sẻ: “Tập trung vốn cùng nhiều công sức bỏ ra, hiệu quả chăn nuôi thấy rõ qua các năm. Đây là một trong những giống gà nội thuần nhất, đồng nhất về ngoại hình (con mái có lông màu lá chuối khô, hơi giống gà Mía; con trống có bộ lông màu mận chín, đỏ tím, da chân vàng).
Ngoài việc nuôi nhốt chuồng tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, gà còn được thả vườn tận dụng được nguồn thức ăn tươi là các loại côn trùng và cây cỏ tự nhiên. Vì vậy dịch bệnh ít xảy ra và chi phí đầu tư cũng ít hơn, chất lượng thịt ngon, gà chắc, được thị trường ưa chuộng. Nuôi khoảng 4 - 4,5 tháng đến kỳ xuất bán, gà trống có trọng lượng từ 2kg trở lên, gà mái 1,5 - 1,7kg”.
Mỗi năm, gia đình xuất bán ra thị trường khoảng 20 tấn gà thịt, với giá dao động từ 85.000 - 90.000 đồng/kg (tùy từng thời điểm). Ngoài nuôi gà thương phẩm, gia đình ông Học còn đầu tư mua 3 máy ấp nở trứng gia cầm (công suất 13.000 quả/máy), mỗi tuần cung cấp ra thị trường khoảng 1,5 vạn gà giống, với giá 16.000 - 17.000 đồng/con.
Sau nhiều năm kiên trì với mô hình nuôi gà Lạc Thủy, gia đình ông ngày một khấm khá hơn với nguồn thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Ông Học duy trì nuôi gà Lạc Thủy không chỉ với mục đích mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, mà còn muốn tuyên truyền, vận động để đông đảo nông dân cùng nuôi nhằm nhân rộng, bảo tồn giống gà quý hiếm của địa phương.