| Hotline: 0983.970.780

Chất lượng Thủy hải sản nội địa vẫn thả nổi

Thứ Năm 22/07/2010 , 09:22 (GMT+7)

Trong khi thủy - hải sản xuất khẩu được kiểm tra nghiêm ngặt theo quy định thì thủy - hải sản tiêu thụ nội địa vẫn bị thả nổi, gây ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng trong nước.

Một tàu đánh cá vừa bán hải sản cho thương lái

Trong khi thủy - hải sản xuất khẩu được kiểm tra nghiêm ngặt theo quy định về quản lý chất lượng thì thủy - hải sản tiêu thụ nội địa vẫn bị thả nổi, gây ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng trong nước.

Chất lượng khó đoán

Các Cảng cá Mỹ Tho và cảng cá Vàm Láng là nơi cung cấp lượng lớn thuỷ - hải sản cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Nhưng hiện nay, chất lượng mặt hàng này mới chỉ giám sát được bằng cảm quan, như kiểm tra xem hàng về chợ còn tươi không, thùng chứa có đúng quy cách hay không. Còn nguồn gốc các loại thủy sản này không biết chính xác được do ngư dân không thực hiện ghi nhật ký khai thác theo quy định. Việc lấy mẫu xét nghiệm chất lượng mặt hàng thuỷ hải sản chỉ được cơ quan chức năng thực hiện định kỳ theo kế hoạch, mỗi năm khoảng 1-2 lần.

Chị Lê Thị Hằng, một người chuyên bán hải sản ở chợ Mỹ Tho cho hay, chị thường bán các loại thủy - hải sản như: mực tươi, cá bạc má, cá nục… Các loại hải sản này chị mua từ các đầu nậu các cảng cá Mỹ Tho và Vàm Láng. Khi mua, hàng đã được “bảo quản” sẵn chứ không phải đợi đến khi bị ươn mới bảo quản. Khi mua về chị cứ thế mang bán mà không cần phải tẩm ướp gì thêm. Khi được hỏi về chất “bảo quản” mà các đầu nậu dùng để tẩm ướp cá biển, chị nói: “chắc có, nghe nói là urê gì đó nhưng không biết đó là gì nhưng chị cho hay thủy - hải sản khi đến tay người tiêu dùng cũng gần nửa tháng, nếu không tẩm gì thì không thấy mới tươi và ngon được”. Còn đối với mực, chị cho biết, họ dùng một chất gì đó mà họ gọi là “chất tẩy”. Mực được tẩy là những con mực để lâu ngày, không đủ đá và gần bị “sình”, sau khi cho loại mực này vào dung dịch tẩy sẽ thấy màu sắc mực tươi, trắng như vừa câu từ biển lên.

Chị Trịnh Thị Nương ở thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành (Tiền Giang) kể, có lần chị đi chợ thấy cá bạc má tươi ngon, chị mua 2kg, nhưng về nhà nấu chín thì cá không có vị ngọt, mà thịt nát, nặng mùi, lúc ấy chị mới biết mình mua phải cá bị tẩm ướp. Không may mắn như gia đình chị Nương, anh Nguyễn Văn Thanh ở xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) phải vào bệnh viện cấp cứu vì ngộ độc sau khi ăn cá nục chiên, nguyên nhân ngộ độc là do trong cá có tẩm ướp hoá chất cấm. “Hải sản là món ăn ưa thích của gia đình tôi nhưng sau khi bị ngộ độc lần đó, gia đình tôi chỉ sử dụng thịt gia súc, gia cầm hay khi “thèm lắm” cũng chỉ mua hải sản tươi sống”, anh Thanh cho biết.

Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, năm 2008, cả nước có 29 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.285 người mắc và 05 người tử vong có nguyên nhân từ thủy sản; 9 tháng đầu năm 2009 có 103 vụ ngộ độc thực phẩm làm 3.795 người mắc, 3.111 người nhập viện và 31 người tử vong, trong đó có 04 vụ do độc tố histamin trong cá biển. Tại Tiền Giang, trong 9 tháng đầu năm, có 02 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cá ngừ với số người mắc là 137 người.

Cũng theo Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, trong số các ca cấp cứu ngộ độc thực phẩm thì ngộ độc thủy - hải sản đang ở mức đáng báo động. Nguyên nhân ngộ độc chủ yếu là do ăn phải thủy - hải sản không còn tươi, thủy - hải sản có chứa dung dịch urê và bơm chích tạp chất. Phân urê khi hoà tan có thể làm lạnh môi trường xung quanh. Do tính chất không màu, không mùi nên mắt thường không phân biệt được nước có chứa dung dịch urê với nước biển hay nước đá lạnh. Nếu ăn phải các loại thực phẩm bị bơm tạp chất hoặc có chứa phân urê, thì người ăn có thể bị ngộ độc cấp tính với những biểu hiện như đau bụng dữ dội, ói, buồn nôn, tiêu chảy. Về lâu dài sẽ bị ngộ độc mãn tính, gây mất ngủ kéo dài, đau đầu, nhức mỏi cơ thể, trí nhớ giảm, hay cáu gắt. Nếu sử dụng nhiều hoặc thường xuyên loại hải sản này, nhẹ thì bị ngộ độc như chóng mặt, nôn mửa, tiêu chảy, nặng sẽ không tránh khỏi tử vong.

Chế tài mạnh đối với người đưa tạp chất vào Thủy hải sản

Các loại hóa chất, kháng sinh như Urê, Borat (hàn the), Cloramphenicol là những loại hóa chất, kháng có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, giá thành rất rẻ nên không ít người kinh doanh thực phẩm thủy - hải sản tươi sống đã sử dụng để bảo quản thực phẩm. Trong khi việc quản lý những chất độc này vẫn còn bỏ ngỏ, thì thói quen sử dụng các loại thuốc kháng sinh, hoá chất cấm của người dân nuôi thủy - hải sản vẫn không thay đổi. Bên cạnh đó, vì lợi nhuận, nhiều cơ sở thu mua, sơ chế thủy - hải sản đã dùng các chất cấm sử dụng sản như: Urê, Hàn the, Cloramphenicol trong bảo quản Thủy sản nhầm giảm chi phí; tổ chức bơm tạp chất, vào thủy - hải sản để chế biến rồi đưa ra thị trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đây là hành vi gian lận thương mại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Lương Lê Phương thừa nhận, với thủy - hải sản tiêu thụ nội địa, hiện vẫn chưa qua bất cứ khâu giám sát chất lượng hay đúng hơn là đang bị thả nổi. Việc quản lý thuỷ - hải sản hiện đang làm các cơ quan quản lý đau đầu vì các hộ kinh doanh chưa có sổ sách theo dõi nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhập về. Đến nay, việc phát hiện, ngăn chặn tận gốc hành vi này vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát.

Tình trạng các “đầu nậu” vẫn thường sử dụng một loại "bột đắng", nói chính xác là chloramphenicol, một chất độc gây ung thư để ướp cá thay cho nước đá vẫn tồn tại. Một chuyên gia trong lĩnh vực Thủy sản nhẩm tính, để bảo quản 25-30 tấn hải sản thời gian khoảng một tháng, cần 1.200-1.500 cây đá, tương đương 12-15 triệu đồng. Nhưng, khi thay thế bằng urea, hàn the, chloramphenicol thay cho nước đá để ướp hải sản thì không những chi phí rẻ hơn nhiều lần, mà còn giữ độ tươi con cá, con mực lâu hơn...

Để chấm dứt tình trạng này, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 31/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy - hải sản. Đối với hành vi thuê, mượn người khác đưa tạp chất vào thủy - hải sản hoặc có hành vi tổ chức đưa tạp chất vào thủy - hải sản, Nghị định quy định mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng. Ngoài ra, có thể còn bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ sở thu gom, bảo quản, chế biến thủy - hải sản từ 6 - 12 tháng trong trường hợp cơ sở vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. Nếu tàu cá sử dụng, tàng trữ trái phép hóa chất độc, thực vật có độc tố để khai thác thủy - hải sản sẽ bị phạt từ 5 - 7 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực thủy - hải sản, việc kiểm soát chất lượng thủy - hải sản như hiện nay chỉ mới dừng ở thủy - hải sản xuất khẩu, còn đối với thị trường nội địa vẫn bị buông lỏng. Để hạn chế được tình trạng này, các cơ quan quản lý cần xây dựng chương trình quản lý hồ sơ chất lượng thủy - hải sản tại các chợ đầu mối, thương lái thu mua tại cảng cá. Sau khi có hồ sơ chất lượng, thì bước tiếp theo là xây dựng hồ sơ truy xuất nguồn gốc. Với cách làm này sẽ biết được “đường đi” của từng mặt hàng thủy - hải sản khi chúng được đưa vào thị trường, đồng thời giảm thiểu tối đa việc sử dụng các chất bảo quản bị cấm sử dụng.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất