Tằm tự dệt
Cả tuổi ấu thơ của tôi gắn với cái trại tằm nằm ngay bênbờ sông Đáy: “Sông trăng hay sông lụa. Nong kén vàng như lúa.Tròn vạnh một góc trời” nên không lạ gì cảnh hái dâu, chăn tằm hay ươm tơ, dệt lụa.Thế mà có một người đã khiến cho tôi phải ngỡ ngàng, nhìn nhận lại những kiến thức tằm tơ của mình. Trùng hợp thay người đó lại ở ngay bên kia bờ, đối diện với cái trại tằm yêu dấu của tôi, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Từ thời thuộc Pháp Phùng Xá đã nổi tiếng bởi nghềchăn tằm dệt lụa. Sản phẩm của làng làm ra không chỉ bán lên Hàng Ngang, Hàng Đào ở Hà Nội mà còn xuất khẩu tận trời Tây, mấy lần tham dự hội chợ đấu xảo Paris…
Chuẩn bị các cọng sen |
Đời đời, kiếp kiếp con tằm nhả tơ còn con người thì dệt lụa, quy luật đó tưởng không thể nào đổi thay được nhưng lại có một người con của đất Phùng Xá đã tìm ra cách huấn luyện biến tằm thành thợ dệt. Đó là bà Phan Thị Thuận.Bà kể, ý tưởng này xuất phát từ mấy chục năm quan sát loài côn trùng sinh tơ này: “Nhiều lần đứng ngắm con tằm làm tơ, đan kén, cách nó ngoáy đầu ra sao, cách nó rút ruột thế nào tôi bỗng nảy ra ý tưởng rằng tại sao không để chúng dệt lụa thay cho người?”.
Ý tưởng “điên rồ” đó phải mất 1 năm với 8 lứa tằm thử nghiệm, với 32 đêm thức trắng bà mới cho ra đời phương pháp dệt lụa lần đầu tiên có trong lịch sử loài người: tằm tự dệt vào năm 2010.
Phải thấu hiểu đầy đủ tâm sinh lý rồi đáp ứng mới mong chúng đền đáp bằng cách thay người dệt lụa. Tằm khi đan kén trên né còn có tổ để che chở nên cứ theo bản năng mà miệt mài nhả tơ. Đằng này khi nằm trơ thân trên một mặt phẳng thì chỉ một tia nắng, một tiếng động, một làn gió, một mùi lạ thôi cũng đủ để cho chúng giật mình sợ hãi rời bỏ vị trí làm “công nhân” đứng máy.
Chính vì thế mà xưởng kéo tơ của bà Thuận giống như một cái kén lớn được che kín bốn bề để không một tiếng động, tia nắng, làn gió, mùi lạ xâm nhập vào. Nó không khác gì một cái kén khổng lồ cả. Tùy từng loại tằm trắng hay tằm vàng, tằm lai hay tằm thuần mà trong ruột mỗi con có thể chứa được sợi tơ dài 400-500 m. Để nhả hết số tơ đó bên trong chúng phải cúi đầu dùng miệng rút từ trong ruột mình ra khoảng 10.000 lần. Bà Thuận còn tỷ mẩn tính toán những thông số như khoảng cách thích hợp để cho lũ tằm vươn cổ, nhả tơ vừa vặn nhau nhất mà không va đầu vào nhau.
Kéo tơ sen |
Từ những sợi tơ do tằm tự dệt những chiếc chăn lụa được hình thành, xốp nhẹ như mây trời nhưng lại rất vững chắc, bền bỉ. Chúng khác hẳn với phương pháp cũ do con người kéo kén, ươm tơ, cào thành sợi rồi khâu cố định vào nhau thành hai lớp nên chỉ sau một thời gian sử dụng sẽ bị vón cục. Chính vì sự độc nhất vô nhị ấy mà chăn lụa do tằm tự dệt có giá bán lên tới vài ba triệu đồng.
Đến dệt lụa bằng sợi tơ sen
Trong khi bà Thuận đang đắm đuối với xưởng tằm tự dệt tơ của mình bên bờ sông Đáy, một buổi có chị Trần Thị Quốc Khánh-đại biểu quốc hội của Hà Nội đến thăm và kể câu chuyện về loại tơ sen độc đáo của ngườiCampuchia, Myanmar. Chị động viên bà nên đi học hỏi kinh nghiệm của các nước đó về để cũng có thể sản xuất ra được loại tơ đặc biệt này.“Để tôi làm ra sản phẩm đã rồi sau đó đi thăm cách làm của các nước sau.Nếu mình thua họ, kém họ cái gì tôi sẽ cố gắng học mà làm”.Bà trả lời.
Quê bà vốn lắm đầm, nhiều ao, sen mọc rất nhiều, tại sao không thể lấy tơ mà dệt lụa như ở nước ngoài được? Vậy là từ tháng 1 năm 2017 bà Thuận bắt đầu suy nghĩ về cách lách lưỡi dao vào thân cuống sen sao cho rút sợi tơ ra mà không bị đứt, mà không bị mất sức.Thoạt tiên là nghĩ trong đầu sau đó bà hì hụi hiện thực hóa, ghi chép, vẽ chúng ra sổ.Ý tưởng cứ thế nối dài như một sợi tơ tằm.
Sợi cuốn từ tơ sen |
Nhiều ngày đêm suy nghĩ như thế cuối cùng thì cũng tới tháng tư, khi mùa sen bắt đầu. Bà ra hồ sen của người em họ thấy lá sen đang lên mơn mởn, hoa sen đang e ấp hàm hương lại tiếc không dám động dao vào vì biết thu hết cuống lá sẽ tàn cả một mùa hoa.
Phải đợi đến tháng 6, khi mùa sen đã trôi được quá nửa bà mới tiến hành thí nghiệm của riêng mình. Bà thử đủ loại cuống lá già, cuống lá non, sen hồng đơn, sen hồng kép cuối cùng mới đi đến kết luận cuống sen vừa tầm lá bánh tẻ sẽ cho ra sợi dai nhất và đẹp nhất còn cuống lá già sẽ gây khó khăn cho việc cắt cuống và rút sợi.
Cọng sen được cắt ngắn thành những đoạn dài 3-4 cm rồi tay bà bắt đầu kéo, miết qua mặt bàn dấp dính nước, bện từng sợi tơ lại với nhau cho đến khi chúng đủ dày. Cứ thế, những sợi tơ sau nối tiếp vào những sợi tơ trước thành một cọng tơ tưởng như dài bất tận.
Tất cả các cọng sen phải được xử lý trong vòng khoảng một ngày sau khi thu hái nếu không cọng sẽ bị khô lại, tơ sẽ bị biến chất hoàn toàn. Miệt mài thực hành từ tháng 6 đến tháng 10, sau nhiều lần thất bại cuối cùng thành công cũng mỉm cười với bà Thuận khi một chiếc khăn quàng cổ bằng sợi tơ sen được ra lò. Con tằm ăn lá dâu trong hơn 20 ngày mới nhả tơ thành kén, kén đó lại dầm mình trong nước nóng 70 độ C mới có thể kéo thành những búi tơ. Tơ sen tiếng là chỉ việc ra hồ là sẵn có tuy nhiên lại tốn công sức vô cùng vì lúc này con người thay cho vị trí của con tằm để kéo tơ. Một lao động một ngày trung bình có thể cắt và kéo sợi từ 300 cuống lá được một sợi tơ dài khoảng 300m. Tùy theo độ dày mỏng mà một chiếc khăn dệt bằng sợi tơ sen phải mất ít nhất 1.500 cuống lá.
Khi làm xong sản phẩm thì bà được tài trợ một chuyến đi thăm xưởng của anh Samamtoa ở tỉnh Siêm Riệp, Campuchia và nhận thấy sản phẩm ở nhà của mình còn đẹp hơn, tốt hơn. Thế mà ở đây, một chiếc khăn quàng cổ làm từ lụa sen có chiều ngang 20cm, dài 1,8m bán 130 USD, một chiếc áo cộc tay có giá gần 2.500 USD còn một chiếc váy có giá lên tới gần 4.000 USD.
Lụa sen ra lò |
Giá trị của lụa sen lớn quá khiến cho bà Thuận mê mẩn. Bà mơ ước ngày nào đó đất nước mình cũng mở rộng được nghề này như ở Campuchia, Myanmar để nông dân tăng thêm thu nhập: “Nói về tiềm năng của nghề thì Việt Nam còn nhiều hơn cả Campuchia vì tay người thợ của chúng ta vê sợi nhanh hơn, chắc hơn và đều hơn…”
Gặp tôi hôm triển lãm các sản phẩm đặc trưng của nông thôn mới Hà Nội giữa trưa hè nóng 40 độ C mồ hôi chảy đầm đìa lưng áo nhưng nụ cười của bà vẫn tươi tắn trên môi khi thuyết trình về “đứa con tinh thần” của mình, những chiếc khăn lụa bằng tơ sen. Năm 2017 xưởng của bà đã làm ra được tổng cộng 10 chiếc khăn như thế, bán giá 150 USD (tương đương khoảng 3,5 triệu đồng). Không chỉ dừng lại ở khăn choàng, hiện nay sản phẩm của bà mỗi ngày càng đa dạng hơn như được may thành các sản phẩm quà tặng lưu niệm nho nhỏ như túi xách: “Mỗi khi sử dụng sản phẩm lụa sen khách hàng không chỉ thấy ấm, thấy thoáng, thấy nhẹ mà còn ngửi thấy hương sen phảng phất trên người. Bởi thế bên cạnh giá trị sử dụng, lụa sen còn có giá trị tâm linh, như luôn luôn có Phật ở bên mình vậy”.