Đi theo đam mê
Anh Nguyễn Xong (SN 1992) ở khu phố Lâm Trúc 2, phường Hoài Thanh (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) tốt nghiệp Học viện Hành chính quốc gia TP Hồ Chí Minh vào năm 2014. Về quê, Xong làm việc tại Ban Quản lý dự án phát triển quỹ đất thị xã Hoài Nhơn một thời gian, sau đó chuyển nghề làm chủ thầu xây dựng các công trình dân dụng rồi chuyển sang kinh doanh thuốc thú y. Công việc nào cũng cho Xong thu nhập ổn định, nhưng tiền bạc không đủ để “bứt” Xong ra khỏi niềm đam mê cây sen hình thành từ thuở ấu thơ.
Sinh ra và lớn lên trong căn nhà nằm sát cạnh ao sen rộng 10ha ở thôn Lâm Trúc 2, một đặc ân mà thiên nhiên ban tặng cho người dân phường Hoài Thanh (thị xã Hoài Nhơn). Ngày xưa, môi trường chưa bị ô nhiễm, tác động của con người chưa gây hại cho hồ sen, nên suốt quãng đời tuổi thơ anh Xong hít thở hương thơm quyến rũ của hoa sen đến “nghiện ngập”. “Hương hoa sen ngấm vào máu thịt của tôi từ tấm bé, nên khi trưởng thành, dù kinh qua nhiều nghề cho thu nhập ổn định, nhưng cuối cùng hương sen cũng kéo tôi quay về với ao sen để khởi nghiệp”, Xong bộc bạch.
Theo anh Xong, trước đây, ao sen có diện tích hơn 10ha nằm giữa khu dân cư nên nó được xem như là “lá phổi xanh” của người dân phường Hoài Thanh, đến mùa sen nở, người dân Lâm Trúc 2 còn được thưởng thức hương sen thoang thoảng trong gió. Tuy nhiên, do không được quản lý, chăm sóc; ai cần cây sen để trồng cứ thoải mái đến nhổ, ai cần hoa cứ đến bẻ. Đó là chưa kể người dân khác địa phương đến giăng lưới, chèo xuồng đánh bắt cá trong ao sen. Ao sen càng bị xâm hại nghiêm trọng khi người dân không có ý thức thức cứ vứt, đổ đủ các loại rác thải, kể cả xác súc vật chết xuống lòng hồ khiến cho môi trường bị ô nhiễm. Ao sen ngày càng tơi tả, tàn lụi dần…
Mỗi lần rời công việc về quê, anh Xong nhìn thấy ao sen bị “bức tử” mà lòng đau như cắt. Lòng anh Xong nảy ra ý tưởng “Tại sao mình không khởi nghiệp từ cây sen”, thế nhưng khi thấy diện tích ao sen quá lớn, muốn đầu tư cải tạo phải bộn bề với bao công việc, anh cũng thấy chờn. Để biến ước mơ thành hiện thực, Xong đi tìm hiểu những mô hình trồng sen làm dịch vụ tham quan du lịch ở một số địa phương trên cả nước. Thấy điểm đến nào cũng làm ăn tở mở, cho hiệu quả cao, trong khi ở Hoài Nhơn chưa nơi nào làm mô hình này, Xong tự tin bắt tay vào làm. Không chỉ lấy cây sen làm dịch vụ du lịch, anh Xong còn chế biến, khai thác hết giá trị của cây sen.
Sau khi được nhận khoán ao sen Lâm Trúc vào năm 2019 với chu kỳ 5 năm, ngoài khoản kinh phí 55 triệu đồng thuê khoán, anh Xong đầu tư 100 triệu đồng mua thêm giống trồng phủ kín sen trong ao, thuê công cải tạo cảnh quan xung quanh. Vạn sự khởi đầu nan, thời gian đầu do bị ảnh hưởng thời tiết dẫn đến sen mới trồng bị cháy lá, dưới nước thì cây sen bị ốc bươu vàng phá hoại. Việc khó càng ngày càng phát sinh, trong khi anh Xong đã cạn kiệt vốn, có lúc tưởng chừng anh đã phải buông xuôi.
“Không nỡ để ước mơ của mình chết yểu giữa chừng, được sự ủng hộ của gia đình, tôi tiếp tục đeo bám, từng bước khắc phục khó khăn để có ngày hôm nay. Sau 3 năm gầy dựng, ao sen Lâm Trúc 10ha giờ đã phủ kín sắc màu của hoa và lá sen. Riêng hạt sen tươi trung bình mỗi năm cho trên 7 tấn, tôi bán thô được khoảng 180 triệu đồng, đó là chưa kể các sản phẩm phụ như tim sen, hoa sen…”, anh Nguyễn Xong chia sẻ.
Làm chơi thu tiền thật
Cũng theo anh Xong, riêng vụ thu hoạch các sản phẩm từ sen năm đầu tiên, anh Xong bán thô hết cho thương lái để “giải nợ” khoản tiền thuê khoán ao sen, tiền thuê nhân công, mua sen giống. Tiếp cận với thị trường, anh Sen biết là nếu qua chế biến, tất cả các sản phẩm từ cây sen sẽ cho thu nhập cao gấp đôi so với giá bán thô.
Năm 2020, anh Xong đầu tư một số máy móc đơn giản như máy xay bột, mấy sấy, máy hút chân không… để phục vụ chế biến các sản phẩm từ sen nhằm làm giảm chi phí nhân công, bảo quản sản phẩm sau chế biến đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và bắt đầu tìm kiếm thị trường.
“Sen chế biến là dòng sản phẩm còn khá mới trên thị trường, do đó đa số khách hàng chỉ mua một ít để sử dụng thử, khi thấy chất lượng tốt mới đặt mua lâu dài và giới thiệu cho nhiều người khác. Những ngày đầu khởi nghiệp, hàng ngày tôi dong xe chạy miết ngoài đường, đi khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh để tiếp thị mặt hàng sen chế biến. Phải nói “ráo nước miếng” mới có cửa hàng, nhà hàng đồng ý mua sản phẩm của mình, nhưng trả giá thấp sát đáy, nhiều khi tôi phải chấp nhận bán lỗ vốn để tìm kiếm thị trường.
Hiện sản phẩm sen “5 Xong” như bột sen khô rang chín dùng để pha sữa, làm bánh; sen khô nguyên hạt; hạt sen rang; tim sen sấy khô… đã có mặt tại các đại lý, tiệm thuốc Bắc, nhà hàng tiệc cưới khắp nơi trên cả nước. Có thời điểm tôi không có đủ sản phẩm để cung ứng cho khách hàng, nhất là vào những dịp lễ, tết”, anh Xong phấn khởi chia sẻ.
Chưa dừng lại ở đó, cuối năm 2020, trên mặt nước ao sen, anh Xong còn đầu tư thiết kế chiếc cầu tre, xây dựng 4 nhà sàn nổi tạo cảnh quan thơ mộng, đẹp mắt, thu hút khách tìm đến tham quan, thư giãn. Khách đến ao sen Lâm Trúc được hòa mình vào không gian làng quê thanh bình, hít thở hương hoa sen thanh khiết, thưởng thức vài móm ẩm thực độc đáo từ sen đậm chất dân dã do anh chế biến. Khách đến thưởng ngoạn ao sen ai nấy đều mê mẩn món gỏi ngó sen, chả cá thác lác chiên cuốn lá sen non, cá lóc nướng cuốn lá sen cùng các loại thức uống pha chế từ hạt sen, củ sen, tim sen giúp thanh nhiệt, tạo giấc ngủ sâu và có tính dược cao.
Nói về triển vọng và thành công bước đầu của mô hình khai thác ao sen của anh Xong, ông Nguyễn Văn Tần, Trưởng khu phố Lâm Trúc 2 (phường Hoài Thanh), hào hứng nói: “Ao sen này được UBND phường Hoài Thanh giao cho khu phố quản lý. Năm 2012, để tạo nguồn thu cho các hội đoàn thể cơ sở có kinh phí hoạt động, Chi bộ và Ban nhân dân khu phố thống nhất giao lại cho chi hội người cao tuổi khai thác. Thế nhưng sau một thời gian dài khai thác ao sen không hiệu quả do cách làm theo kiểu “cha chung không ai khóc”. Từ ngày anh Xong thuê khoán, ao sen Lâm Trúc thật sự hồi sinh. Ao sen đã mang lại hiệu quả kinh tế trông thấy, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đặc biệt là “lá phổi” của phường Hoài Thanh đã xanh lại, môi trường không khí được thanh lọc tốt hơn”.
“Hướng phát triển của ao sen Lâm Trúc đã cho thấy hiệu quả hiển hiện, nếu được đầu tư tốt hơn sẽ còn đầy triển vọng trong tương lai. Tôi mong muốn chính quyền địa phương và các cấp ngành liên quan quan tâm, tạo điều kiện cho tôi được nhận khoán ao sen lâu dài. Được vậy, tôi mới dám mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị hiện đại để nâng tầm giá trị sản phẩm, đăng ký xây dựng thương hiệu và tiếp tục phát triển các sản phẩm mới từ sen theo hướng xuất khẩu”, anh Nguyễn Xong trải lòng.