| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi thú y Hà Nội tâm tư trước chủ trương sáp nhập cấp huyện

Thứ Sáu 08/07/2022 , 16:28 (GMT+7)

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi Thú y Hà Nội chia sẻ những tâm tư trước chủ trương sáp nhập các đơn vị trực thuộc cấp huyện thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Hà Nội chia sẻ những khó khăn trong quản lý việc buôn bán, sử dụng thuốc thú y, vacxin. Ảnh: Quang Dũng.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Hà Nội chia sẻ những khó khăn trong quản lý việc buôn bán, sử dụng thuốc thú y, vacxin. Ảnh: Quang Dũng.

Buôn bán thuốc thú y online khó kiểm soát

Tại Lễ kỷ niệm 72 năm thành lập và Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 diễn ra sáng 8/7, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, ý thức chấp hành của một số tổ chức, cá nhân trong hoạt động, sản xuất kinh doanh con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y còn hạn chế gây khó khăn cho công tác quản lý.

Đặc biệt, hoạt động buôn bán thuốc thú y online ngày càng phổ biến, không có địa điểm cố định, hoạt động chủ yếu trên mạng xã hội do vậy khó quản lý, nắm bắt tình hình. Cùng với đó, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỉ lệ cao, tình hình sử dụng thuốc thú y, vacxin tràn lan, khó kiểm soát.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi Thú y Hà Nội, tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn thành phố là 1.058 cơ sở, trong đó có 25 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi có đăng ký kinh doanh là 767 cơ sở.

Số cơ sở buôn bán thuốc thú y là 646 cơ sở giảm 6,6% so với năm 2021, trong đó số cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y là 520 cơ sở.

Ông Tạ Văn Tường, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội nhận định, thực trạng vật tư đầu vào, hàng giả, hàng kém chất lượng hiện vẫn diễn biến hết sức phức tạp đòi hỏi Chi cục Chăn nuôi Thú y cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong tăng cường thanh kiểm tra để hạn chế tới mức tối đa.

Về công tác phòng, chống dịch bệnh, thời gian qua, các bệnh như tai xanh, viêm da nổi cục trâu bò, bệnh dại động vật, bệnh cúm gia cầm và bệnh lở mồm, long móng đều cơ bản ổn định và được kiểm soát tốt.

Riêng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, tính đến 15/6, ổ dịch cuối cùng tại xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín đã qua 21 ngày không phát sinh và đến nay không xuất hiện ổ dịch mới. Trước đó, Chi cục đã lấy 530 mẫu nước thải và 220 mẫu phân giám sát virus Dịch tả lợn Châu Phi, kết quả không phát hiện có virus.

Hiện, toàn thành phố Hà Nội có 38 cơ sở chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh. Trong đó, 4 cơ sở chăn nuôi bò, 20 cơ sở chăn nuôi lợn và 14 cơ sở chăn nuôi gia cầm, có 12 cơ sở chăn nuôi gà và 2 cơ sở chăn nuôi vịt. Bên cạnh đó, 4 quận Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàn Kiếm và Ba Đình đã được cấp Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh Dại động vật.

Với những kết quả đẫ đạt được, 6 tháng cuối năm 2022, Chi cục Chăn nuôi Thú y Hà Nội tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm, báo cáo, khoanh vùng và xử lý kịp thời khi có ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra.

Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị triển khai tiêm phòng đại trà và bổ sung hàng tháng đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt từ 80% tổng đàn và lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng đợt 2 năm 2022 để đánh giá hiệu quả tiêm phòng. Bên cạnh đó, Chi cục cũng triển khai hướng dẫn xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật tại 8 quận còn lại trước năm 2025.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, đàn trâu, bò của Thủ đô hiện là 169.000 con, sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng là 1.070 tấn, sản lượng sữa tươi 3.500 tấn. Đàn lợn trên 1,4 triệu con, sản lượng lợn hơi xuất chuồng 18.500 tấn. Đàn gia cầm trên 38 triệu con, sản lượng hơi xuất chuồng đạt 13.800 tấn.

Lo lắng trước chủ trương sáp nhập đơn vị cấp huyện

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Hà Nội sẻ: Việc Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội có chủ trương, kế hoạch thí điểm hợp nhất 3 đơn vị cấp huyện (Trạm Chăn nuôi và Thú y, trạm Trồng trọt và BVTV, trạm Khuyến nông) thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND huyện quản lý, thực sự là khó khăn, thách thức không nhỏ với ngành thú y để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc của Chi cục Chăn nuôi Thú y Hà Nội được nhận Bằng khen. Ảnh: Quang Dũng.

Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc của Chi cục Chăn nuôi Thú y Hà Nội được nhận Bằng khen. Ảnh: Quang Dũng.

Cùng với đó, những khó khăn ngành chăn nuôi, thú y Hà Nội tiếp tục phải đối mặt là những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến dịch bệnh phức tạp, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều bệnh mới, chủng mới xuất hiện, nhiều bệnh truyền nhiễm lây giữa người và động vật tái nhiễm, môi trường ô nhiễm nặng, chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán tỷ lệ còn cao…

Theo đó, Chi cục Chăn nuôi Thú y Hà Nội đã tham mưu Sở NN-PTNT, UBND thành phố nhiều chính sách như: nâng cao chất lượng giống, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp….

Đặc biệt, từ năm 2020, khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực, Chi cục đã tham mưu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết về khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố được chính quyền và người dân đồng thuận cao. 

"Trên chặng đường sắp tới, Chi cục Chăn nuôi Thú y Hà Nội làm tốt hơn nữa công tác tham mưu về chính sách, nhất là chính sách đặc thù trong phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng sinh học, hữu cơ, xây dựng chuỗi liên kết, chăn nuôi công nghệ cao tiến tới xuất khẩu để ngành chăn nuôi ngày càng phát triển hiệu quả, bền vững”. Ông Nguyễn Ngọc Sơn cam kết.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.