Đảm bảo vệ sinh động vật và sản phẩm động vật là tổng hợp của nhiều khâu trong quá trình sản xuất; từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Từ quản lý giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi đến vệ sinh môi trường tiêu thụ, bày bán sản phẩm. Bằng những giải pháp tích cực, Hà Nội đã tăng cường công tác thanh kiểm tra, đặc biệt dịp cuối năm để từ đó không xảy ra các vụ ngộ độc lớn về thực phẩm.
Cán bộ thú y đi kiểm tra sản phẩm động vật tại các chợ |
Tuy nhiên với điều kiện thời tiết nhiều biến đổi bất thường như hiện nay cùng việc với việc vận chuyển, lưu thông động vật và sản phẩm động vật trong dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán, đặc biệt mùa Lễ hội sau tết... thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh gia súc gia cầm là rất lớn. Theo ước tính lượng gia súc gia cầm ra vào địa bàn Hà Nội thời điểm trên (từ tháng 12/2017 đến tháng 3/2018) tăng 30% so với trung bình các tháng khác.
Cùng với việc gia tăng động vật, sản phẩm động vật, sản phẩm nhập lậu khi giá cả biến động bất thường cũng là nguyên nhân gia tăng dịch bệnh và mất ATVSTP. Hà Nội với dân số trên 10 triệu người, nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm hoảng 324.000 tấn/năm (900 tấn/ngày). Lượng thịt hàng ngày được cung cấp từ các cơ sở giết mổ có kiểm soát trên khoảng 392 tấn/ngày, nguồn thịt từ các tỉnh ngoài đưa vào có kiểm soát khoảng 100 tấn/ngày. Như vậy lượng thịt tiêu thụ được kiểm soát khoảng 492 tấn/ngày, đáp ứng 55% nhu cầu tiêu thụ.
Xác định được những nguyên nhân trên, để đảm bảo ATVSTP, bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời không để dịch bệnh gia súc gia cầm xảy ra, ngành Thú y Hà Nội đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể một cách quyết liệt.
Trước hết, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Làm tốt việc tuyên truyền để người dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh đó là tiêm phòng, tổng tẩy uế môi trường làm trong lành môi trường sống từ chăn nuôi giết mổ, chế biến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời nâng cao nhận thức cho người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thú y, ATVSTP.
Vấn đề cơ bản nhất vẫn là sự đồng thuận của người dân, cùng vào cuộc ngay từ cơ sở mới giải quyết được những căn nguyên mất ATVSTP. Dự kiến từ nay đến đầu năm 2018, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền để người dân cùng chung tay phòng chống dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm. Riêng ngành thú y sẽ triển khai tập huấn và xác nhận kiến thức ATVSTP cho gần 200 người hiện đang hoạt động trong các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm.
Hai là, tăng cường thanh tra, kiểm tra. Tuyên truyền phải đi đôi với công tác thanh tra, kiểm tra để hướng các chủ hộ kinh doanh động vật, sản phẩm động vật tuân thủ pháp luật. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc về nhân lực, điều kiện trang thiết bị, mặt khác theo quy định mới của Luật Thú y, việc bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh khiến việc xác định nguồn gốc động vật tại các cơ sở, chợ đầu mối là rất khó khăn song cán bộ thú y vẫn phối hợp với Công an, Quản lý thị trường để kiểm tra, xử lý vi phạm.
Từ đầu năm 2017 đến nay ngành thú y Hà Nội phối hợp với các ngành liên quan đã tiến hành 4.933 buổi kiểm tra với số cơ sở được kiểm tra là 18.496. Đã xử lý vi phạm 1.530 trường hợp (tăng 9,4% so với năm 2016), trong đó cảnh cáo 400 trường hợp; phạt tiền 846 trường hợp với tổng số tiền phạt lên tới trên 2,5 tỷ đồng. Do tăng cường hoạt động thanh tra kiểm tra nên đã ngăn chặn được việc việc sử dụng chất cấm, chất tạo nạc và thuốc an thần trong chăn nuôi giết mổ, sơ chế, chế biến.
Theo kế hoạch, trong dịp tết này, Chi cục Thú y Hà Nội sẽ tiếp tục tăng số lượng và số lượt kiểm tra, trong đó tập trung vào việc xác định nguồn gốc sản phẩm. Sử dụng xe chuyên dụng và dụng cụ chuyên ngành, test thử nhanh để kiểm tra chất cấm chất tạo nạc, tồn dư kháng sinh nhằm xử lý vi phạm và đưa ra những cảnh báo giúp cho người dân, người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm động vật.
Sử dụng xe chuyên dụng đi kiểm tra các cơ sở chế biến thực phẩm |
Tăng cường kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật tại các đầu mối giao thông, nâng cao năng lực hoạt động của 09 chốt kiểm dịch liên ngành, đặc biệt tại các chốt đặt tại các cơ sở giết mổ (như Vạn Phúc, Hà Vĩ, Hải Bối, Minh Hiền …) nhằm ngăn chặn gia súc, gia cầm không đủ điều kiện vào các lò mổ và vào trong TP. Về quản lý giết mổ, bố trí đủ cán bộ thú y để kiểm tra kiểm soát chặt chẽ tại các cơ sở giết mổ, đồng thời hướng dẫn các cơ sở nhỏ lẻ vào các khu giết mổ tập trung để từng bước giảm giết mổ nhỏ lẻ tự phát.
Ba là, tập trung thực hiện việc tốt việc tổng tẩy uế vệ sinh môi trường- một giải pháp hữu hiệu giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, ngăn chặn mầm bệnh tái nhiễm, phát sinh. Đây cũng là giải pháp nhằm huy động sức dân cùng cộng đồng vào cuộc. Thời gian qua các quận, huyện, TX đã thực hiện tốt chiến dịch tổng tẩy uế vệ sinh môi trường. Từ đầu năm 2017 đến nay đã thực hiện 06 đợt tổng tẩy uế với quy mô lớn, đồng loạt trên địa bàn TP với tổng diện tích phun khoảng 270 triệu m2.
Tổng số hóa chất TP đã cấp 205.300 (lít, kg). Bên cạnh đó, UBND quận, huyện, TX hỗ trợ 1.230 tấn vôi bột. Từ tháng 12/2017 đến tháng 3/2018 ngành thú y tiếp tục tham mưu để UBND TP phát động đợt ra quân đồng loạt về tổng tẩy uế môi trường toàn TP nhằm làm sạch môi trường ngăn chặn dịch bệnh, đảm bảo ATVSTP và đón chào năm mới với khí thế mới.
Với các giải pháp trên được Hà Nội triển khai đồng bộ cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp các ngành, sự đồng thuận của người dân chắc chắn sẽ góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm trên địa bàn TP dịp tết này.
Tăng cường quản lý các cơ sở chăn nuôi Hà Nội hiện có tổng đàn gia súc gia cầm đứng tốp đầu cả nước với đàn trâu 24.237 con, đàn bò 137.978 con, trong đó bò sữa 15.390 con; đàn lợn 1.652.588 con; đàn gia cầm 28,789 triệu con; 919 trang trại. Tuy nhiên chăn nuôi trang trại chỉ chiếm gần 40% tổng đàn, còn trên 60% chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng tại các hộ gia đình. Nếu các cơ sở chăn nuôi không được quản lý tốt sẽ ảnh hưởng tới lĩnh vực ATVSTP. Ngành NN- PTNT TP Hà Nội đang tập trung hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch, từ đó tạo sản phẩm đầu ra có chất lượng, đảm bảo an toàn, xuất xứ rõ nguồn gốc. Như vậy sẽ vừa quản lý ,vừa tạo điều kiện để các cơ sở chăn nuôi dần hình thành các chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. |