| Hotline: 0983.970.780

Chặng đường 30 năm của Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi

Thứ Năm 16/01/2025 , 07:00 (GMT+7)

30 năm qua, Ban Quản lý Trung ương các dự án (CPO) Thủy lợi đã góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và tài nguyên nước quốc gia.

Tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi hiện nay. Ảnh: CPO Thủy lợi.

Tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi hiện nay. Ảnh: CPO Thủy lợi.

Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, CPO Thủy lợi đã ghi dấu ấn quan trọng trong việc quản lý nguồn vốn ODA, đóng vai trò chủ lực trong việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực này để phát triển ngành thủy lợi của Việt Nam.

Quá trình phát triển của CPO Thủy lợi không chỉ vượt qua những khó khăn ban đầu mà còn khẳng định vị thế, sẵn sàng chuyển mình cùng với sự phát triển chung của đất nước, góp phần thiết thực vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và tài nguyên nước quốc gia.

30 năm qua, CPO Thủy lợi đã đạt được nhiều thành tích tiêu biểu như Huân chương lao động hạng Nhất năm 2014, Huân chương lao động hạng Nhì năm 2009, Huân chương lao động hạng Ba năm 2004 và Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam năm 2018.

30 năm, 2 giai đoạn và gần 3 tỷ USD

Từ khi thành lập năm 1994 đến nay, CPO Thủy lợi được Bộ NN-PTNT giao quản lý 25 dự án ODA trong lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai, an ninh nguồn nước,... với tổng vốn ODA là 2,874 tỷ USD từ các nhà tài trợ đa phương và song phương.

Các đối tác chính có thể kể đến như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc thông qua Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Ngân hàng tái thiết Đức (KfW), Vốn Viện trợ không hoàn lại của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và Quỹ khí hậu xanh (GCF), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)...

Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức là một nguồn lực quan trọng ở Việt Nam. Bắt đầu vận động từ năm 1993 đến nay, ODA đã hỗ trợ xây dựng và phát triển một số ngành và lĩnh vực trọng yếu của Việt Nam, trong đó có hạ tầng thủy lợi, nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Trong lúc nguồn thu ngân sách còn hạn chế, Chính phủ Việt Nam có chính sách ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA để thực hiện các chương trình, dự án quan trọng của quốc gia đòi hỏi mức đầu tư lớn. Trước tình hình đó Bộ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NN-PTNT) đã thành lập Ban Quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi - gọi tắt là CPO theo Quyết định số 162 QĐ/TCCB-LĐ ngày 26/02/1994 để thực hiện dự án ODA đầu tư cho thủy lợi.

Hầu hết các dự án ODA đầu tư về lĩnh vực thủy lợi được Bộ NN-PTNT giao cho CPO Thủy lợi làm chủ dự án thực hiện việc quản lý, điều hành và tổng hợp toàn dự án theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế về ODA.

Trong lĩnh vực thủy lợi, việc thu hút và sử dụng vốn ODA để phát triển thủy lợi vẫn liên tục được duy trì ở mức cao, chiếm gần 50% tổng vốn ODA trong các lĩnh vực nông nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ.

Qua 30 năm xây dựng và phát triển, CPO Thủy lợi đã có những đóng góp cho sự nghiệp phát triển ngành nông nghiệp nói chung và nhất là lĩnh vực thủy lợi nói riêng, góp phần cải thiện đời sống của nông dân, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.

Chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển có thể chia thành 2 giai đoạn chính vận động và quản lý dự án ODA. Giai đoạn 1 - từ năm 1994 đến năm 2010, CPO Thủy lợi được Bộ giao làm Chủ dự án: điều phối, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát và tổng hợp toàn dự án, gồm các dự án: ADB1, ADB2, ADB1+2, ADB3, ADB4, WB1, WB2, WB3, WB4, JICA1.

Giai đoạn 2 - từ năm 2011 đến nay, CPO Thủy lợi vừa được Bộ giao tiếp tục làm Chủ dự án các dự án ADB5, ADB6, GMS1/ADB7, WB5, WB6, WB7, WB8, WB9, JICA2, ADB8, GCF, GEF.

Ngoài ra, CPO Thủy lợi còn được Bộ giao làm Chủ đầu tư trực tiếp các dự án/tiểu dự án: Tiểu dự án Xây dựng trạm bơm Nghi Xuyên thuộc các dự án ADB5, Lào 1, Lào 2, KEXIM1, Tiểu dự án 1 và Tiểu dự án HP1-5 thuộc dự án WB9.

Công trình đầu mối Lèn - Dự án KEXIM1'. Ảnh: CPO Thủy lợi.

Công trình đầu mối Lèn - Dự án KEXIM1". Ảnh: CPO Thủy lợi.

Sẵn sàng cho giai đoạn mới

Trong giai đoạn tiếp theo, CPO Thủy lợi đề xuất với Bộ tiếp tục giao làm Chủ đầu tư trực tiếp các dự án mà Bộ giao cho CPO Thủy lợi chuẩn bị: ADB9, ADB10, WB10, WB11, JICA5, KEXIM2 và các dự án do Chính phủ Việt Nam viện trợ cho Chính phủ Lào.

Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế sâu rộng. Nền kinh tế đang phục hồi tích cực, việc thu hút và quản lý vốn ODA hiệu quả vẫn là thách thức lớn.

Trong giai đoạn này CPO Thủy lợi đặt ra yêu cầu và cơ hội lớn đối với việc thu hút nguồn ODA trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, phòng chống thiên tai, phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao năng lực quản lý tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.

Cụ thể là, tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, nâng cấp hệ thống thủy lợi hiện đại, đặc biệt là các dự án phòng chống lũ lụt, chống xâm nhập mặn, an ninh nguồn nước và cung cấp nước sạch cho các khu vực nông thôn và đô thị.

Bên cạnh đó, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và xây dựng các cơ sở hạ tầng linh hoạt để ứng phó với thiên tai.

Đầu tư cho nông nghiệp thông minh và nông nghiệp xanh, nông nghiệp tiết kiệm nước, sử dụng công nghệ cao và tăng cường hệ thống tưới tiêu thông minh.

CPO Thủy lợi cũng tăng cường năng lực quản lý và phát triển thể chế, ứng dụng công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý thủy lợi và nông nghiệp, tăng cường hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu để cải thiện quản lý tài nguyên nước và sản xuất nông nghiệp.

Mục tiêu tiếp theo là phát triển nông thôn bền vững, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cuộc sống và hội nhập quốc tế sâu rộng, tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác mạnh mẽ với các đối tác quốc tế, đặc biệt là các tổ chức tài trợ như WB, ADB, JICA, GCF, GEF, KEXIM, KfW,… để thu hút các nguồn lực hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, phục vụ các mục tiêu phát triển lâu dài của đất nước.

Cùng với đó là chuyển đổi sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu: các dự án được xây dựng cách tiếp cận mới, tư duy mới, lấy con người làm chủ thể, thích nghi, hài hòa với tự nhiên có kiểm soát, dựa theo các quy luật tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái hỗ trợ công trình và phi công trình để hỗ trợ người dân chuyển đổi dần mô hình sản xuất bền vững.

Đến nay, có 6 dự án được phê duyệt đề xuất dự án/chủ trương đầu tư/báo cáo nghiên cứu khả thi với tổng mức đầu tư là 984 triệu USD.

Xem thêm
Ngày 17/1 trở thành Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre

Tỉnh Bến Tre vừa tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre 17/1.

Thương lái ngại ngần cọc mua lúa đông xuân

Cần Thơ Giá lúa đông xuân giảm sâu so với năm ngoái, nhiều nông dân lo lắng, thương lái ngại không đặt cọc thu mua, tâm lý chờ giá tăng khiến bà con thêm áp lực.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ông Hồ Văn Hà làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X vừa tổ chức kỳ họp thứ 24 và bầu thêm một Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhằm kiện toàn công tác nhân sự.